02/07/2025 18:10 GMT+7

4 thói quen nên hạn chế sau 17h để tránh nguy cơ đột quỵ

Liệu những thói quen sau giờ làm việc tưởng như vô hại này có đang âm thầm làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, thậm chí là đột quỵ?

đột quỵ - Ảnh 1.

Một phần lý do làm tăng nguy cơ đột quỵ ở ai đó có thể nằm ở các thói quen buổi tối của chính họ - Ảnh: EATING WELL

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Mỹ. Một phần lý do có thể nằm ở các thói quen sinh hoạt buổi tối, theo Eating Well.

Nghiên cứu cho thấy có đến 84% trường hợp đột quỵ có liên quan đến các yếu tố lối sống có thể thay đổi được, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 9h đến 17h. Tuy nhiên những gì bạn làm và không làm sau 17h cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ.

Ăn tối muộn thường xuyên

Việc ăn tối muộn có thể đã trở thành một phần quen thuộc trong thói quen sinh hoạt hằng ngày, nhất là khi bạn có một ngày bận rộn. Nhưng điều này có thể đang gây hại cho sức khỏe tim và não bộ.

Các bữa ăn muộn có thể làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể và ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp cũng như quá trình trao đổi chất. Theo thời gian, những sự gián đoạn này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch, bao gồm cả đột quỵ.

Nghiên cứu đã phát hiện rằng việc ăn bữa ăn cuối cùng trong ngày sau 21h có liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao hơn so với ăn tối sớm hơn. Nguy cơ tương tự cũng được ghi nhận ở những người ăn sáng muộn, cho thấy rằng thời điểm của cả bữa ăn đầu tiên và cuối cùng trong ngày có thể đóng vai trò lớn hơn trong nguy cơ đột quỵ so với những gì chúng ta từng nghĩ.

Việc hình thành thói quen ăn sớm hơn cả vào buổi sáng lẫn buổi tối có thể hỗ trợ các nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể và giúp bảo vệ khỏi nguy cơ đột quỵ.

Nằm dài trên ghế sofa quá lâu

Sau bữa tối, việc nằm thư giãn trên ghế sofa rất phổ biến, đặc biệt sau một ngày làm việc căng thẳng. Tuy nghỉ ngơi là điều cần thiết, nhưng dành quá nhiều thời gian thư giãn thụ động vào buổi tối lại có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhất là nếu bạn đã ngồi nhiều trong ngày. Thậm chí điều này vẫn đúng ngay cả khi bạn còn trẻ.

Ví dụ, một nghiên cứu lớn cho thấy những người dưới 60 tuổi không hoạt động thể chất và dành hơn 8 tiếng mỗi ngày để xem TV, dùng máy tính hoặc đọc sách có nguy cơ đột quỵ cao gấp 3,5 lần so với những người có ít thời gian ngồi không hơn.

Tin tốt là ngay cả những hoạt động nhỏ cũng có thể mang lại lợi ích. Ví dụ, đi bộ 20 phút sau bữa tối có thể hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện kiểm soát đường huyết, làm giảm nguy cơ tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim và đột quỵ.

Uống rượu trước khi đi ngủ

Nếu thói quen thư giãn buổi tối của bạn là uống một hoặc hai ly rượu vang hoặc bia, có thể bạn đang vô tình tạo điều kiện cho đột quỵ xảy ra mà không hay biết.

Dù trước đây có nghiên cứu cho rằng uống rượu có thể mang lại một số lợi ích bảo vệ khỏi đột quỵ, nhưng cũng có nhiều bằng chứng bác bỏ giả thuyết này. 

Chỉ cần uống từ năm ly trở lên trong một lần cũng đủ làm tăng nguy cơ. 

Thay ly rượu quen thuộc bằng trà thảo mộc hoặc đồ uống không cồn có thể là cách đơn giản để giảm rủi ro.

Thức quá khuya

Nếu bạn thức khuya để xem TV, lướt điện thoại hoặc làm việc, tất cả đều gây hại cho sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên ngủ quá nhiều có thể còn gây hại nhiều hơn cả thiếu ngủ.

Một phân tích tổng hợp cho thấy những người ngủ năm tiếng hoặc ít hơn mỗi đêm có nguy cơ đột quỵ cao hơn 33%. Nhưng con số này tăng vọt lên 71% ở những người ngủ từ tám tiếng trở lên mỗi đêm.

Vì cả thiếu ngủ lẫn ngủ quá nhiều đều có vấn đề, nên ngủ đủ tám tiếng mỗi đêm là con số "ổn áp". Giữ giờ đi ngủ và thức dậy đều đặn, kể cả vào cuối tuần, cũng rất có lợi.

Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ có thể thay đổi, nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, như chế độ ăn giàu chất xơ, vận động đều đặn, giấc ngủ phục hồi và hạn chế các chất gây hại như thuốc lá và rượu bia.

4 thói quen sau 5 giờ chiều làm tăng nguy cơ đột quỵ - Ảnh 2.Vì sao nên đọc kỹ công dụng của sản phẩm hỗ trợ giảm nguy cơ đột quỵ?

Giữa bối cảnh một số sản phẩm không có công dụng “hỗ trợ giảm nguy cơ đột quỵ” nhưng quảng cáo gây hiểu lầm, người dùng có thể nhận diện bằng cách đọc kỹ bao bì.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên