![]() |
Trẻ em chở gỗ do cha mẹ chặt ở rừng phòng hộ Phú Ninh - Ảnh: N.Đông An |
Để bảo vệ hồ Phú Ninh, cả một vùng rừng núi chung quanh được qui hoạch thành rừng phòng hộ do ngành kiểm lâm quản lý. Thế nhưng, vùng rừng phòng hộ này đang bị tàn phá một cách công khai.
Tại ngọn đồi 559 thuộc thôn 3, xã Tam Thạnh, Núi Thành, cả một khu rừng phòng hộ rộng trên 80ha do Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ quản lý và trồng keo lá tràm được hơn mười năm tuổi đã bị chặt sạch.
12 nhân viên của xí nghiệp có nhiệm vụ giữ rừng cũng đành bó tay trước sự lộng hành của “đội quân lâm tặc” hùng hậu. Họ dùng cưa máy, rìu rựa... triệt hạ rừng phòng hộ Phú Ninh giữa thanh thiên bạch nhật, rồi đem xe công nông, xe thồ chở gỗ ra khỏi rừng. Họ làm thản nhiên như thể là chủ rừng thật sự.
Chúng tôi đến khu rừng phòng hộ thuộc địa phận xã Tam Đại, Phú Ninh và cũng gặp cảnh trạng tan hoang tương tự. Tại khu vực Đồi Nhỏ, từ đường bêtông phía bên trên đến sát mép hồ chỉ còn những lùm cây dại thấp tè. Rừng keo lá tràm đã biến mất từ lâu. Tại khu vực hố Cả Tiên, hố Xã Sành, hố Giang... lác đác những cây keo lá tràm còn sót lại đứng chơ vơ trơ trọi.
Cây to thì đóng đồ gia dụng, cây nhỏ bán nguyên liệu giấy, còn cành nhánh thì làm củi. Vì vậy keo lá tràm bán rất được giá. Một súc gỗ keo dài 2m, đường kính 40cm có giá 50.000 - 80.000 đồng.
Ông Thái Văn Dũng, cán bộ xã Tam Đại, kể rằng thấy rừng phòng hộ Phú Ninh ngày càng “teo tóp”, bức xúc ông trình báo khắp nơi nhưng rồi mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. “Lâm tặc ở đây là những ai ?”, chúng tôi hỏi.
Không chút đắn đo, ông Dũng trả lời ngay: “Là người dân ở các xã như Tam Đại, Tam Thái... Vì cái lợi trước mắt mà họ chặt phá rừng phòng hộ không thương tiếc”. Để chứng minh những điều mình nói là hoàn toàn chính xác, ông Dũng dẫn chúng tôi đi dạo một vòng xóm nhỏ ở cạnh bến đò Ông Hương thuộc thôn Long Sơn để “mục sở thị”.
Gần mười nhà như chục đều có gỗ khai thác từ rừng phòng hộ Phú Ninh chất trước sân hoặc sau hè. Không những thế, tôi còn bắt gặp những em bé, những người nông dân dùng xe đạp chở gỗ từ rừng phòng hộ Phú Ninh tỏa đi mọi ngõ xóm.
Vì sao tình trạng chặt phá rừng phòng hộ Phú Ninh dai dẳng trong nhiều năm nay mà không ngăn chặn được? Câu hỏi đó được ngành kiểm lâm và chính quyền các địa phương trả lời với nội dung... không ngoài dự đoán: do lực lượng bảo vệ mỏng, phương tiện để đi kiểm tra thiếu thốn, kinh phí bảo vệ rừng không đáp ứng yêu cầu...
“Bài ca bảo vệ rừng” muôn thuở ấy chúng ta đã nghe quá nhiều rồi ! Và nếu cứ “ca” mãi như thế thì hồ Phú Ninh có còn là khu du lịch sinh thái mà tỉnh Quảng Nam đang rầm rộ quảng bá? Nguy hại hơn thế nữa, túi nước khổng lồ này sẽ trở nên bất an với thị xã Tam Kỳ và các vùng phụ cận!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận