16/05/2025 12:18 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói lý do bỏ thuế khoán từ năm 2026 với hộ kinh doanh

NGỌC AN
và 1 tác giả khác

Bộ Tài chính đang hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký, kê khai thuế, tăng ứng dụng công nghệ để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói lý do bỏ thuế khoán từ năm 2026 với hộ kinh doanh - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 16-5, giải trình tại Quốc hội dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết các quy định, chính sách nêu tại dự thảo nghị quyết nhằm thể chế hóa các nội dung của nghị quyết 68/Bộ Chính trị.

Nhiều chính sách vượt trội cho doanh nghiệp

Trong đó có nhiều chính sách có tính vượt trội với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được quy định tại dự thảo nghị quyết. Một số nội dung đang được quy định tại các luật, nghị quyết khác như thanh tra, kiểm tra, giải quyết phá sản, xử lý vi phạm…

Với chính sách bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh từ 1-1-2026, nhiều ý kiến đại biểu lo ngại sẽ tạo gánh nặng tuân thủ khi họ phải kê khai, đăng ký thuế… Ông Thắng khẳng định việc này là chủ trương đúng đắn, tạo bình đẳng, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đang thí điểm chính sách này tại một số địa bàn, nhận thấy chính sách này hiệu quả, cần được chính thức triển khai sớm. Bộ cũng đang chỉ đạo cơ quan thuế hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký, kê khai thuế, tăng ứng dụng công nghệ để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi.

Với chương trình hỗ trợ để có các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô khu vực, quốc tế nêu tại dự thảo nghị quyết, nguồn lực sẽ được đánh giá trong quá trình xây dựng, đảm bảo khả thi, hiệu quả.

Chính sách thuế phí cũng được xây dựng trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu. Vì vậy Bộ trưởng Thắng cho rằng trong thời gian ngắn có thể giảm nguồn thu, nhưng về dài hạn các chính sách này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.

Nêu ý kiến trước đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng và nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

"Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đất nước đang tăng tốc phát triển bước vào kỷ nguyên mới. Khu vực kinh tế tư nhân chiếm 51% GDP, đóng góp 33% tổng thu ngân sách nhà nước, nên cần nhiều cơ chế đặc biệt hỗ trợ để phát huy vai trò là động lực quan trọng nhất vào năm 2030", ông Ngân nhấn mạnh.

Dự thảo nghị quyết nêu mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp, ông Ngân cho rằng để đạt mục tiêu này phải có giải pháp đặc biệt. Cũng bởi hiện nay mỗi năm chỉ tăng khoảng 30.000-40.000 doanh nghiệp nên để sau 5 năm nữa đạt con số 2 triệu doanh nghiệp, phải có chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể trở thành doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói lý do bỏ thuế khoán từ năm 2026 với hộ kinh doanh - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Ảnh: Quochoi.vn

Làm sao để 5 năm tới có 2 triệu doanh nghiệp?

Còn theo đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM), về nguyên tắc không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Theo ông Tuấn, trước đây có những quy định có lợi cho doanh nghiệp, nên cần nghiên cứu có thể "hồi tố" sử dụng các quy định có lợi này để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, điểm nghẽn của doanh nghiệp trước đây khi luật quy định chưa rõ ràng.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đánh giá cao dự thảo nêu nguyên tắc đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại.

Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự. Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự, ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước.

Theo đại biểu, đây là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo. Tuy nhiên để đảm bảo đồng bộ cần phải sửa đổi, bổ sung các luật liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói lý do bỏ thuế khoán từ năm 2026 với hộ kinh doanh - Ảnh 4.Sắp hết khoán thuế với hộ kinh doanh lớn

Hàng chục ngàn hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm thuộc các nhóm ngành nghề như ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ… trên cả nước sẽ không còn nộp thuế khoán từ ngày 1-6.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên