27/05/2025 05:35 GMT+7

Bỏ tử hình không có nghĩa khoan dung với tội phạm

Sáng nay (27-5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

tử hình - Ảnh 1.

Đội quản lý thị trường số 1 phát hiện 1.000kg chả cây chay không rõ nguồn gốc, xuất xứ - Ảnh: Cục Quản lý thị trường Phú Yên cung cấp

Trong dự luật này, 8/18 (44,4%) tội danh có khung hình phạt tử hình ở bộ luật hiện hành đã được đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội).

Đó là các tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

Điều chỉnh hợp lý

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng việc bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh không có nghĩa khoan dung với tội phạm mà đây là sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh pháp lý, nhận thức nhân quyền và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.

Bà bày tỏ hoàn toàn nhất trí với việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ bởi đây là bước điều chỉnh hợp lý.

Những tội danh này chủ yếu xảy ra trong khu vực công, có liên quan cán bộ, công chức, nếu người phạm tội biết chắc chắn sẽ bị tử hình, họ sẽ tìm mọi cách tẩu tán, tiêu hủy, che giấu tài sản phạm tội. Việc bỏ hình phạt tử hình tạo điều kiện để khuyến khích người phạm tội hợp tác điều tra, khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản tham nhũng.

Trong thực tiễn xét xử, số lượng án tử hình được tuyên với các tội danh này cũng không nhiều và nhiều trường hợp sau cùng được ân giảm. 

Việc bỏ hình phạt tử hình phù hợp với xu hướng chung của thế giới và không ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng nếu đi kèm cơ chế thu hồi triệt để tài sản.

Tuy nhiên bà Nga đề nghị ban soạn thảo cân nhắc về vấn đề tiếp tục giữ hình phạt tử hình với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Bởi lẽ sản xuất hàng giả, đặc biệt hàng giả liên quan dược phẩm xem như vấn nạn nhức nhối của xã hội.

Loại tội phạm này không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người dân, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào hệ thống kiểm soát thị trường và công lý.

Bà Nga cũng đề nghị tiếp tục rà soát toàn bộ các tội danh còn đang áp dụng hình phạt tử hình, đối chiếu với xu hướng pháp luật quốc tế, thực tiễn xét xử và khả năng phòng ngừa - để từng bước thu hẹp phạm vi áp dụng tử hình, hướng tới mục tiêu lâu dài là xóa bỏ án tử hình trong hệ thống hình luật.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cũng bày tỏ đồng tình với việc giảm hình phạt tử hình với một số tội danh để phù hợp với xu hướng chung của quốc tế. Tuy nhiên với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh và vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu Thu đề nghị nên nghiên cứu giữ hình phạt tử hình nhằm bảo đảm việc răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Bà dẫn chứng thời gian gần đây cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ rất nhiều vụ việc liên quan việc sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng giả với tính chất và quy mô lớn hơn trước đây rất nhiều. Đây là vấn đề không những gây bức xúc mà còn gây ra tâm lý hoang mang đối với dư luận trong xã hội.

Điều này đặt ra yêu cầu cho cơ quan chức năng phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn, từ đó tạo niềm tin trong quần chúng nhân nhân đối với công tác thực thi pháp luật tại Việt Nam.

Và đề nghị cần cân nhắc việc bỏ án tử hình đối với tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, đồng thời đánh giá một cách toàn diện trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

104 quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tử hình

Xung quanh nội dung này, trung tướng Nguyễn Minh Đức, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, cho hay về cơ sở quốc tế, Việt Nam đang mở rộng quan hệ đối ngoại, ký kết nhiều điều ước song phương và đa phương với các quốc gia. Rất nhiều quốc gia yêu cầu Việt Nam xem xét giảm hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự.

Theo ông, hiện trên thế giới, hiện có 104 quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tử hình, chỉ còn 28 quốc gia duy trì, trong đó có Mỹ, nhưng khoảng 3/4 số bang của Mỹ không còn áp dụng hình phạt này.

Cũng theo ông Đức, một khó khăn lớn trong thực tiễn tố tụng quốc tế là việc dẫn độ tội phạm. Khi người phạm tội thuộc nhóm 8 tội danh trốn ra nước ngoài, Việt Nam rất khó yêu cầu dẫn độ nếu quốc gia sở tại không áp dụng hình phạt tử hình.

Thậm chí có nước từ chối dẫn độ với tội danh họ không áp dụng hình phạt tử hình, theo nguyên tắc tội phạm kép. Tức nếu tội danh đó trong luật hình sự của nước đó không áp dụng hình phạt tử hình sẽ từ chối dẫn độ. Điều này gây ra rất khó khăn khi có tội phạm về tham nhũng, ma túy...

Từ đó, ông Đức nhấn mạnh muốn xử lý hiệu quả, triệt để những loại tội phạm đó, cần tính toán phù hợp với tình hình của thế giới.

Phân tích cụ thể về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, ông Đức cho hay trong lần sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2009 đã có đề xuất bỏ tử hình đối với tội danh này nhưng sau đó không được Quốc hội thông qua và các lần sửa đổi sau vẫn không được. Ông chỉ rõ người phạm tội này là người có chức vụ, cán bộ, công chức thực hiện hành vi tham ô, nhận hối lộ.

Hiện nay cũng đã có rất nhiều những quy định để phòng ngừa cho những đối tượng này. Vậy nguyên nhân do đâu mà họ vẫn phạm tội tham ô, nhận hối lộ? Rõ ràng đang có những lỗ hổng pháp lý trong các luật, trong quá trình thực thi công vụ.

Từ đó, ông Đức cho rằng để giải quyết tận gốc vấn đề phải tìm ra nguyên nhân, bắt đúng bệnh, khi đó mới kê đúng thuốc. Mục tiêu cuối cùng phải thu hồi được tài sản, đó mới là vấn đề quan trọng. Đồng thời làm thế nào không để phạm tội tham nhũng. 

Ông đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tổng hợp tất cả những thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa đấu tranh, chỉ ra một loạt tội danh mà vẫn còn lỗ hổng, để giải quyết bài toán loại trừ nguyên nhân.

Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, ông Đức nhấn mạnh lịch sử đến giờ phút này, chưa có một người nào phạm vào tội này bị án tử hình. Bởi vì để xác định hậu quả do họ thực hiện hành vi gây ra đến mức tương ứng với tử hình là vô cùng khó và thực tế cũng không xảy ra.

Theo ông Đức, khi một người sử dụng các loại hóa chất, tiền chất hay chất hóa học khác để chế phẩm, tạo thành thuốc, thực phẩm mà khiến người sử dụng có thể dẫn đến tử vong trong một thời gian nhất định sẽ bị xử về tội giết người. Vì vậy, theo ông, bỏ hình phạt tử hình với tội danh này là hợp lý.

Nhiều người vận chuyển ma túy vì thiếu hiểu biết

Về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, ông Đức dẫn báo cáo của Bộ Công an và thực tiễn cho thấy rất nhiều người tham gia vận chuyển là dân nghèo vùng sâu, vùng xa, hoặc học sinh, sinh viên, người thiếu hiểu biết.

Trong khi đó với quy định hiện nay, "chỉ cần vận chuyển 100g heroin là có thể bị tử hình". Khi phải ra quyết định tử hình họ, các cơ quan tố tụng "rất trăn trở". Do đó các cơ quan đề xuất bỏ hình phạt tử hình ở tội này "hợp lý, nhân đạo".

Vẫn còn nhiều bức xúc với thuốc giả, thực phẩm giả

Bà Nguyễn Thị Việt Nga dẫn lại việc Thủ tướng đã phát động tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng đã cho thấy tính chất nguy hiểm và bức xúc của vấn đề trong thực tiễn hiện nay.

Bỏ tử hình không có nghĩa khoan dung với tội phạm - Ảnh 2.

Các loại tân dược giả bị thu giữ trong vụ án - Ảnh: Công an Hà Nội

Tình trạng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, mỹ phẩm giả vẫn diễn biến rất phức tạp, len lỏi từ thành thị đến nông thôn, gây ra hậu quả lâu dài và khó khắc phục.

Việc giữ hình phạt tử hình đối với tội danh này là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, để thể hiện thái độ nghiêm khắc của pháp luật, đồng thời răn đe mạnh mẽ các đối tượng đang có ý đồ trục lợi bất chính trên sinh mạng con người.

"Chỉ nên xem xét giảm mức hình phạt đối với tội danh này khi tình hình được kiểm soát tốt hơn, cơ chế giám sát thị trường, truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm đã thực sự phát huy hiệu quả. Ở thời điểm hiện tại, việc giữ hình phạt tử hình là phù hợp, cần thiết", bà Nga nêu quan điểm.

Bỏ tử hình không có nghĩa khoan dung với tội phạm - Ảnh 3.Trình Quốc hội đề xuất mới về yêu cầu không thi hành hình phạt tử hình để tương trợ tư pháp

Dự Luật Tương trợ tư pháp đã bổ sung quy định mới về việc xem xét yêu cầu liên quan đến hình phạt tử hình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên