TTCT - Đã 3- 4 năm liền cá voi vào gần bờ kiếm ăn, vậy ngành du lịch Bình Định đã làm những gì để lôi cuốn du khách? Rất dễ phát hiện sự xuất hiện của cá voi, khi luôn có hàng trăm con chim nhàn biển vần vũ phía trên. Loài chim này chực chờ khi cá voi há miệng nuốt mồi là những đàn cá nhỏ thì chúng lao vào để "ăn hôi". Ảnh: CTVCá voi Bryde (Balaenoptera edeni) xuất hiện ở gần bờ biển Quy Nhơn, Bình Định từ hồi 2022, và năm nay được xem là gần bờ nhất, đứng trên bờ dùng ống nhòm là có thể ngắm nó rõ mồn một. Hàng trăm nhiếp ảnh gia đã đổ xô về đây trong những ngày qua để chụp ảnh.Mọi chuyện hết sức dễ dàng. Tới Quy Nhơn, thuê một chiếc ghe với giá tầm 1,2 triệu đồng cho hai buổi đi chụp, sáng 5h xuất phát đến 8h về, chiều 16h lại đi đến 18h về. Chỉ khoảng 30 phút chạy ghe là đến được điểm cá voi ăn. Một ghe đi khoảng 4 người để không quá chen chúc, chi phí chỉ chừng 300.000 đồng/người. Dễ và rẻ như vậy, nên các nhiếp ảnh gia đổ về đông đến nỗi flycam rụng lả tả vì đụng nhau! "Tôi cách cá voi chỉ 3m", "Ôi, Ông nổi lên cách thuyền tôi chỉ… 1m" là những tiếng reo vui thành quả của họ.Ảnh: NGUYỄN MINH TRÍLàm du lịch với cá voiNhưng đã 3- 4 năm liền cá voi vào gần bờ kiếm ăn, vậy ngành du lịch Bình Định đã làm những gì để lôi cuốn du khách?Trong một chuyến đi Adelaide (Úc) cách đây hơn chục năm, một người quen của tôi đã mở điện thoại và nói: "Để xem hôm nay cá voi có về không, mình xách xe chạy ra Victor Habour ngắm chơi". Và anh reo vui: "Có về". Cả nhóm chúng tôi lên xe chạy chừng 1 giờ đến vùng biển Victor Habour. Hàng ngàn người đứng trên bờ biển, người cầm ống nhòm, người dùng máy ảnh với ống tele to đùng chĩa ra biển. Tôi khi ấy chỉ ngắm bằng mắt thường cũng lâng lâng với cảnh con cá voi loài lớn nhất - lưng gù - bơi tung tăng, lâu lâu hứng chí quăng mình lên không rơi xuống làm tung tóe nước. Dĩ nhiên, người dân vùng ấy thu nhập kha khá khi đến mùa cá voi lưng gù từ Nam cực bơi về, khi bán thức ăn, nước uống phục hàng vạn người.Quy Nhơn thì sao? Đã 4 năm liền cá voi về gần bờ biển Quy Nhơn vào đúng mùa hè, nhưng xem ra sự kiện này chỉ làm xôn xao giới nhiếp ảnh. Tôi tin chắc rằng nếu ngành du lịch có sự phối hợp tốt với giới khoa học về đại dương, hoàn toàn có thể tổ chức tour ngắm cá voi mùa hè, và điều đó rất hấp dẫn, bổ ích cho trẻ con.Một trong những thách thức lớn nhất đối với du lịch VN nói chung và Bình Định nói riêng là tạo ra sản phẩm mới, nhưng khi thiên nhiên ban tặng cho sự kiện, việc nắm bắt cơ hội xem ra khá chậm chạp. Sự chậm chạp trong phản ứng với "sự kiện" đến từ thiên nhiên không chỉ bỏ qua cơ hội kiếm tiền, mà còn có nhiều vấn đề đáng lo khác. Ảnh: NGUYỄN MINH TRÍVí dụ, cá voi là một loài hết sức nhạy cảm. Vậy thì việc hàng trăm nhiếp ảnh gia tự thuê ghe rồi mạnh ai nấy tìm cách tiếp cận càng gần càng tốt để có hình chất lượng, liệu có gây ảnh hưởng cho nó? Không biết thế nào, nhưng khi ngồi viết bài này vào ngày 15-7, thông tin từ Bình Định cho biết đã hai ngày rồi không thấy Ông đâu!?Hãy nhìn ra bên ngoài để xem người ta ứng xử thế nào? Cục ngư nghiệp thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ có hướng dẫn ngắm sinh vật biển, trong đó quy định ghe tàu không được tới gần cá voi dưới 100m. Khi phát hiện thấy cá voi trong khu vực, tốc độ tàu thuyền phải giảm xuống khoảng 18km/h. Việc dừng tàu, tắt máy để ngắm cá voi ở phạm vi ngoài 100m chỉ được kéo dài tối đa 30 phút. Điều này áp dụng cho cả cá voi Bryde lẫn loài lưng gù, cá nhà táng (hai loài này cũng đã xuất hiện ở vùng biển VN). Việc sử dụng drone để theo dõi cá voi phải ở độ cao tối thiểu 300m. Riêng với loài cá voi sát thủ thì không được tiếp cận ở khoảng cách gần hơn 200m.Từ năm 2022 đến nay, cá voi Bryde đã xuất hiện liên tiếp tại nhiều vùng biển ven bờ Bình Định. Năm nay, vào cuối tháng 6, cá voi đã xuất hiện rất gần bờ, kéo đầu đến gần giữa tháng 7. Ảnh: NGUYỄN MINH TRÍTheo hướng dẫn quốc gia của Úc về ngắm cá voi và cá heo năm 2017, quy định cũng tương tự, nhưng có thêm là "đối với người bơi, không được tiếp cận gần hơn 30m và việc đụng chạm tới cá voi là tuyệt đối cấm".Nhìn lại chuyện cá voi vào gần bờ biển Quy Nhơn, nếu không có tổ chức bài bản với những quy định nghiêm túc, không khéo Ông rồi cũng bỏ đi!Thêm chuyện bồ câu NicobarCách đây 2 năm, giới nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã lên cơn sốt đi chụp ảnh con bồ câu Nicobar ở Hòn Tre nhỏ (Côn Đảo). Nhân vật dẫn đường để đưa mọi người đi chụp chính là "thánh chim" Bùi Thanh Trung.Hồi ấy, toàn bộ chi phí cho chuyến đi chụp Nicobar tròm trèm 10 triệu đồng, bao gồm vé máy bay, thuê ghe từ Côn Đảo ra Hòn Tre nhỏ, vé tham quan Vườn quốc gia Côn Đảo (50.000 đồng) và 2 triệu đồng bồi dưỡng cho người dẫn đường. Năm nay, khi lực lượng người chụp chim hoang dã ngày càng đông, nhiều tay máy mới, đã có nhiều lời đề nghị Trung tìm lại Nicobar để đi chụp. Sau 2 ngày quần thảo, Trung đã tìm ra.Tuy nhiên, để việc đi chụp được chuyên nghiệp hơn, tổ chức như một tour bài bản trên tinh thần win - win, anh đã làm việc với Vườn quốc gia Côn Đảo. Và rồi anh choáng váng khi Vườn quốc gia Côn Đảo ra giá thu mỗi người 6,2 triệu đồng cho tour 2 ngày 1 đêm (dù chụp không được cũng thế), gồm tiền canô và ăn nghỉ 1 đêm ở trạm kiểm lâm. Nếu tour chỉ 1 người thì thu 13 triệu đồng. Trung cho biết với mức thu ấy của Vườn quốc gia Côn Đảo, một người phải tốn tầm 15 triệu đồng cho chuyến đi.Bồ câu Nicoba chụp ở Côn Đảo năm 2023. Ảnh: Thuần VõThế nào là "cao - thấp - đúng giá" trong việc tổ chức tour chụp ảnh chim hoang dã là điều cần có những tính toán khoa học. Nhưng ở góc độ thị trường, mức phí mà Vườn quốc gia Côn Đảo đưa ra là quá cao, không một tay máy nào tham gia và Trung đã bỏ ý định làm tour này. Để tạm so sánh: nếu đi Phuket (Thái Lan) để chụp bồ câu Nicobar, tổng chi phí cũng tương đương Côn Đảo, lại dễ chụp hơn nhiều. Hay ở Vườn quốc gia Cúc Phương, Nam Cát Tiên - hai nơi có dịch vụ chụp chim hoang dã được giao cho những người lành nghề tổ chức, mức phí là 500.000 đồng/người/ngày chụp và Vườn quốc gia chỉ lấy 20-30% mức thu ấy.Ngắm và chụp ảnh động vật hoang dã là một ngành du lịch hái ra tiền trên thế giới, chỉ sau hai loại hình du thuyền sang trọng và resort nghỉ dưỡng cao cấp. Nhưng ở VN, lĩnh vực này giờ mới manh nha phát triển và đang thiếu quá nhiều ứng xử đúng đắn. Dịch vụ ngắm cá voi lưng gù ở ÚcỞ vùng biển Nigaloo thuộc bang Tây Úc, có một dịch vụ thu hút khách du lịch rất đông là đi ngắm nhìn hoặc bơi cùng cá voi lưng gù. Việc bơi cùng được đi kèm bởi các chuyên gia, nhằm đảm bảo an toàn cho cả người bơi lẫn cá voi. Và bảng giá cho dịch vụ này là: 500AUD/người cho việc bơi gần cá voi, và 360AUD cho người dưới 16 tuổi; nếu bơi cả gia đình 4 người thì 1430AUD. Còn nếu chỉ ngồi trên tàu để ngắm, chụp hình thì 220AUD/người lớn và 40 AUD/1 trẻ em. Tour kéo dài trong 10 giờ đồng hồ, kể từ khi xuất phát cho đến khi cập cảng. Cá voi gọi Đông Nam Á là nhà"Rất nhiều người ở Đông Nam Á vẫn nghĩ rằng phải đến tận Úc, Mỹ hay Nhật mới có thể tham gia các tour ngắm cá voi, nhưng thực ra chính vùng biển quanh khu vực cũng là nơi sinh sống của những loài động vật biển có vú này" - báo The Straits Times viết nhân Ngày Bảo vệ động vật biển có vú 19-2.Không kể các vùng biển Việt Nam, tính đến hết năm ngoái, Cục Tài nguyên biển và duyên hải Thái Lan ghi nhận 9 cá thể cá voi Bryde trong vùng biển nước này, trong đó có 3 con được phát hiện vào tháng 11-2024. Loài cá voi này cũng được ghi nhận ngoài khơi Indonesia và Brunei.Marcus Chua, chuyên gia nghiên cứu thú có vú tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Lee Kong Chian (Đại học Quốc gia Singapore), nói sự hiện diện của các loài động vật biển có vú cho thấy môi trường biển địa phương đủ khả năng nuôi dưỡng các loài săn mồi lớn. Và ngược lại, việc chúng bỏ đi sẽ cho thấy môi trường không còn phù hợp nữa, tiến sĩ Louisa Ponnampalam, đồng sáng lập tổ chức nghiên cứu và bảo tồn động vật biển có vú MareCet của Malaysia, bổ sung.Theo The Straits Times, với vai trò là một chỉ báo quan trọng cho sức khỏe đại dương, sự hiện diện của các loài động vật biển có vú dọc theo bờ biển đô thị hóa cao độ như Singapore và các khu vực tương tự cho thấy tầm quan trọng của việc hiểu rõ hệ sinh thái của chúng, để từ đó tăng cường hiệu quả của các nỗ lực bảo tồn trong tương lai. Khi cá voi đã gọi Đông Nam Á là nhà, đừng để chúng thất vọng bỏ đi.T. ANH Tags: Cá voiBình ĐịnhLàm du lịchDu lịch
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Phiên Bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 19/07/2025 Sau 2 ngày (18, 19-7) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và bế mạc chiều 19-7.
Bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII TTXVN 19/07/2025 Sau 2 ngày (18, 19-7) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và bế mạc chiều 19-7.
Trực tuyến U23 Việt Nam - U23 Lào (17h): Chờ chiến thắng đầu tiên QUỐC THẮNG 19/07/2025 Trận gặp U23 Lào ở trận ra quân tại bảng B Giải U23 Đông Nam Á 2025 được xem là không quá khó đối với tuyển U23 Việt Nam trong việc có chiến thắng đầu tiên.
Bão số 3 mạnh lên cấp 10, khả năng ảnh hưởng Quảng Ninh - Thanh Hóa CHÍ TUỆ 19/07/2025 Dự báo khoảng sáng sớm 21-7, bão số 3 (Wipha) di chuyển vào vịnh Bắc Bộ. Từ đêm 21 và gần sáng 22-7, bão có khả năng ảnh hưởng đất liền ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.