15/07/2025 07:30 GMT+7

Chân đau nhức, mạch máu lộ rõ cảnh báo bệnh lý đang đe dọa 1/3 người trưởng thành

Thường xuyên bị đau nhức, phù chân sau một ngày dài đứng hoặc ngồi nhiều. Những dấu hiệu tưởng chừng đơn giản này có thể là biểu hiện của suy giãn tĩnh mạch, căn bệnh đang âm thầm đe dọa tới 1/3 người trưởng thành Việt Nam.

Chân đau nhức, mạch máu lộ rõ cảnh báo bệnh lý đang đe dọa 1/3 người trưởng thành - Ảnh 1.

Suy giãn tĩnh mạch có thể hình thành cục máu đông gây tắc mạch phổi, thậm chí nguy hiểm tính mạng - Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, suy giãn tĩnh mạch có thể dẫn đến loét da, hình thành cục máu đông có thể di chuyển đến phổi, gây tắc mạch phổi, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Đừng chủ quan với cảm giác đau, nặng, phù chân

Bác sĩ Hải cho hay suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các van tĩnh mạch bị tổn thương, khiến máu không thể lưu thông ngược về tim hiệu quả, dẫn đến ứ đọng và giãn nở các tĩnh mạch - đặc biệt ở chân. 

Biểu hiện thường gặp bao gồm đau nhức, nặng chân, sưng phù mắt cá, nổi rõ các tĩnh mạch ngoằn ngoèo xanh tím dưới da, cảm giác ngứa rát hay chuột rút về đêm.

Tại Việt Nam, khoảng 25-35% người trưởng thành có nguy cơ mắc căn bệnh này. Những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bao gồm người làm việc văn phòng, thường xuyên đứng hoặc ngồi lâu, phụ nữ mang thai hoặc sau sinh, người cao tuổi và đặc biệt là những ai có yếu tố di truyền liên quan đến cấu trúc thành mạch yếu.

"Bệnh không chỉ gây khó chịu về mặt thẩm mỹ hay cảm giác nặng nề, mà nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Loét da do thiếu máu nuôi dưỡng lâu ngày khiến vết thương khó lành.

Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể hình thành cục máu đông và nếu cục máu này di chuyển lên phổi sẽ gây tắc mạch phổi, đe dọa tính mạng. 

Ngoài ra, tình trạng đau nhức kéo dài cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống và khả năng vận động của người bệnh", bác sĩ Hải cảnh báo.

Khi nào cần điều trị?

Chuyên gia này khuyến cáo người bệnh nên đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ. Quy trình khám bệnh bao gồm hỏi bệnh sử, khám lâm sàng, đặc biệt là siêu âm Doppler - phương pháp chính để đánh giá mức độ giãn tĩnh mạch và phát hiện huyết khối. 

Đây là kỹ thuật không xâm lấn, an toàn, có thể thực hiện trong vòng 15-30 phút.

Với kỹ thuật siêu âm này, đầu dò tiếp cận toàn bộ vùng chân nên người bệnh cần mặc quần áo thoải mái, tránh đồ bó sát hoặc dày để tiện kiểm tra. 

Việc khám không bị ảnh hưởng bởi ăn uống hay chu kỳ kinh nguyệt, nhưng nếu có cảm giác khó chịu trong kỳ, nên báo bác sĩ để được hỗ trợ tốt hơn.

Chuyên gia này cho hay người bệnh cần can thiệp khi có biểu hiện rõ rệt như đau nhức, phù nề, loét da hoặc tĩnh mạch giãn to gây mất thẩm mỹ. 

Các phương pháp điều trị hiện nay khá đa dạng: từ nội khoa (uống thuốc, mang tất y khoa) đến can thiệp xâm lấn tối thiểu (tiêm xơ, laser nội mạch) hoặc phẫu thuật trong những trường hợp nặng.

Phòng bệnh thế nào?

Để ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị hiệu quả, theo bác sĩ Hải, lối sống lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng. Về vận động, nên đi bộ nhẹ nhàng, bơi lội, đạp xe mỗi ngày 20-30 phút. Tránh đứng/ngồi bất động quá lâu, chạy bộ đường dài hoặc nâng tạ nặng.

Trong sinh hoạt nên kê cao chân khi nghỉ ngơi, mang tất áp lực theo chỉ định và tránh giày cao gót trên 3cm. Về ăn uống, cần bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, vitamin C, E, uống đủ nước và kiểm soát cân nặng để duy trì chỉ số BMI dưới 25.

Chân đau nhức, mạch máu lộ rõ cảnh báo bệnh lý gì? - Ảnh 2.Nhân viên y tế dễ mắc suy giãn tĩnh mạch

Khoảng 69% nhân viên y tế có triệu chứng lâm sàng của suy giãn tĩnh mạch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên