
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười (áo xanh giữa) cùng đoàn công tác nghe đại diện các chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân báo cáo tình hình sản xuất điện - Ảnh: ĐỨC TRONG
Tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, đại diện các chủ đầu tư báo cáo tình hình sản xuất và tiêu thụ điện.
Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân hiện có 4 nhà máy đã đi vào hoạt động và phát điện thương mại gồm: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được đầu tư theo hình thức BOT (sau 25 năm sẽ chuyển giao lại nhà nước), Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng.
Riêng dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (dự kiến lớn nhất trong các nhà máy), đại diện các chủ đầu tư cho biết chưa triển khai xây dựng.
Lý do là Chính phủ đang xem xét hiệu quả, chưa ưu tiên đầu tư nhà máy nhiệt điện, bởi còn liên quan đến việc cam kết giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0 (COP 26).
Tại buổi gặp chủ tịch UBND tỉnh, các chủ đầu tư cũng kiến nghị địa phương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn tại các khu dân cư đang sinh sống cạnh nhà máy.
Bởi hiện nay bụi mịn phát tán chưa rõ nguyên nhân từ đâu, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
"Khi xảy ra bụi mịn là người dân nói ngay đến các nhà máy, mặc dù chưa rõ nguyên nhân", đại diện Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 kiến nghị.
Ông Hồ Văn Mười đặt vấn đề ngược lại chủ đầu tư: "Vậy đầu tư cơ sở hạ tầng có giảm ô nhiễm môi trường không?". Đại diện các đơn vị không trả lời được câu hỏi này.
Ông hỏi tiếp: "Thế nhà máy mỗi năm đóng góp cho an sinh xã hội được bao nhiêu?". Đại diện Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đáp khoảng 3 tỉ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười cho rằng đóng góp như vậy là ít quá, không tương xứng.
Ông đề nghị các sở ngành quan tâm, tạo điều kiện cho các nhà máy hoàn thành thêm một số thủ tục, nhất là khu vực cảng nhập than.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận