20/07/2025 09:57 GMT+7

Chuyển sang xe điện: Làm đồng bộ tăng thuyết phục

Phát triển xe năng lượng sạch không chỉ là chuyện chuyển đổi xe chạy bằng xăng sang xe điện. Mục tiêu và ý nghĩa lớn hơn của việc này là giao thông công cộng với năng lượng xanh sẽ dần thay thế lượng lớn xe cá nhân.

xe điện - Ảnh 1.

Xe máy xăng chiếm đa số trên đường - Ảnh: THANH HIỆP

Cần nhiều giải pháp đồng bộ cho sự chuyển đổi này.

Còn những cái khó

Hà Nội sẽ áp dụng vùng phát thải thấp, dự kiến cấm xe máy chạy xăng từ ngày 1-7-2026 trong khu vực đường vành đai 1. TP.HCM có kế hoạch thúc đẩy giao thông xanh, khoanh vùng áp dụng trước cho khu vực Cần Giờ và đặc khu Côn Đảo, tính chuyện xe công nghệ chạy bằng điện, 100% xe buýt sử dụng năng lượng sạch vào năm 2030.

Thực trạng tại hai đô thị này, việc chuyển sang xe điện còn ít, hạ tầng trạm sạc hạn chế. Buýt điện chưa đông khách như kỳ vọng. Cùng hạng chở khách nhưng đầu tư xe buýt điện khá tốn kém hơn nhiều lần so với xe buýt sử dụng diesel, CNG.

Xe điện vẫn còn những bất tiện với nỗi lo an toàn lưu thông lúc có mưa lớn, ngập nước, nguy cơ cháy nổ nên một số chung cư, nhà ở tập thể cũng băn khoăn, rủi ro trong sạc pin. Trên lộ trình di chuyển tìm một chỗ xin sạc điện có khi bị từ chối. Nhiều người phải đi hàng chục cây số mỗi khi có nhu cầu kiểm tra, sửa chữa bởi phần lớn cửa hàng chỉ bán xe, ít trạm sửa. Giá bán xe máy điện phổ thông còn khá cao.

Chính phủ đã có chương trình hành động biến đổi năng lượng xanh với mục tiêu các phương tiện di chuyển trên đường chạy bằng năng lượng sạch. 

Chuyển đổi sang xe điện là nên làm, giảm thiểu tác động tiêu cực môi trường và lộ trình triển khai phù hợp sẽ khả thi trên cơ sở cấu trúc đô thị, hạn chế ảnh hưởng đời sống xã hội, điều kiện hiện nay đòi hỏi có cơ chế chính sách dẫn dắt.

Dùng đòn bẩy kinh kế giúp mỗi người tính toán, so sánh lựa chọn sao cho có lợi hơn, giảm thiểu chi phí chênh lệch trong triển khai giải pháp đổi xe máy xăng lấy xe điện. Cần thiết lập giải pháp vượt trội tạo ưu thế cho xe điện, tăng trợ giá, hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp, giảm thuế khuyến khích nội địa hóa xe điện.

Nhưng không thể bó tay

Cơ quan chức năng sớm ban hành các hướng dẫn sử dụng xe điện để tạo sự yên tâm, người dân sẽ hưởng ứng càng khuyến khích tiêu thụ xe điện. Quy định các thương hiệu, nhà sản xuất có trung tâm bảo trì tương ứng với quy mô kinh doanh. Phát triển các trạm sạc xe điện đáp ứng nhu cầu theo hướng mở đường cho tư nhân tham gia đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện tại những nơi công cộng phù hợp. Thủ tục đầu tư thông thoáng giúp giảm thời gian xây dựng hạ tầng, trạm sạc.

Triển khai đồng bộ đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Có biện pháp hạn chế cho đăng ký mới xe máy xăng từ sớm với hành lang pháp lý giúp thu hồi phương tiện không đủ điều kiện lại lưu thông trên đường phố như xe tự chế, xả khói mù mịt, không biển số, lạc hậu sau khi được kiểm định khí thải không đạt yêu cầu hoặc quá niên hạn sử dụng.

Tạo thuận lợi cho phương tiện công cộng, làn riêng cho xe buýt được bố trí (ngay cả trên những tuyến đường hẹp) dù khiến giao thông chung đi lại khó khăn hơn nhưng lại khuyến khích người dân chuyển đổi hình thức đi lại từ phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng.

Hà Nội và TP.HCM là đô thị đang phát triển, nơi trung tâm có hàng trăm ngàn ngõ ngách cùng với hẻm sâu mà phương tiện công cộng, xe buýt không thể vào được để kết nối giao thông và phủ rộng khắp mọi nơi. 

Xe đạp điện, xe đạp công cộng có mẫu mã đẹp, màu sắc "bắt mắt" sẽ là sự kết nối thuận lợi và an toàn hơn nữa thì xe đạp điện, xe đạp công cộng góp phần đáng kể thu hút hành khách sử dụng xe buýt, metro với đường sắt đô thị kết hợp đi bộ trong cự ly gần.

Tác động vào nhận thức người tham gia giao thông trước tiên là giới công chức. Công chức, những người làm việc trong khu vực nhà nước phải làm gương trong việc chuyển sang xe điện, sử dụng phương tiện công cộng. Nếu có một lượng lớn cơ quan, ban ngành, đơn vị nhà nước chuyển sang sử dụng xe điện sẽ tạo ra tiền đề tốt, thiết thực để nhân dân cùng hưởng ứng.

Các hoạt động nghiên cứu phục vụ chuyển đổi phương tiện sang xe điện, hạn chế xe cá nhân, sống xanh cũng đều có thể được miễn hoặc giảm thuế như các trường hợp quyên góp từ thiện phi lợi nhuận.

Kinh nghiệm các đô thị lớn tại một số nước trong đó có Na Uy, Trung Quốc cấm xe sử dụng xăng, dầu không đơn thuần chỉ chuyển đổi phương tiện mà là một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về quy hoạch, hạ tầng cơ sở, phân bố dân cư và các cơ chế chính sách dẫn dắt theo lộ trình phù hợp đảm bảo khả thi.

Phát triển mô hình xe đạp điện, xe đạp công cộng kết hợp đi bộ, xe buýt, metro với đường sắt đô thị góp phần giải quyết ùn tắc giao thông như Paris (Pháp), London (Anh), Madrid (Tây Ban Nha) Áo, Bỉ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hà Lan... Các TP lớn gần nước ta có hệ thống giao thông phát triển cùng với tổ chức mô hình xe đạp công cộng cho thấy hiệu quả như Thượng Hải (Trung Quốc), Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia) hay Hàn Quốc, Nhật Bản... Đó là một hệ thống xe đạp công cộng an toàn, văn minh, hiện đại.

Chuyển sang xe điện: làm đồng bộ tăng thuyết phục - Ảnh 2.Hỗ trợ chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe điện, người dân nói 3 triệu đồng 'quá ít'

Lộ trình đến ngày 1-7-2026, không có xe máy xăng lưu thông trong đường vành đai 1 Hà Nội, theo chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ. Hà Nội dự kiến sẽ hỗ trợ mỗi người dân 3 triệu đồng để chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên