
Khung cảnh kẹt xe khét tiếng tại Los Angeles, Mỹ - Ảnh: X
Ngày 7-7, tài khoản @JoshuaSteinman trên X đã đăng tải hai hình ảnh: một ảnh chụp bản đồ giao thông cho thấy đường cao tốc thông thoáng màu xanh lá, được cho là vào giờ cao điểm tối thứ hai; và một ảnh cũ từ nhiều năm trước cho thấy cảnh kẹt xe nghiêm trọng.
Bài viết kèm dòng chú thích: “Thì ra giải pháp cho kẹt xe ở Los Angeles là trục xuất hàng loạt”. Ngay lập tức, bài đăng này thu hút sự chú ý của dư luận, đạt hơn 6 triệu lượt xem.

Bài đăng của @JoshuaSteinman trên X khẳng định Los Angeles hết kẹt xe do đã trục xuất hết người nhập cư trái phép - Ảnh: X
Trang kiểm chứng tin tức Lead Stories đã tiến hành xác minh thông tin của bài đăng trên và kết luận: thông tin sai sự thật, giao thông tại thành phố này vẫn tắc nghẽn như thường.
Theo Lead Stories, ảnh bản đồ do chủ tài khoản đăng tải không có thời gian rõ ràng, do đó không thể xác minh chính xác được thời điểm chụp.
Các chuyên gia giải thích việc giao thông có vẻ thưa thớt hơn vào thứ hai (7-7) có thể đơn giản là do trùng với ngày đầu tuần sau kỳ nghỉ lễ dài, chứ không phải là bằng chứng cho tác động của các chiến dịch trục xuất người nhập cư trái phép như chủ bài đăng khẳng định.
Thực tế, Lead Stories đã tìm kiếm thấy dữ liệu từ Google Maps vào lúc 17h32 ngày 8-7 (giờ địa phương) - tức chỉ một ngày sau bài đăng trên - và phát hiện tình trạng giao thông tại Los Angeles vẫn vô cùng tắc nghẽn, với nhiều tuyến đường cao tốc chuyển sang màu đỏ và cam - dấu hiệu của kẹt xe nghiêm trọng.
Bức ảnh minh họa cảnh kẹt xe trắng đỏ trong bài đăng cũng không phản ánh hiện trạng gần đây, mà là ảnh cũ từ tận năm 2016.
Khi đó trực thăng của đài truyền hình địa phương đã chụp lại bức ảnh này vào tối trước Lễ Tạ ơn năm 2016, thời điểm được coi là kẹt xe tồi tệ nhất trong năm tại tuyến cao tốc lớn 405 ở thành phố này.
Dù giới chức liên bang Mỹ có tăng cường các cuộc truy quét người nhập cư và có thể khiến giao thông giảm nhẹ ở một số khu vực, nhưng tình trạng kẹt xe hết hoàn toàn vào giờ cao điểm như bài đăng được lan truyền là sai sự thật, không hề có bằng chứng nào xác thực cho thông tin này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận