
Trạm y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội - Ảnh minh họa: D.LIỄU
Bộ Y tế đang dự thảo thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường (trạm y tế xã), trong đó có đề xuất nhiều quy định mới về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức.
Trạm y tế xã có khám bệnh bảo hiểm y tế, xét nghiệm, tiểu phẫu
Theo dự thảo đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, trạm y tế xã trong thời gian tới sẽ được tổ chức theo hướng chuyên sâu, bài bản hơn.
Cụ thể, ngoài trưởng trạm và phó trưởng trạm, các trạm sẽ có ít nhất 5 khoa gồm: khoa phòng bệnh; khoa khám chữa bệnh và phục hồi chức năng; khoa dược - cận lâm sàng; khoa dân số, bảo trợ xã hội và truyền thông giáo dục sức khỏe; văn phòng trạm.
Tùy theo quy mô dân số và điều kiện thực tế, các địa phương có thể quyết định bổ sung thêm các điểm trạm y tế, nhân sự và tổ chức hỗ trợ khác.
Việc tổ chức như vậy nhằm đảm bảo trạm y tế xã thực hiện tốt vai trò "gác cửa" chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Với cơ cấu tổ chức này, trạm y tế xã theo mô hình khoa phòng tương tự một bệnh viện thu nhỏ. Trạm có 5 khoa chuyên môn.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, tổ chức trạm thường chỉ có trưởng trạm, một số nhân viên y tế tổng hợp, không phân chia rõ theo chuyên môn.
Cũng theo dự thảo này, trạm y tế xã không chỉ tiếp tục nhiệm vụ truyền thống như tiêm chủng, theo dõi thai kỳ, khám chữa bệnh ban đầu… mà còn được bổ sung thêm các nhiệm vụ như tư vấn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; quản lý sức khỏe toàn dân tại cộng đồng.
Tham gia kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ và hướng dẫn vệ sinh môi trường, phòng chống tai nạn thương tích, dinh dưỡng cộng đồng, y tế trường học.
Đặc biệt, trạm y tế được thực hiện một số kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiểu phẫu - những nhiệm vụ trước đây hầu như chỉ có ở tuyến trên.
Một điểm đáng chú ý là trạm y tế xã sẽ phối hợp với các cơ quan liên ngành trong công tác bảo trợ xã hội và dân số, từ tư vấn trước khi kết hôn đến chăm sóc người cao tuổi, giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Đặc biệt, trạm y tế có thể tổ chức khám bảo hiểm y tế ngoại trú, ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội và đề xuất bố trí giường điều trị nội trú nếu đáp ứng điều kiện.
Ngoài các chức năng y tế dự phòng, khám chữa bệnh, sức khỏe sinh sản, dự thảo bổ sung thêm nhiệm vụ về phục hồi chức năng, an toàn thực phẩm, trợ giúp xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội (trừ cai nghiện ma túy), điều trị HIV/AIDS, nghiện chất bằng thuốc thay thế…
Lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, khám chữa bệnh từ xa
Để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ nói trên, dự thảo cũng đề xuất xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, bảo đảm cho trạm y tế xã hoạt động ổn định và hiệu quả.
Ngoài ngân sách nhà nước, trạm có thể tiếp nhận các nguồn tài trợ và nguồn thu khác theo quy định.
Bộ Y tế cho rằng việc trao thêm quyền tự chủ tài chính sẽ giúp các trạm y tế linh hoạt hơn trong tổ chức hoạt động, thu hút và giữ chân nhân lực có chuyên môn.
Đồng thời, nâng cao năng lực đáp ứng các tình huống y tế khẩn cấp tại cộng đồng như dịch bệnh, thiên tai, ngộ độc thực phẩm.
Dự thảo cũng đặt mục tiêu xây dựng các trạm y tế xã đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực và quản lý.
Việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân toàn dân, quản lý sức khỏe hộ gia đình và triển khai khám chữa bệnh từ xa sẽ được đẩy mạnh.
Bộ Y tế đề xuất trạm y tế xã là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc UBND xã, phường trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trạm y tế xã có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu, tài khoản riêng được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Trạm y tế xã chịu sự quản lý, toàn diện của UBND cấp xã và do sở y tế quản lý nhà nước về chuyên môn.
Đề xuất này cho thấy rõ vị trí pháp lý của trạm y tế xã so với quy định hiện hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận