Đề xuất trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo nghề: Doanh nghiệp kỳ vọng gì?

Trước đề xuất trích Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động nâng cao kỹ năng, doanh nghiệp khẳng định đây là hướng đi đúng. Nhưng việc này cần làm như thế nào cho hợp lý và hiệu quả?

bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh 1.

Công nhân trẻ được lao động có kinh nghiệm hỗ trợ, truyền dạy kinh nghiệm ngay tại máy may ở Công ty cổ phần Dệt may Lạng Giang (Bắc Giang) - Ảnh: HÀ QUÂN

Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị cần xem xét việc sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

"Kho thóc" nên dùng đúng lúc, đúng chỗ

Đến tháng 1-2025, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư khoảng 63.000 tỉ đồng. Gần đây, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có số thu và số chi cơ bản tiệm cận. Như năm 2023 thu là 23.000 tỉ đồng, chi là 22.995 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cũng nhấn mạnh việc sử dụng nguồn quỹ này phải hết sức cẩn trọng.

Đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang) đánh giá chính sách bảo hiểm thất nghiệp chủ yếu tập trung vào trợ cấp, chưa có cơ chế thực sự mạnh trong khuyến khích người lao động chủ động nâng cao kỹ năng nghề, tái định hướng nghề nghiệp hoặc nâng cao kỹ năng để duy trì việc làm, không mất việc.

Đại biểu dẫn chứng Singapore, Đức hay Đan Mạch có các chính sách chuyển đổi từ trợ cấp bị động sang mô hình đầu tư kỹ năng hỗ trợ người lao động học nghề mới chuyển ngành nghề phù hợp, gắn đào tạo với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Về nguồn lực thực hiện, bà Lý Anh Thư cho rằng có thể trích từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vì quỹ đang chủ yếu chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm. Cạnh đó, thay vì chi trả đào tạo nghề ngắn hạn, chính sách cần hướng tới đào tạo kỹ năng nghề làm việc cho người lao động thường xuyên, liên tục, lâu dài.

Từ góc nhìn kỹ thuật, ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) - cho rằng bản chất của bảo hiểm thất nghiệp là "đưa người lao động quay lại thị trường càng nhanh càng tốt, chứ không phải là nơi để chờ trợ cấp".

Ông Huân đồng tình với đề xuất trích Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo nghề, đồng thời cơ quan chức năng cần rà soát định kỳ 3-5 năm để điều chỉnh mức đóng phù hợp, tránh kết dư lớn nhưng chi thì ít, dẫn tới lãng phí tiềm lực. Việc này nhằm thay đổi mức đóng phù hợp, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Theo thông lệ quốc tế, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ bảo hiểm ngắn hạn, tránh kết dư quá nhiều.

Ông Huân cho rằng việc duy trì mức đóng hiện tại qua hơn 10 năm là chưa hợp lý, dẫn đến kết dư quỹ này có lúc hơn 89.000 tỉ đồng. "Về lâu dài, cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu các chính sách về trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề, nâng mức chi hợp lý hơn", ông Huân nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng các quỹ có kết dư cao không phải là vấn đề, vì các quỹ bảo hiểm ngắn hạn phải là "giá đỡ" của thị trường lao động.

Tuy nhiên Luật Việc làm cần có cơ chế, giải pháp cụ thể để đào tạo nghề mới có sự tham gia của doanh nghiệp vì chính doanh nghiệp hưởng lợi từ việc lao động được đào tạo, nâng cao tay nghề, ý thức làm việc.

Doanh nghiệp mong gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Henry Chien - giám đốc nhân sự Công ty TNHH LITEON Việt Nam (Hải Phòng) - bày tỏ ủng hộ dùng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động nâng cao kỹ năng nghề, đào tạo ngắn hạn và kết nối việc làm.

Theo ông, Luật Việc làm cần hướng tới sự tham gia mạnh mẽ của các bên như Nhà nước - doanh nghiệp - cơ sở đào tạo trong nâng cao năng lực, kỹ năng, tay nghề của người lao động. Về chính sách, ông đề xuất điều kiện và thủ tục đơn giản, linh hoạt, đặc thù với từng ngành nghề.

"Chúng tôi hy vọng nếu chính sách này được triển khai, sẽ có cơ chế linh hoạt, minh bạch và hiệu quả để người lao động tiếp cận dễ dàng, đặc biệt là nhóm lao động phổ thông, lao động mất việc cần chuyển đổi nghề hoặc muốn phát triển lên vị trí cao hơn trong công ty", ông Henry Chien nói.

Tại Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Hạnh - giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Lạng Giang - góp ý kiến: "Để sử dụng nguồn lực của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hiệu quả, cần phân chia rõ đối tượng.

Ví dụ với lao động phổ thông, chúng ta phải đào tạo họ biết nghề, nâng cao kỹ năng nghề và có đánh giá lại cụ thể thông qua từng con số, dữ liệu từ đó có chính sách cụ thể để phát triển nguồn lao động, không lãng phí nguồn lực, thời gian.

Chính sách học nghề cần thiết kế cụ thể để tránh không rơi vào tình trạng "đào tạo rồi để đấy", đào tạo nhưng không ai tham gia, lãng phí nguồn lực".

Ông cho rằng cần có giải pháp hạn chế tình trạng lao động lợi dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp để xin nghỉ việc lấy trợ cấp, tạo gánh nặng cho hệ thống bảo hiểm.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, mục tiêu của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.

Do vậy, Chính phủ có thể nghiên cứu hỗ trợ tiền đào tạo nghề cho người lao động từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Đề xuất trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo nghề: Doanh nghiệp kỳ vọng gì? - Ảnh 2.Kết dư quỹ hơn 63.000 tỉ đồng, đủ chi bảo hiểm thất nghiệp cho viên chức tinh gọn bộ máy

Ông Lê Hùng Sơn cho hay hiện kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 63.000 tỉ đồng - đủ chi bảo hiểm thất nghiệp cho viên chức tinh gọn bộ máy.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên