
Một thân gỗ ước tính đường kính rộng hơn 1 mét vừa bị cưa hạ tại xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông - Ảnh: TẤN LỰC
Người dân thắc mắc không hiểu vì sao chủ đầu tư không mở đường mới trên nền đường cũ, mà phải cưa cắt vô số cây gỗ lớn trong rừng để mở đường xuyên qua?
Gỗ lớn bị hạ la liệt để phục vụ dự án mở đường
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, dọc hai bên tỉnh lộ 676 từ thị trấn Măng Đen đi vào các xã Măng Cành, Đăk Tăng, Đăk Ring, Măng Bút của huyện Kon Plông được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh xanh tốt.
Nhờ diện tích rừng che phủ lớn, khu vực này có khí hậu mát mẻ, trong lành, lợi thế cho hoạt động du lịch với nhiều làng du lịch cộng đồng.
Theo người dân địa phương, từ khi có dự án mở đường qua đây, nhiều nhân công mang theo máy cưa, máy múc cưa hạ hàng loạt cây gỗ lớn với lý do làm đường.
Dưới tiếng rền vang của cưa máy, những thân cổ thụ hàng trăm năm tuổi giữa rừng già lần lượt ngã xuống, nhường chỗ cho dự án.

Nhân công dùng máy kéo để kéo những khối gỗ lớn dọc tỉnh lộ 676, huyện Kon Plông - Ảnh: TẤN LỰC
Theo quan sát, những thân gỗ được cắt thành từng đoạn dài 5 - 7m, nhiều cây có đường kính thân từ vài chục cm lên tới cả mét.
Số gỗ này được nhân công dùng xe kéo ra để xếp lớp dọc hai bên tỉnh lộ 676 với khối lượng gỗ rất "khủng". Người qua đường không khỏi tiếc nuối, xót xa cho những khoảnh rừng đã mất đi.
Nhiều người dân vừa bức xúc vừa thắc mắc không hiểu vì sao chủ đầu tư không mở đường mới trên nền đường cũ, mà phải cưa cắt vô số cây gỗ lớn trong rừng để mở đường xuyên qua.

Một bãi gỗ toàn cây lớn trong số rất nhiều bãi như thế này dọc hai bên tỉnh lộ 676 - Ảnh: TẤN LỰC
Theo Hạt Kiểm lâm Kon Plông, các khu vực có cây gỗ bị cưa hạ như trong phản ánh đã được cơ quan chức năng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để làm đường giao thông cho dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 676.
Việc khai thác tận thu cây gỗ tại dự án này được tỉnh Kon Tum giao nhiệm vụ cho Công ty Lâm nghiệp Kon Plông.
Hiện tại, công ty đã thực hiện xong việc khai thác, chặt hạ cây gỗ trong hành lang, đang kiểm kê số lượng, chủng loại để nghiệm thu và đưa ra đấu giá tài sản nộp ngân sách. Theo ước tính ban đầu, việc mở đường sẽ chặt hạ khoảng 1.300m3 gỗ tại rừng Kon Plông.
"Việc phóng tuyến thực hiện theo hồ sơ thiết kế, rơi trúng khu vực rừng nào thì cũng phải làm. Nhiều đoạn qua cua phải nắn thẳng, múc đồi, cưa cây. Tôi thấy cưa gỗ ra để ngổn ngang bên đường vướng víu, ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Cần phải làm nhanh, đầy đủ thủ tục để giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai làm đường" - một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Kon Plông cho hay.
Nâng cấp đường nên phải phóng tuyến qua rừng?
Ông Phùng Văn Long, giám đốc ban điều hành dự án, nói hiện tại địa phương đã bàn giao mặt bằng tương đối, gồm một số diện tích đất rừng và đang thi công một số đoạn.
Ông Long cho hay theo thiết kế cấp đường, do được nâng cấp lên cấp cao hơn nên yếu tố bán kính đường cong phải khác đi, phải phóng tuyến thẳng, đi qua khu vực rừng.

Một gốc gỗ lớn nằm ngổn ngang cùng nhiều khối gỗ khác bên đường - Ảnh: TẤN LỰC
"Dự án này giải phóng mặt bằng chậm, khó đáp ứng được tiến độ đề ra, ngoài các diện tích cây rừng còn vướng giải tỏa đền bù các hộ dân bị ảnh hưởng" - ông Long nói.
Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, có tổng chiều dài tuyến xây dựng hơn 56km.
Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp III miền núi, có bề rộng nền đường 9m, mặt đường rộng 6m, lề đường 3m (mỗi bên 1,5m). Dự án có tổng mức đầu tư là 1.300 tỉ đồng.
Dự án được triển khai từ tháng 12-2022 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Công trình do liên danh Công ty cổ phần Trường Long, Công ty cổ phần cầu đường New Sun, Công ty TNHH Tuấn Dũng thi công.
61ha rừng phải nhường chỗ cho dự án
Theo thống kê, diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 199,78ha. Trong đó diện tích đất có rừng 61,24ha (rừng tự nhiên 49,02ha, rừng trồng 12,22ha đã được chuyển đổi). Có tổng số 1.548 lượt hộ gia đình cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng phải bồi thường, hỗ trợ.

Rừng nguyên sinh Kon Plông còn nhiều, là lợi thế cảnh quan, du lịch của địa phương này - Ảnh: TẤN LỰC

Dự án nâng cấp tỉnh lộ 676 mở qua nhiều vùng rừng nguyên sinh tươi tốt - Ảnh: TẤN LỰC

Một vạt rừng vừa bị cưa hạ với nhiều cây gỗ lớn tại xã Đăk Tăng - Ảnh: TẤN LỰC

Một thân gỗ lớn bị cưa hạ nằm bên vệ đường tỉnh 676 qua huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum - Ảnh: TẤN LỰC

Những thân gỗ đường kính cả mét như thế này không hiếm khi mở đường qua rừng - Ảnh: TẤN LỰC

Một thân gỗ tốt đã được kiểm kê, đánh số - Ảnh: TẤN LỰC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận