
Nghi phạm họ Tiêu bị cáo buộc giả gái, quay lén nhiều đoạn video nhạy cảm rồi phát tán lên mạng - Ảnh: Lianhe Zaobao
Gần đây, vụ việc "Hồng tỷ" (hay chị Hồng) với nghi án người đàn ông Trung Quốc 38 tuổi giả gái để lừa tình, quay clip riêng tư đã khiến cộng đồng mạng xôn xao bởi những tình tiết khó tin.
Dù đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ các sai phạm, sự việc nhanh chóng trở thành chất liệu giải trí, trò chơi mạng, thu hút hàng ngàn lượt xem, bình luận, chia sẻ với thái độ bông đùa, mua vui.
Sao không là vấn đề pháp lý, đạo đức?
Theo lý thuyết đóng khung (Framing Theory) do nhà xã hội học người Mỹ gốc Canada Erving Goffman đề xuất năm 1974, truyền thông không chỉ phản ánh sự kiện mà còn định hình, đóng khung cách công chúng hiểu, cảm và phản ứng với sự kiện ấy.
Trong trường hợp vụ "Hồng tỷ", nhiều sản phẩm truyền thông trên mạng xã hội đã đóng khung sự kiện này theo hướng giải trí, thay vì các khung chính luận đến từ góc nhìn của pháp lý, đạo đức, văn hóa, tâm lý, xã hội.
Điều này được thể hiện qua việc chỉ trong vài ngày xuất hiện vô số meme, ảnh chế, ảnh ghép chân dung bản thân vào "căn phòng Hồng tỷ", video hóa trang đóng vai "Hồng tỷ", tạo clip tại "căn phòng Hồng tỷ", tái hiện tình huống giả gái dối lừa tình cảm qua mạng,…
Các nền tảng mạng xã hội khuyến khích những nội dung gây chú ý, tương tác cao, càng khiến các sản phẩm "bắt trend" này truyền đi nhanh chóng hơn. Người xem dễ dàng hưởng ứng trào lưu này vì tính hài hước, hiệu ứng đám đông, thỏa mãn nhu cầu bắt kịp xu hướng, mục đích câu view.
Sự bỡn cợt thiếu kiểm soát này cũng cho thấy thực trạng người dùng mạng đang theo dõi, tiếp tay lan truyền, thậm chí tham gia tái sản xuất những điều độc hại như một phần của đời sống số.
Hậu quả khi cười nhầm chỗ
Việc tiếp cận sự việc "Hồng tỷ" theo hướng tiêu khiển phản cảm trên mạng, khiến dư luận có thể quên đi bản chất vấn đề. Các khía cạnh về lừa dối tình cảm, quay lén, phát tán clip, lộ danh tính, xâm phạm đời tư,… trong câu chuyện "Hồng tỷ" trở nên mờ nhạt, ít được nhắc đến.
Người xem dần theo tâm lý đám đông xem đây là một câu chuyện để cười cho vui, hơn là một vụ việc nghiêm trọng, phức tạp cần được phân tích, xử lý đúng bản chất.
Góc nhìn hài hước này bùng nổ trên mạng xã hội khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc kiểm soát tin thật tin giả, phản biện xã hội, định hướng dư luận.
Đáng chú ý, chính môi trường này đã sản sinh ra những sản phẩm rác khi nhiều nhà sáng tạo nội dung tận dụng sự việc để câu view, thu hút tương tác bất chấp.
Với sứ mệnh định hình khung thông tin đúng đắn, cơ quan báo chí chính thống cần nhanh chóng xây dựng những lăng kính khách quan, sâu sắc, phản ánh đầy đủ các phân tích pháp lý, văn hóa về những sự việc nghiêm trọng trong đời sống xã hội.
Kịp thời phê phán, phản biện những kiểu nội dung rác, lệch chuẩn, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hành vi của người xem.
Cần khai thác ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về pháp luật truyền thông, xã hội học, tâm lý học hành vi. Từ đó lập lại khung hiểu đúng, định hướng lại thị hiếu của công chúng trong xã hội số.
Các nhà quản lý cần tăng cường giáo dục truyền thông số trong trường học, gia đình, như một giải pháp lâu dài để xây dựng năng lực phản biện, ứng xử có trách nhiệm trên mạng.
Các nền tảng mạng xã hội phải thể hiện trách nhiệm, cam kết đạo đức của mình bằng cách tăng cường sử dụng AI phát hiện, gỡ bỏ các sản phẩm xấu độc, cải tiến thuật toán để những sản phẩm lành mạnh, có tính giáo dục.
Về phía công chúng, cần chủ động phân biệt đâu là khung thông tin có giá trị, đâu là khung thông tin sai lệch. Nếu chúng ta tiếp tục dễ dãi với những nội dung độc hại, đến một lúc nào đó chính mình có thể là nạn nhân trong một câu chuyện bị bóp méo, chế giễu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận