15/05/2025 15:55 GMT+7

Không phải đại học có cấp bậc cao hơn trường đại học

Khái niệm 'đại học' và 'trường đại học' tiếp tục được nhiều lãnh đạo trường đại học đưa ra bàn luận tại hội thảo lấy ý kiến chính sách xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), diễn ra tại TP.HCM.

đại học - Ảnh 1.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo sáng 15-5 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 15-5 có sự tham gia của đại diện lãnh đạo hơn 50 cơ sở giáo dục đại học phía Nam.

Không phân biệt cấp bậc giữa "đại học" và "trường đại học"

Tại hội thảo, vấn đề thống nhất khái niệm và phân loại cơ sở giáo dục đại học được rất nhiều ý kiến đóng góp. Trong đó, đề xuất trong dự thảo luật là không phiên biệt giữa "đại học" và "trường đại học", cả hai khái niệm này đều được coi là "cơ sở giáo dục đại học" đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người.

Theo PGS.TS Ngô Quốc Đạt - hiệu trưởng Trường đại học Y Dược TP.HCM - trong dự thảo luật lần này không phân biệt quy mô của "đại học" và "trường đại học", đã tạo nhiều thuận lợi cho các trường đào tạo khối ngành đặc thù như ngành khoa học sức khỏe.

"Nếu Luật Giáo dục đại học sửa đổi quy định với các trường đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe chỉ đào tạo các ngành đặc thù này, không cần thiết phải đào tạo thêm lĩnh vực khác nữa để chuyển đổi thành đại học, tôi thấy điều đó rất đáng mừng", ông Đạt nói.

Cũng theo ông Đạt, đây là vướng mắc của trường ông nhiều năm qua. Năm 2003, nghị định của Chính phủ quy định tên trường là Đại học Y Dược TP.HCM. Tuy nhiên theo luật hiện hành, nhà trường đang vướng chữ ‘trường’ hay ‘đại học’. Một thời gian dài, trường cứ loay hoay việc này tốn nhiều thời gian và nguồn lực.

Nhiều lần thanh tra đề nghị nhà trường phải đổi tên thành Trường đại học Y Dược TP.HCM. Trong khi bản thân trường cũng không nghĩ việc lên đại học sẽ tốt hơn trường đại học.

"Nếu không quy định khác biệt giữa ‘trường đại học’ và ‘đại học’ thì bản thân tôi băn khoăn khi dịch sang tiếng Anh sẽ thế nào. Do vậy tôi đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể để các trường đỡ vướng", ông Đạt kiến nghị.

Không phải đại học có cấp bậc cao hơn trường đại học - Ảnh 3.

PGS.TS Ngô Quốc Đạt cho biết ông băn khoăn khi dịch sang tiếng Anh "trường đại học" và "đại học" - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Nhiều vướng mắc thực hiện quyền tự chủ đại học

Ông Nguyễn Tiến Thảo - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - trình bày cụ thể 6 nhóm chính sách của dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), gồm: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến; Hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời; Định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao...

Ông Nguyễn Tiến Thảo cho rằng tự chủ đại học là quyền chủ động của các cơ sở giáo dục đại học trong quyết định các hoạt động theo quy định pháp luật; gắn quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

Dự kiến luật quy định cơ sở giáo dục đại học thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học gắn với nghiên cứu, sáng tạo và phục vụ cộng đồng gồm: trường đại học, học viện đào tạo trình độ đại học trở lên ở một hoặc một số lĩnh vực; đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực quy mô lớn ở các trình độ của giáo dục đại học (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ); học viện sau đại học đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Đại học quốc gia, đại học vùng hoạt động là một thực thể thống nhất, hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng.

Đáng chú ý, dự thảo luật không quy định trường thành viên trong cơ cấu các đại học, trừ đại học quốc gia, đại học vùng; không thành lập hội đồng trường ở các trường đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các trường đại học thành viên; quy định rõ thẩm quyền bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp theo quy định của Đảng.

Đại diện nhiều trường đại học cho biết các trường hiện đang gặp nhiều vướng mắc trong việc thực hiện quyền tự chủ, đặc biệt là về tài chính, tổ chức bộ máy, mở ngành đào tạo. Việc quy định quá chi tiết ở cấp Chính phủ hoặc bộ gây khó khăn và chậm trễ trong thực tế áp dụng.

Do vậy luật nên tập trung quy định những vấn đề khung, cơ bản, cốt lõi, còn lại giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các trường.

Khi tăng cường tự chủ, vai trò quản lý nhà nước cần được điều chỉnh tương ứng. Nhiều ý kiến đề xuất tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc xây dựng và kiểm định chất lượng thay vì kiểm soát hành chính chi tiết. Vai trò thanh tra, kiểm toán cũng cần làm rõ trong bối cảnh luật liên quan đang sửa đổi.

TS Thái Thị Tuyết Dung - phó trưởng ban phụ trách ban thanh tra, pháp chế Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng khi quyền tự chủ cho các trường ngày càng tăng, thì cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về kiểm tra/giám sát. 

Trong bối cảnh chuyển Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo về Thanh tra Chính phủ, dự thảo Luật Thanh tra, dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính có nhiều thay đổi về thẩm quyền, trình tự thủ tục liên quan thanh tra/kiểm tra/xử phạt, vì vậy chính sách thứ 6 trong đề xuất của dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi cần bổ sung thêm nội dung đó là "tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong kiểm tra, xử lý vi phạm" để đảm bảo hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục được đồng bộ và thống nhất", bà Dung kiến nghị.

Không phải đại học có cấp bậc cao hơn trường đại học - Ảnh 5.

TS Thái Thị Tuyết Dung phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Nội dung Luật Giáo dục đại học sẽ giảm còn một nửa

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết xã hội đang đặt nhiều kỳ vọng vào lần sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này. Việc sửa đổi luật lần này sẽ tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

"Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này hướng tới việc đơn giản hóa và mạch lạc hóa hệ thống giáo dục đại học, tránh tình trạng chồng chéo giữa các quy định pháp luật hiện hành. Một trong những định hướng quan trọng là tăng cường quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học", ông Sơn khẳng định.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Luật Giáo dục đại học sửa đổi lần này dự kiến nội dung chỉ còn khoảng 50% so với Luật Giáo dục đại học năm 2018. Số lượng văn bản hướng dẫn tính theo số trang cũng giảm khoảng một nửa.

"Cách làm lần này để đơn giản hóa, mạch lạc hóa hệ thống pháp luật về giáo dục và đào tạo, tránh tình trạng chồng chéo giữa các quy định pháp luật khác nhau. Đồng thời trao quyền tự chủ cao nhất cho các cơ sở giáo dục đại học", ông Sơn nhấn mạnh.

Không phải đại học có cấp bậc cao hơn trường đại học - Ảnh 6.Chúng tôi không biết giải thích với nước ngoài thế nào về 'trường đại học trong đại học'

Nhiều vị lãnh đạo trường đại học đã chia sẻ như thế tại tọa đàm Tham vấn chính sách xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 14-5.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên