
Ông Lê Thanh Hải - giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN
Chiều 22-5, tại họp báo kinh tế - xã hội, ông Lê Thanh Hải - giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - đã thông tin về việc TP.HCM xây dựng chương trình chuyển đổi xe điện cho toàn bộ tài xế công nghệ và giao hàng hai bánh, với khoảng 400.000 xe.
Theo kế hoạch, trong tháng 6 Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM sẽ có dự thảo đề xuất chính sách và tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, sau đó tổng hợp trình dự thảo chính sách cho UBND TP.HCM trong tháng 7.
Về tính khả thi của chương trình này, ông Hải cho biết Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã tổ chức nghiên cứu với các xe có phát thải cao.
Theo đó, xe công nghệ hoạt động trung bình 8-12 tiếng/ngày với quãng đường di chuyển khoảng 100km/ngày, dẫn đến lượng phát thải cao. Muốn kiểm soát phát thải, TP.HCM phải tập trung vào nhóm xe công nghệ và xe buýt.
Theo khảo sát với 400 tài xế chạy xe xăng của các hãng Grab, Bee, Gojek vào năm 2023, với quãng đường 100km/ngày, tài xế phải chi 70.000-100.000 đồng tiền xăng.
Khi khảo sát các tài xế chạy xe điện của Hãng Xanh SM, mỗi ngày chỉ tốn khoảng 20.000 đồng tiền sạc điện. Như vậy trừ các chi phí khác, tài xế xe điện có thể tiết kiệm được 40.000 - 60.000 đồng/ngày (hơn 1 triệu đồng/tháng).
"Nếu dành toàn bộ số tiền tiết kiệm này để trả góp mua xe điện thì từ 24-30 tháng, tài xế hoàn toàn có thể trả hết tiền mua xe điện", ông Hải nói và cho rằng chương trình chuyển đổi xe điện cho toàn bộ tài xế công nghệ là rất khả thi.
Ngoài ra vào tháng 11-2024, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã tổ chức hội thảo liên quan đến vấn đề này. Tại đây, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại và Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng) đánh giá rất cao đề xuất và ủng hộ chương trình này.
Các ngân hàng, tổ chức tài chính cho biết sẽ thiết kế các chương trình cho vay ưu đãi để tài xế xe công nghệ vay chuyển đổi sang xe điện. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh xe điện hai bánh cũng cam kết có chương trình ưu đãi, để đồng hành cùng TP.HCM thực hiện quyết tâm chuyển đổi xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và xe giao hàng.
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng kiến nghị TP.HCM có kiến nghị Trung ương miễn lệ phí trước bạ cho xe điện mới đăng ký lần đầu trong 2 năm, và có thể miễn luôn thuế VAT cho tài xe công nghệ trong vòng 2 năm.
"Miễn luôn thuế VAT với tài xế công nghệ chạy xe điện trên từng hóa đơn, lúc đó sẽ có độ chênh giữa xe điện và xe xăng trong vòng 2-3 năm, khuyến khích chuyển đổi. Tài xế cũng sẽ tiết kiệm thêm được một khoản chi phí.
Nếu chương trình này được thông qua và triển khai vào thực tế, thì kỳ vọng trong vòng 2 năm sẽ chuyển đổi khoảng 80% xe công nghệ hai bánh sang xe điện. Trong vòng 3-5 năm cùng với các chính sách siết phát thải thì có thể chuyển đổi toàn bộ được các xe", ông Hải nói.
Hạn chế xe xăng vào trung tâm TP.HCM, huyện Cần Giờ, Côn Đảo...
Cũng về vấn đề này, ông Ngô Hải Đường - trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ, Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết TP.HCM có giải pháp đầu tư xe buýt theo từng giai đoạn, ưu tiên xe sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường từ năm 2021 - 2030. Hiện TP.HCM có 19 tuyến xe buýt điện với 160 xe, và 18 tuyến xe buýt sử dụng khí CNG với 528 xe.
Thực hiện nghị quyết 98, UBND TP.HCM cũng giao Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng) xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông theo hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 là tham mưu UBND trình HĐND ban hành quy định về lộ trình thực hiện chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh để áp dụng kể từ năm 2025. Giai đoạn 2 là tham mưu UBND trình HĐND ban hành chính sách giảm khí thải các phương tiện giao thông đường bộ còn lại.
Trong đó TP.HCM tập trung xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi và lộ trình cho cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi sang xe sử dụng năng lượng sạch gồm xe taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách và xe tải, xe cá nhân, ô tô và xe công. Bên cạnh đó có chính sách thu mua, đổi xe cũ sang xe mới dùng năng lượng sạch.
TP.HCM cũng đề xuất các giải pháp kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông đường bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 như phân vùng, ưu tiên xe sử dụng năng lượng xanh, hạn chế xe xăng vào như trung tâm TP.HCM, huyện Cần Giờ, huyện Côn Đảo...
Đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành giai đoạn 1 của đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông. Trong đó đưa lộ trình chuyển đổi xe buýt, mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt của TP.HCM sử dụng điện, năng lượng xanh. Hiện đang tiếp tục nghiên cứu khi sáp nhập tỉnh.
Giai đoạn 2, đơn vị đã hoàn thành lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng đề án và đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành đề án và trình UBND trong quý 3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận