Malaysia lo ngại vì tin giả vắc xin gây đột tử ở trẻ sơ sinh

Một bác sĩ bị đình chỉ giấy phép hành nghề tuyên bố vắc xin gây đột tử ở trẻ sơ sinh, khiến thông tin này lan truyền tại Malaysia và gây hoang mang dù giới chuyên gia đã nhiều lần bác bỏ quan điểm sai lệch này.

vắc xin - Ảnh 1.

Thông tin vắc xin gây ra chứng đột tử ở trẻ sơ sinh gây hoang mang tại Malaysia dù không có bằng chứng khoa học - Ảnh: AFP

Gần đây, mạng xã hội tại Malaysia xôn xao với thông tin gây lo ngại rằng vắc xin là nguyên nhân dẫn đến hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), kéo theo không ít hoang mang trong cộng đồng cha mẹ có con nhỏ.

Thông tin này xuất hiện trong một bài viết bằng tiếng Malaysia trên nền tảng Facebook vào ngày 25-4, mở đầu bằng đoạn trích dẫn của một bác sĩ tên Paul Thomas, ông này khẳng định rằng "97% trẻ tử vong do SIDS xảy ra trong vòng 10 ngày sau khi tiêm vắc xin".

Bài đăng này còn khẳng định rằng việc tuân thủ lịch tiêm chủng đầy đủ sẽ khiến trẻ em khỏe mạnh đối mặt với nguy cơ tử vong cao, và cho rằng "tử vong do vắc xin nhiều hơn tử vong do bệnh tật".

Theo báo cáo kiểm chứng của Hãng tin AFP ngày 19-5, bác sĩ Paul Thomas, người xuất hiện trong bài đăng, đã bị hội đồng y khoa bang Oregon (Mỹ) đình chỉ giấy phép hành nghề vào năm 2020.

Lý do là ông này đã khuyến khích bệnh nhân tránh tiêm các loại vắc xin tiêu chuẩn dành cho trẻ em, dẫn đến việc một số bệnh nhân mắc các bệnh mà lẽ ra có thể được ngăn ngừa bằng vắc xin.

Sau đó khi bị đình chỉ, ông Thomas tự nguyện từ bỏ giấy phép hành nghề vào năm 2022.

Báo cáo của AFP cũng chỉ rõ rằng các cơ quan y tế quốc tế như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và Cơ quan Y tế công cộng Canada đều khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy vắc xin gây ra chứng SIDS.

Ngược lại, Học viện Nhi khoa Mỹ còn nhấn mạnh rằng tiêm chủng có thể mang lại hiệu quả bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ SIDS.

Theo các tổ chức y tế hàng đầu thế giới như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và CDC Mỹ, việc tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là vô cùng cần thiết để bảo vệ các em khỏi những căn bệnh nguy hiểm.

Tại Malaysia, bác sĩ nhi khoa Norazlin Kamal Nor từ Đại học Quốc gia Malaysia đã giải thích với AFP rằng SIDS thường xảy ra trong giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi, trùng với thời điểm trẻ bắt đầu được tiêm chủng, nên dễ dẫn đến sự nhầm lẫn và hiểu lầm trong cộng đồng.

Bà Norazlin khẳng định với AFP rằng các nghiên cứu khoa học đến nay chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy việc tiêm chủng có liên quan đến chứng SIDS.

Vị bác sĩ cũng kêu gọi các bậc phụ huynh không nên bị tác động bởi những thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội, đồng thời tiếp tục đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Bà Norazlin cảnh báo rằng nếu tỉ lệ tiêm chủng giảm, miễn dịch cộng đồng sẽ bị suy yếu, làm gia tăng nguy cơ bùng phát trở lại của các dịch bệnh như sởi.

Malaysia lo ngại vì tin giả vắc xin gây đột tử ở trẻ sơ sinh - Ảnh 3.Tòa án tối cao Mỹ chưa từng phủ nhận hiệu quả của vắc xin COVID-19

Mạng xã hội tại Anh lan truyền tin Tòa án tối cao Mỹ ra phán quyết vắc xin COVID-19 không phải vắc xin, trong khi các tổ chức xác minh đây là tin giả.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên