14/07/2025 09:00 GMT+7

Mê trận lừa đảo đặt phòng khách sạn trên MXH: Khách hàng ấm ức, chủ doanh nghiệp cam chịu

Vấn nạn lập fanpage giả, thậm chí mua tích xanh rồi cho chạy quảng cáo đang là vấn nạn nhức nhối khiến khách hàng ấm ức, chủ doanh nghiệp phải cam chịu. Các thủ đoạn ngày càng tinh vi, khiến người dùng khó phân biệt thật - giả.

lừa đảo - Ảnh 1.

Hình ảnh khách sạn bị giả mạo tràn lan, chủ dịch vụ bất lực

Lừa đảo bủa vây người dùng

Hiện nay, hàng loạt fanpage giả mạo các khách sạn, cơ sở lưu trú đang tràn ngập trên mạng xã hội. Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều thủ đoạn như: tạo lập fanpage giả, đổi tên fanpage cũ (vốn có lượt theo dõi sẵn), chạy quảng cáo tăng lượt thích, chia sẻ, bình luận ảo và thậm chí gắn cả "tích xanh" để tạo lòng tin với khách hàng.

Những "khách sạn ma" đầu tư dựng video, hình ảnh, nội dung vượt trội hơn cả fapage thật, sau đó chạy quảng cáo phủ đầu, seeding tràn ngập mạng xã hội. 

Chỉ cần một cú click chuột tìm kiếm khách sạn, hay thậm chí nói từ khóa "cần thuê khách sạn" lọt vào thiết bị điện thoại thông minh, lập tức người dùng sẽ bị dịch vụ giả mạo bao phủ, với ma trận lừa đảo, không lọt vào dịch vụ lừa đảo này thì cũng rơi vào bẫy lừa đảo khác.

Sau khi dụ được khách liên hệ đặt phòng, kẻ lừa đảo nhanh chóng tư vấn, báo giá tốt và yêu cầu chuyển tiền giữ chỗ vì "phòng sắp hết". Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được tiền, fanpage lập tức khóa tin nhắn và người dùng không thể liên lạc lại.

lừa đảo - Ảnh 2.

Tin nhắn chào giá khuyến mãi hấp dẫn của kẻ lừa đảo điều hành fanpage từ Campuchia - Ảnh: NVCC

Anh Trần Hải Tú (Đồng Nai) bức xúc: "Fanpage lừa đảo còn có lượng người theo dõi vượt xa fanpage thật, khiến khách hàng khó phân biệt. Trang lừa đảo còn chạy luôn cả tích xanh như kênh chính chủ. Họ đưa ra những hình thức khuyến mãi hấp dẫn, rẻ hơn nhiều so với giá của khách sạn thật. Khách chuyển tiền đặt cọc ngay sẽ tiếp tục được giảm giá".

Bà Phan Thị Nhài, một việt kiều Úc (quê An Giang), bức xúc: "Tôi về nước đặt phòng cho cả gia đình ở một khách sạn trung tâm Đà Lạt và chuyển khoản đặt cọc hơn 10 triệu đồng. Khi tôi đến nhận phòng, khách sạn thông báo đó không phải là fanpage của khách sạn. Fanpage của khách sạn thật chỉ hơn 34.000 follow, trong khi đó khách sạn giả là 320.000".

Không còn đơn thuần là những tin nhắn lừa đảo sơ sài, nhiều fanpage "ma" hiện nay chăm sóc fanpage rất chuyên nghiệp để dụ khách hàng: cập nhật liên tục, đăng bài đều đặn, sử dụng hình ảnh thật từ các khách sạn nổi tiếng, thậm chí dùng công cụ thiết kế tích xanh giả để đánh lừa người xem…

Ngoài ra, kẻ lừa đảo còn tạo hóa đơn, biên nhận chuyển khoản giả mạo để tạo lòng tin, sử dụng tài khoản ngân hàng đứng tên cá nhân, gây khó khăn cho việc truy vết sau khi lừa đảo thành công.

Chị Nguyễn Thanh Hà (nhân viên tiếp tân một khách sạn lớn ở Đà Lạt) bức xúc: "Nhiều khách chuyển tiền đặt cọc cả chục triệu đồng đến nhận phòng, nhưng đều chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, fanpage giả mạo. Chúng tôi cũng rất xót, nhiều lần đăng tải cảnh báo trên fanpage chính. Nhưng kênh giả nhiều hơn kênh thật, và khách cũng không tìm ra được fanpage chính để tiếp nhận thông tin".

Chị Hà bức xúc: "Thật sự không biết kêu ai. Vấn nạn của thời đại số, lừa đảo hoành hành, thật - giả lẫn lộn, kênh giả tràn ngập trên các nền tảng mạng xã hội. Kẻ lừa đảo rành thuật toán, rành công nghệ hơn hẳn các nhân viên của khách sạn".

lừa đảo - Ảnh 3.
lừa đảo - Ảnh 4.
lừa đảo - Ảnh 5.

Hóa đơn "lừa đảo" của những khách sạn ma - Ảnh: NVCC

Làm sao để không trở thành nạn nhân?

Không chỉ tổn thất tài chính, nhiều người còn bị mất thời gian, công sức, ảnh hưởng đến lịch trình du lịch, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết hoặc kỳ nghỉ hè cao điểm.

Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo khi đặt phòng khách sạn trực tuyến, người dân cần nâng cao cảnh giác và kiểm tra kỹ lưỡng, chỉ đặt phòng qua kênh chính thức: website của khách sạn, các nền tảng đặt phòng uy tín và không tin vào tích xanh một cách tuyệt đối. Hiện nay tích xanh có thể bị giả mạo bằng hình ảnh hoặc kỹ thuật dựng trang. 

Tuyệt đối không chuyển khoản trước nếu chưa xác minh rõ ràng. Và nên gọi trực tiếp đến khách sạn qua số điện thoại chính thức được công khai, cũng như kiểm tra kỹ tài khoản nhận tiền: tránh chuyển tiền vào tài khoản cá nhân không có liên hệ rõ ràng với khách sạn.

Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh sự cảnh giác của người dân, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn, tăng cường kiểm tra, rà soát các fanpage giả mạo và xử lý nghiêm. 

Anh Trần Minh Hải, một chuyên gia công nghệ cho hay: "Một trong những đặc điểm nhận biết dạng fanpage lừa đảo là vào xem tính minh bạch của trang. 

Theo đó, tính năng này thể hiện hành vi đổi tên fanpage, và vị trí quản trị trang chủ yếu là từ Campuchia hoặc một số nước lân cận, nơi mà đối tượng lừa đảo đang vận hành fanpage".

Có thể nói rằng trong bối cảnh công nghệ phát triển, việc đặt phòng online đã trở nên phổ biến, thuận tiện nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người dùng cần tỉnh táo, kiểm tra kỹ mọi thông tin trước khi chuyển khoản. 

Bên cạnh đó, mỗi người nên chia sẻ thông tin cảnh báo này đến bạn bè, người thân, góp phần ngăn chặn nạn lừa đảo đang lan rộng. Khi gặp dấu hiệu lừa đảo, hãy liên hệ cơ quan công an địa phương, lưu lại bằng chứng chuyển khoản, nội dung tin nhắn, fanpage để phục vụ công tác điều tra.

Anh Minh Hải kiến nghị thêm: cần có một nền tảng có độ uy tín lớn, tạo lập một bức tường thông tin mang tính minh bạch. Ở đó, người dân có quyền đánh giá tất cả các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, từ đó giúp khách hàng, người mua kiểm định và loại hết kênh thông tin giả mạo. 

Doanh nghiệp thực thụ, uy tín luôn sẵn sàng công khai dịch vụ, công khai sản phẩm, tiếp nhận góp ý để phát triển. Chỉ có những doanh nghiệp "có vấn đề", sản phẩm, dịch vụ có vấn đề mới không dám công khai, không dám cam kết, không dám minh bạch, lập lờ thật giả để bán hàng kém chất lượng, lừa dối khách hàng...

Quảng bá khách sạn, đường dẫn đặt phòng, số điện thoại... miễn phí trên Tuổi Trẻ Online

Thời gian qua, báo Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều tin nhắn, cuộc gọi từ bạn đọc phản ánh bức xúc với thực trạng fanpage lừa đảo tiền đặt phòng khách sạn, và bày tỏ mong muốn có giải pháp bảo vệ.

Từ ngày 14-7-2025, Tuổi Trẻ Online chính thức triển khai dịch vụ đăng tải thông tin miễn phí (bao gồm tên khách sạn, địa chỉ, đường dẫn đặt phòng, số điện thoại, website, fapage khách sạn…) dành cho tất cả các khách sạn và dịch vụ booking lưu trú trên toàn quốc.

Theo đó, tất cả các khách sạn và dịch vụ lưu trú sẽ được đăng tải hoàn toàn miễn phí lần đầu, những đường dẫn đặt phòng chính thức của các khách sạn từ các nền tảng mạng xã hội… với mục đích chuẩn hóa thông tin, tránh bị lừa đảo.

Khi đến đăng ký, chủ doanh nghiệp cần cung cấp được giấy phép kinh doanh hợp pháp, thông tin cơ bản về khách sạn và cam kết chất lượng dịch vụ.

Mọi thông tin đăng tải sẽ được kiểm định và đăng tải công khai trên chuyên trang "Trải nghiệm và Đánh giá" của Tuổi Trẻ Online. Tại đây, người dân sẽ có cơ hội trải nghiệm, đánh giá và lựa chọn những dịch dịch vụ lưu trú tốt.

Đây cũng là môi trường minh bạch, công khai như một "sàn niêm yết dịch vụ, sản phẩm", ở đó doanh nghiệp dám cam kết, người dùng tin tưởng trải nghiệm và triệt tiêu những "đường dẫn lừa đảo" đang phát tán diện rộng trên các nền tảng mạng xã hội.

Ma trận lừa đảo đặt phòng khách sạn trên MXH: Khách hàng ấm ức, chủ doanh nghiệp cam chịu - Ảnh 7.Cách đăng thông tin khách sạn, đường dẫn đặt phòng, số điện thoại…. miễn phí trên Tuổi Trẻ Online

Tuổi Trẻ Online triển khai đăng ký quảng bá dịch vụ khách sạn miễn phí trên toàn quốc. Thông tin sẽ được xác minh trước khi đăng tải, giúp độc giả dễ dàng tiếp cận địa chỉ lưu trú đáng tin cậy, tránh nguy cơ bị lừa đảo trên môi trường mạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên