Một bữa ăn bán trú phải đóng thuế 2 lần?

Nhiều trường công lập ở Quảng Bình phản ứng vì bị tính thuế giá trị gia tăng đến 2 lần cho mỗi bữa ăn bán trú của học sinh. Cơ quan thuế cũng đã lên tiếng.

bữa ăn bán trú - Ảnh 1.

Bữa ăn bán trú của hàng chục ngàn học sinh tiểu học và mầm non tại Quảng Bình đang bị đánh thuế 2 lần - Ảnh: QUỐC NAM

Hàng loạt trường mầm non, tiểu học tại Quảng Bình nhận được văn bản của ngành thuế yêu cầu thu thuế giá trị gia tăng đối với bữa ăn bán trú của học sinh và thuế thuê nhân viên nấu ăn trong năm học 2024 - 2025.

Tuy nhiên, các trường này cho rằng việc thu thuế bữa ăn học sinh là bất hợp lý vì khi mua nguyên liệu nấu ăn, các trường đều đã nộp thuế giá trị gia tăng thông qua đơn vị cung cấp bằng hóa đơn đỏ.

Một bữa ăn đóng cả thuế thực phẩm sống và thực phẩm chín

Trường tiểu học số 1 Nam Lý là một trong những trường nhận được văn bản yêu cầu nộp thuế của ngành thuế Quảng Bình.

Bà Nguyễn Thị Huyền, hiệu trường Trường tiểu học số 1 Nam Lý, cho biết mấy tuần nay nhà trường rối bời khi nhận được văn bản của ngành thuế. Theo đó, nhà trường được yêu cầu phải đóng thuế giá trị gia tăng cho nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh. Trong đó có thuế bữa ăn bán trú, thuê nhân viên nấu ăn, thuê bảo vệ, nước uống, giấy kiểm tra.

Theo hướng dẫn của cơ quan thuế, mỗi bữa ăn học sinh giá 23.000 đồng phải chịu thuế 3%. Việc thuê nhân viên nấu ăn cho học sinh cũng bị đánh thuế 5%. Trường có hơn 500 học sinh có bán trú. Tức mỗi em phải đóng 85.000 đồng với riêng khoản thuế liên quan đến bữa ăn này cho năm học 2024 - 2025. Tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng cho bữa ăn của học sinh bán trú tại trường là 46 triệu đồng.

Bà Huyền đánh giá "bất thường" khi mua nguyên liệu nấu ăn như gạo, thịt, trứng, rau củ… bên bán đều đã tính thuế giá trị gia tăng và xuất đầy đủ hóa đơn đỏ cho trường. Nên việc ngành thuế yêu cầu thu thuế thêm 3% vào mỗi suất ăn của học sinh, theo bà là không hợp lý.

bữa ăn bán trú - Ảnh 2.

Mỗi bữa ăn bán trú đều đã được đóng thuế giá trị gia tăng khi mua nguyên liệu đầu vào - Ảnh: QUỐC NAM

"Tiền thuế khi mua nguyên liệu này cũng trích từ tiền phụ huynh nộp cho bữa ăn bán trú của học sinh mỗi tháng. Vậy thì tại sao cơ quan thuế còn đánh thuế thêm một lần nữa vào suất ăn của học sinh? Như vậy chẳng phải mỗi bữa ăn của học sinh thì phụ huynh phải "gánh" đến 2 lần thuế?", bà Huyền thắc mắc.

Hàng loạt trường khác tại Quảng Bình cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trước sức ép bị phạt khi nộp thuế chậm, một số trường đã phải tạm ứng tiền để đi nộp các loại thuế, trong đó có thuế bữa ăn của học sinh và thuế thuê nhân viên nấu ăn. Sau đó mới triển khai thu từ phụ huynh bù lại.

"Mỗi học sinh sẽ phải nộp 2 lần thuế bữa ăn. Một lần khi sống. Một lần khi chín. Như vậy là không hợp lý", một hiệu trưởng khác nói.

"Trường phải khấu trừ nếu đã đóng thuế"

Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Đoàn Vĩ Tuyến, phó chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực XI, khẳng định việc thu các khoản thuế ở các trường công lập không trái với nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình. 

Nghị quyết quy định mức thu, còn việc xác định phương pháp hạch toán, kê khai nộp thuế là theo pháp luật về thuế.

Quy định của luật về thuế có 2 cách tính thuế. Nếu đơn vị hạch toán hóa đơn đầu vào được thì khấu trừ đầu ra và đầu vào, rồi tính thuế ở phần chênh lệch. 

Nếu trường hợp đơn vị không hạch toán được hóa đơn đầu vào, luật thuế đưa ra một mức thu chung cho tất cả các loại dịch vụ mà không cần hạch toán đầu vào.

Cụ thể ở việc nấu ăn cho học sinh bán trú tại các trường mầm non, tiểu học, nếu các trường đã nộp thuế giá trị gia tăng khi mua nguyên liệu nấu ăn như gạo, thịt, rau củ thì phải áp dụng tính thuế bằng cách khấu trừ mới được tính là đã nộp thuế. 

Nếu không thực hiện việc khấu trừ thì sẽ không được tính là đã nộp thuế. Nên mới có chuyện một bữa ăn phải nộp 2 lần thuế.

"Các trường có thể chọn một trong hai cách tính thuế. Nếu có đủ hóa đơn mua nguyên liệu đầu vào thì phải thực hiện việc khấu trừ. Còn khi không có hóa đơn mua nguyên liệu thì mới phải áp dụng phương pháp tính thuế thứ hai, là tất cả đều tính chung một mức thuế", ông Tuyến giải thích.

Ông Tuyến cũng cho biết sẽ cho cán bộ thuế làm việc trực tiếp với các trường để hướng dẫn lại cụ thể chi tiết phương pháp nộp thuế đúng để không phải xảy ra tình huống nộp thuế 2 lần cho một dịch vụ như hiện tại.

Phụ huynh phải đóng thuế 2 lần cho bữa ăn bán trú của học sinh? - Ảnh 4.Hiệu trưởng từ chức sau phản ánh bữa ăn bán trú chỉ có trứng luộc và xúc xích

Sau phản ánh bữa cơm bán trú chỉ có trứng luộc và xúc xích rán, UBND huyện Sông Mã (Sơn La) quyết định cho thôi chức vụ hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Ty đối với bà Nguyễn Thị Hà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên