
Chiến sĩ nhí học kỳ trong quân đội thực hành gấp nội vụ và trở thành thói quen mỗi ngày khi thức dậy - Ảnh: K.A.
Không được dùng điện thoại, bảy ngày của khóa huấn luyện tách biệt hẳn với thiết bị công nghệ và 30% nội dung được lồng ghép giúp các chiến sĩ nhí rèn những kỹ năng trong cuộc sống hiện đại. Đó là một trong các chương trình được Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM phối hợp tổ chức tại Trung tâm huấn luyện Vùng 2 hải quân (Đồng Nai) vừa hoàn tất trong hè này.
Áp dụng phiên bản mới trong Học kỳ quân đội 2025
Các năm trước, sau một ngày hoạt động, chiến sĩ nhí có 30 phút liên lạc điện thoại với gia đình hoặc giải trí, nhưng năm nay thì không. Gấp nội vụ là thử thách đầu tiên cần vượt qua để mỗi bạn rèn tính cẩn thận, gọn gàng, ngăn nắp.
Việc làm quen với việc lăn lê, bò trườn cũng giúp chiến sĩ nhí hiểu thêm về quân đội và các bạn mê tít. Chưa kể chiều xuống còn được ra vườn trồng rau tăng gia sản xuất rồi thu hoạch rau chế biến trong chính bữa ăn của mình đều là những kỷ niệm đáng nhớ.
Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM Nguyễn Hồng Phúc cho hay học kỳ trong quân đội được thiết kế với phiên bản mới vẫn đảm bảo đầy đủ nội dung huấn luyện, quan trọng là giúp các bạn nhỏ nhân lên tình yêu quê hương, đất nước song song với rèn kỹ năng. Cùng với đó, phụ huynh được tham gia các buổi trao đổi chuyên đề để hiểu hơn tâm lý con trẻ sao cho đồng hành tốt hơn cùng con trong học tập, cuộc sống.
"Chương trình kết hợp trải nghiệm quân đội cùng hoạt động vừa học vừa chơi, qua đó giúp học viên khai phá tiềm năng, trở thành phiên bản hoàn thiện của chính mình.
Không chỉ dừng lại ở bảy ngày huấn luyện, chúng tôi tiếp tục có các khóa chuyên đề đồng hành với gia đình trẻ nuôi dạy con, mục tiêu phải hỗ trợ con cái phát triển một cách toàn diện", anh Phúc chia sẻ.
Các nội dung huấn luyện cũng được cập nhật để từng hoạt động, chuyên đề mới mẻ. Mục tiêu hướng đến giúp học viên tự tin giao tiếp, biết cách chia sẻ và kết nối với cha mẹ cũng như cộng đồng xung quanh.
Hoạt động nhóm đề cao tinh thần đồng đội và kỹ năng phối hợp, giúp các bạn cùng giải quyết vấn đề trong môi trường thực tế.
"Tổng thể chương trình sẽ chú trọng trải nghiệm, tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện của các bạn nhỏ trong tương lai. Làm sao các bạn thấu hiểu giá trị của lòng biết ơn, sự trắc ẩn, biết cách chuyển hóa cảm xúc thành hành động thiết thực, thể hiện sự quan tâm và sẻ chia trong cuộc sống hằng ngày", anh Phúc nói thêm.
Hành trình trải nghiệm khó quên
Chiến sĩ nhí Thiên Trí nói một tuần sống trong môi trường quân ngũ giúp bạn học thêm kiến thức, kỹ năng, cũng là dịp khơi dậy trong mỗi học viên tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước, tình đồng đội và suy nghĩ trưởng thành.
"Thức dậy đúng giờ, tập thể dục buổi sáng, gấp chăn màn vuông vức, ăn uống và sinh hoạt theo giờ giấc kỷ luật quân đội là những bài học khó quên và thật sự cảm ơn chương trình đã cho mình những trải nghiệm quý giá ấy", Thiên Trí bày tỏ.
Trong khi cô học trò lớp 7 Huỳnh Ngọc Quế Chi cho biết lần đầu tiên đi học kỳ trong quân đội đã thấy rất tự hào trong màu áo chiến sĩ hải quân. Với bạn, những bài học dù chỉ trong một tuần sẽ là kỷ niệm đáng nhớ gói vào hành trang của mình trong cuộc sống.
Chị Tú Anh, phụ huynh có con tham gia chương trình, khoe: "Các cô phụ trách đều nói con mình biết phụ cô nhiều việc, nghe mà vui". Vì ở nhà bạn chỉ biết máy tính, điện thoại. Sáng dậy có sẵn đồ ăn rồi xe đưa tới trường, tối về vô phòng ở miết trong đó.
Người mẹ kể xem hình thầy cô hướng dẫn con giặt đồ bằng tay, rồi đi hái rau mà hạnh phúc vì con được học những thứ bình thường với nhiều người nhưng đó giờ xa lạ với con. Hôm tổng kết, một bạn lên phát biểu nói lời xin lỗi ba mẹ mà chị ngồi dưới bật khóc ngon lành dù không phải con mình.
"Con về nhà nói cảm ơn vì mẹ đã chọn khóa học này cho con. Tuy chỉ một tuần nhưng nói không quá là các con được làm những việc mà thời nay người ta hay gọi đùa nhưng lại thật rằng "học cách vượt sướng" ấy", chị Tú Anh cười.
Tương tác giữa phụ huynh và con
Nhà Thiếu nhi TP.HCM cũng là địa chỉ tổ chức học kỳ trong quân đội thời gian qua. Phó giám đốc Nhà Thiếu nhi TP.HCM Nguyễn Hồng Lâm cho biết nội dung huấn luyện mỗi năm đều là sản phẩm mới, không rập khuôn từ năm này qua năm khác. Cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình huấn luyện cũng được đầu tư chu đáo.
Mỗi chương trình có 4 - 5 nội dung tương tác trực tuyến tạo không gian trao đổi giữa phụ huynh, học viên và đội ngũ huấn luyện, chuyên gia tâm lý. Cùng với đó là chuyên đề về lòng hiếu thảo, biết ơn, rèn luyện ý thức tự giác giúp đỡ gia đình bắt đầu từ những việc nhỏ, tập cho các học viên thói quen biết nói lời cảm ơn, xin lỗi.
Ngoài trang bị những kỹ năng cần thiết còn có talkshow "Điều em muốn nói" cũng được trực tuyến tương tác với phụ huynh. Ở đó, các bạn tâm sự, giãi bày suy nghĩ về gia đình, nhà trường, bạn bè, tâm sinh lý lứa tuổi có sự tham gia của các thầy cô tư vấn tâm lý để cùng chia sẻ, định hướng giải pháp xử lý tình huống cho các bạn nhỏ. Đồng thời phụ huynh cùng tham gia để giải thích, chia sẻ, động viên con.
Ngôi trường đặc biệt

Các bạn nhỏ được trang bị kỹ năng phòng cháy chữa cháy tại học kỳ trong quân đội -Ảnh: K.A.
Thượng tá Phạm Ngọc Hưng, phó chính ủy Trung tâm huấn luyện Vùng 2 hải quân, chia sẻ khi phối hợp tổ chức chương trình đã không xem đây là sân chơi trải nghiệm mà là ngôi trường đặc biệt. Nơi đây góp phần ươm mầm nhân cách, giáo dục lòng yêu nước, rèn luyện bản lĩnh và hun đúc khát vọng cống hiến của các bạn.
"Chúng tôi quan tâm từ nơi ăn chốn ngủ đến tiêu chuẩn ăn uống, sinh hoạt phải thật sự phù hợp với độ tuổi các cháu. Trước tiên chính là tính kỷ luật, chia sẻ, tinh thần đồng đội để qua chương trình, các cháu dành tình cảm cho quê hương, đất nước", ông Hưng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận