
Diễn tập xử lý tình huống khi hai nhóm giang hồ truy sát nhau mà Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã từng làm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo bạn đọc Khai Phong: "Có thể thông cảm cho nỗi lo lắng căng thẳng khi người nhà bị bệnh, nhất là trường hợp nhập viện cấp cứu, nhưng tuyệt đối không chấp nhận những người không có chuyên môn có những hành vi, lời nói làm ảnh hưởng đến nhân viên y tế, bởi mỗi giây phút cứu chữa là thời gian vàng quý giá đối với chính bệnh nhân.
Nhân viên y tế không chỉ cấp cứu cho mỗi một bệnh nhân mà có khi nhiều bệnh nhân cùng lúc. Hãy nghĩ về điều này mà hành xử cho có ý thức và văn hóa".
Bạn đọc Khai Phong cũng đề nghị ở khu vực cấp cứu nên có quy định ngay khi tiếp nhận bệnh nhân thì người nhà bệnh nhân không được vào khu vực y bác sĩ làm việc chuyên môn.
Bạn đọc Nguyễn Kim Hà viết: "Cần thiết có bảo vệ trực ngay cửa phòng cấp cứu". Trong khi đó bạn đọc Nguyễn Minh Phương có ý kiến: "Việc hành hung nhân viên y tế là hoàn toàn sai, nhưng phải chấn chỉnh thái độ của nhân viên y tế trong việc chăm sóc bệnh nhân.
Tôi thấy nhiều nhân viên y tế rất dễ thương, nhưng cũng có một số người khi giao tiếp với bệnh nhân và người nhà còn lạnh lùng và thiếu thân thiện".
"Đối với hành vi tấn công, bạo hành nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ cần nghiêm trị thích đáng. Để những trường hợp đáng tiếc này không tái diễn, thiết nghĩ cần giám sát, nâng cao khả năng giao tiếp đối với bệnh nhân của một bộ phận nhân viên y tế.
Thực tế là không hiếm điều dưỡng, bác sĩ có thái độ hành xử thiếu chuẩn mực đối với bệnh nhân" - bạn đọc Anh Vũ bày tỏ.
Cùng quan điểm, bạn đọc Quang Long chia sẻ: "Cần mạnh tay xử lý các trường hợp hành hung nhân viên y tế để răn đe. Bên cạnh đó lực lượng y bác sĩ cũng phải hết sức nhiệt tình có thể để cấp cứu bệnh nhân vì tính mạng con người là trên hết".
Nhiều bạn đọc góp ý cần có thêm nhiều cách ngăn ngừa, răn đe các hành vi bạo lực ở các cơ sở y tế. Chẳng hạn như: camera giám sát, thêm bảo vệ và nhân viên hướng dẫn cũng như giải thích tình huống với bệnh nhân và người thân của họ. Không để y bác sĩ "đơn độc" khi phát sinh tình huống căng thẳng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận