![]() |
Ông Tà Hai - Huỳnh Trí (bìa phải) tham gia cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ tại huyện Kirivong (Takeo, Campuchia) - Ảnh tư liệu |
Ông trình bày: “Từng tham gia 132 trận đánh, tui tự thấy mình là người may mắn nhất trên chiến trường. Trận công đồn Chray Thum (tỉnh Ta Keo, Campuchia) năm 1972, trong 10 phút tui bị thương ba lần, trên đường chuyển thương lại bị trúng đạn tiếp... Mình may mắn nguyên vẹn trở về với gia đình, còn nhiều anh em gửi thân nơi xứ lạ, lạnh lắm, cô đơn lắm”.
“Tà Hai”
Nghe ông nói vậy, mọi người không khỏi ngậm ngùi nhưng cũng ái ngại. Việc cất bốc hài cốt liệt sĩ, nhất là ở địa bàn rừng núi, không hề đơn giản trong khi ông là một cán bộ lãnh đạo cốt cán, còn cả 10 năm nữa mới tới tuổi hưu, bao trọng trách đang chờ phía trước...
Linh hồn của đội K93 “Mười năm qua, tại địa bàn trong nước và trên đất Campuchia, đội K93 đã phát hiện, quy tập được 1.904 hài cốt liệt sĩ, trong đó 284 trường hợp xác định được tên liệt sĩ. Là linh hồn của đội, anh Hai Trí luôn đi tiên phong, góp một phần rất lớn vào kết quả đó. Công sức của anh đã được ghi nhận bằng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2007” - đại tá Phạm Quang Trung, đội trưởng K93, nói. |
Nhưng ông Hai Trí đã quyết. Ông tìm đến các cựu chiến binh và người dân địa phương nơi nghi ngờ có mộ liệt sĩ để hỏi thăm tin tức thời gian, địa điểm liệt sĩ hi sinh. Gần 70 địa điểm được ông Hai Trí lên kế hoạch tìm kiếm. Có mộ ở quanh Ô Tà Sóc (huyện Tri Tôn, căn cứ Tỉnh ủy An Giang trước 1975), có mộ nằm ven tuyến biên giới Tây Nam, từ Ba Ông Đá (thị xã Châu Đốc) ngược lên Đồng Đức, có người chỉ ở Vạt Lài (huyện An Phú), Giồng Cà Dên (huyện Tân Châu)...
Những ngày nghỉ cuối tuần, khi thì ông Hai Trí đi một mình, khi rủ thêm sĩ quan trẻ như đại úy Nguyễn Tiến Sĩ, trợ lý chính sách và thiếu úy Hoàng Tâm Tạo, lái xe của Tỉnh đội An Giang mang theo leng, cuốc đến các địa điểm đã xác định, xắn tay áo lên tỉ mẩn đào tìm.
Nhiều bận, chỉ trong 2-3 ngày ba người thu nhặt được cả chục bộ hài cốt liệt sĩ. Bộ nào có di vật xác định được tên họ, địa chỉ cụ thể thì thông báo cho thân nhân đến nhận, không xác định thì chuyển nghĩa trang liệt sĩ an táng.
Biết được việc làm của ông Hai Trí, ngày càng có nhiều người tìm đến cung cấp thông tin mộ liệt sĩ. Điều làm ông băn khoăn là có quá nhiều mộ nằm sâu trên đất Campuchia, thuộc các tỉnh Kan Dal, Takeo, Kampot, Kampong Speu, Koh Kong... Ở khu vực ven biên giới thì ông Hai Trí có thể nhờ các mối quan hệ cá nhân để qua tìm kiếm rồi về trong ngày, nhưng muốn đi xa hơn, dài ngày hơn thì thủ tục rất phức tạp, đòi hỏi phải có chương trình, kế hoạch hợp tác giữa hai tỉnh giáp biên giới và cao hơn là chính phủ hai nước.
Ông Hai Trí trực tiếp viết thư gửi thượng tướng Phạm Thanh Ngân, khi ấy là chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN, báo cáo tình hình và đề xuất những giải pháp quy tập hài cốt liệt sĩ hi sinh trên đất bạn. Thật bất ngờ vài tháng sau, ngày 28-8-2000, hiệp nghị của chính phủ hai nước VN - Campuchia về việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện VN trên đất Campuchia ra đời, mở ra một quá trình quy tập quy mô trên diện rộng.
Ông Hai Trí trở thành cố vấn đặc biệt của đội K93 (đội tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện VN hi sinh qua các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia, trực thuộc Quân khu 9). Năm nào ông cũng có hơn bảy tháng sống trên đất bạn, cùng các thành viên đội K93 làm công việc tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ. Dấu chân ông đã đi qua 1.960 phum sóc của 157 xã, phường thuộc bốn tỉnh: Takeo, Kampong Speu, Kampot và Koh Kong.
Từ đó, ông có một biệt danh mới. Theo tín ngưỡng của người Khmer, “Neak Ta” (ông tà) là vị thần cai quản phum sóc, luôn mang lại phúc lành và sự thịnh vượng cho dân làng. Ông Hai Trí trở thành Tà Hai trong lòng người dân Campuchia.
Hai lần xua tay tử thần
Ông Hoàng Tâm Tạo, cán bộ đội K93 - người đã gắn bó với ông Hai Trí từ những ngày đầu đi tìm đồng đội, kể: khi đến xã An Cư, huyện Tịnh Biên, ông Trí được Lâm Kinh, một người dân địa phương, kéo tay ra bờ ruộng chỉ chỗ chôn cất liệt sĩ thời chống Mỹ. Ông Kinh quả quyết hồi năm 1972, trên đường đi học về ông thấy lính giặc đóng đồn gần đó chôn một “Việt cộng”. Đào xuống gặp hài cốt, Tà Hai mừng rơn.
Nhưng khi vừa bốc được tấm bạt cao su tẩm liệm, ông giật thót tim khi thấy một trái mìn zíp cỡ nắm tay được đối phương mắc ngang khóa dây thắt lưng người chết, vỏ mìn bằng nhựa nên máy dò kim loại không phát hiện. Nhẹ tay nâng quả mìn lên, Tà Hai toát mồ hôi khi thấy mìn đã mở nhíp, chỉ cần chạm nhẹ là nổ tung. Nhưng rất may, do chôn lâu ngày đất cát đã trám đầy khe hở cần nhíp.
Lần thứ hai, vào một buổi trưa khi ông Hai Trí cùng các thành viên đội K93 đang đào tìm ở núi An Chao, huyện Kirivong (tỉnh Takeo, Campuchia). Đã đào tìm nhiều ngày, người dân kéo đến rất đông cùng lực lượng đào tìm hồi hộp theo dõi kết quả sau mấy ngày làm việc cật lực. Khi nhát leng chạm đến lớp đất xám đen dưới lòng huyệt mộ thì mọi người thấy rơi ra một đầu đạn M79. Công việc lập tức được dừng lại và lần này ông Hai Trí lại tình nguyện làm chuyên gia phá bom mìn.
Ông bảo mọi người nhanh chóng tản ra, rồi đào sẵn một hố sâu chừng 1,5m ở khu đất trống phía tây, cách huyệt mộ chừng 200m. Một mình ông bò vô, dùng hai tay bợ nhẹ đầu đạn mang ra bỏ vào hố. Căng thẳng quá, bước vài bước ống quần Tà Hai mắc vào hàng rào, ông chới với suýt đánh rơi quả đạn xuống đất. “Nếu lần đó mà sẩy tay, cầm chắc tui đã đi theo mấy anh liệt sĩ về nghĩa trang tỉnh An Giang luôn rồi” - ông Hai Trí cười khà khà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận