
Dona luôn đi theo anh Tý ở phần đường bên phải và biết tránh xe khi qua đường - Ảnh: THANH HUYỀN
Ngày 1-7, anh Nguyễn Viết Vinh (41 tuổi, tên thường gọi là Tý, quê Đồng Nai) đã đi từ xã Đất Mũi về lại trung tâm hành chính Cà Mau rồi đi dọc ra miền Bắc.
Anh đang cùng chú ngỗng trên đoạn đường quốc lộ 1 xuyên qua cánh rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Hai người bạn trên những cung đường
"Thấy họ rất mến nhau như hai người bạn, hai cha con vậy. Anh uống nước rồi rót cho chú ngỗng một ít, cảm động lắm" - chị Nguyễn Thị Dung ở phường Bạc Liêu chia sẻ sau một lần bất ngờ gặp đôi bạn trên quốc lộ.
Chú ngỗng tên Dona ấy không chỉ đi cùng, mà còn chạy thoăn thoắt, né xe, tắm sông, "rỉa mặt nịnh chủ" khiến không ít người phải dừng xe lại chụp hình, quay clip đăng trên mạng xã hội. "Nó đi nhanh lắm, em đi không lại", một người đi bộ theo thử một đoạn cũng phải thốt lên.

Đôi bạn thân đi trên đoạn đường quốc lộ 1 qua Vườn quốc gia Mũi Cà Mau - Ảnh: THANH HUYỀN
Anh Tý với ba lô, chiếc xe điện không chạy được, nay chỉ dùng để chất đồ, cùng "người bạn" Dona lặng lẽ đi qua biết bao cung đường.
Hơn một năm rưỡi, đôi chân ấy đi qua gần như toàn bộ các tỉnh thành, không một nơi cố định, không nhà cửa, không lịch trình rõ ràng, chỉ có lòng kiên định và một người bạn đồng hành mang tên Dona - chú ngỗng từng nở từ một quả trứng anh mua định ăn nhưng để quên.
"Khi nó mới nở yếu lắm, mình lấy gạo đút cho ăn, bây giờ thì ăn cỏ, mì, mình ăn gì thì cho nó ăn đó. Nó khôn, đi đâu cũng biết né xe, khi mình nằm nghỉ, nó lại nằm dưới võng. Hồi sáng thấy nước nó quẹo xuống tắm, mình rầy nó, vậy là một hồi nó lại rỉa mặt mình như cưng nựng", anh Tý kể.

Chị Nguyễn Thị Dung, ở phường Bạc Liêu cho Dona uống nước khi anh Tý dừng chân nghỉ mệt - Ảnh: THANH HUYỀN
Mình có dép, ngỗng không có giày thì… mình may
"Lúc trước mình đi một mình thì mỗi ngày đi khoảng 40km, giờ có Dona thì đi chậm lại để cho nó nghỉ, ăn cỏ, uống nước. Ngày đi chừng 20-25km thôi", anh Tý nói, tay vỗ nhẹ vào chiếc xe có móc thêm bình nước và một ít lúa - phòng khi ngỗng đói giữa đoạn đường vắng.

Chú ngỗng rất thông minh, có thể nhìn xe trước khi qua đường - Ảnh: THANH HUYỀN

"Đôi bạn" cứ đi mãi về phía trước không quan tâm điểm đến là đâu - Ảnh: THANH HUYỀN
Sợ Dona đi nhiều bị đau chân nên anh Tý tự may cho nó đôi giày bằng vải mềm. Có lần sơ ý, giày hơi chật làm chân Dona chảy máu, anh vội cho nó lên xe đẩy suốt đoạn dài để hồi phục. "Nó là bạn mình mà. Mình thương nó như người thân", anh tâm tình.
Trên hành trình, không hiếm người ngỏ ý mua lại Dona từ vài triệu đến cả ngàn đô. Có lần tận mắt anh Mạnh (một người đi đường) chứng kiến có người trả 1.000 đô nhưng anh Tý chỉ lắc đầu: "Nó đi với tôi cho có bạn, không bán đâu, sống với nhau đến khi nào không còn thì thôi".

Anh Tý may cho Dona đôi giày để đỡ đau chân khi đi ngoài lộ - Ảnh: THANH HUYỀN
Bữa ăn của anh Tý có thể chỉ là gói mì nấu với rau dại hái ven đường, nhặt những nhánh cây khô để nấu nước, có khi bắt được ít ốc, ít sò là mừng. Cũng có khi người dân cho thức ăn. Trên đường đi, gặp chai nhựa thì anh nhặt gom bán mua lúa cho Dona ăn.
Giữa bao nhiêu lo toan vội vã của đời sống, hình ảnh một người đàn ông bụi bặm, tay dắt chiếc xe điện đã hư, lẽo đẽo bên cạnh là chú ngỗng trắng đi sát mép đường, khiến người ta như chững lại, ngắm nghía, thích thú...

Anh Tý nhóm lửa nấu nước luộc vài con ốc bắt được cùng nắm rau dại ven đường để đỡ đói bụng - Ảnh: THANH HUYỀN

Đọt nhãn lồng được anh hái ven đường làm bữa chính - Ảnh: THANH HUYỀN

Vài con ốc móng tay được nấu trong lon nhỏ - Ảnh: THANH HUYỀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận