24/05/2025 07:34 GMT+7

Nguy cơ tái phát đột quỵ do rung nhĩ ở mức đáng báo động, làm gì để phòng tránh?

Rung nhĩ, một rối loạn nhịp tim phổ biến được biết đến là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Một nghiên cứu quy mô lớn mới đây được công bố trên tạp chí y khoa uy tín cảnh báo nguy cơ tái phát đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ đáng báo động.

đột quỵ - Ảnh 1.

Bác sĩ Mai Duy Tôn thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: BVCC

Cảnh báo nguy cơ tái phát đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa uy tín JAMA Neurology (Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) đã phân tích tổng hợp từ 23 nghiên cứu với sự tham gia của hơn 78.000 bệnh nhân cho thấy nguy cơ tái phát đột quỵ thiếu máu cục bộ hằng năm ở bệnh nhân rung nhĩ sau đột quỵ lần đầu là 3,75%.

Đáng chú ý, ở những bệnh nhân đã sử dụng thuốc chống đông (OAC) theo phác đồ nhưng không may vẫn trải qua một cơn đột quỵ, con số này tăng vọt lên 7,2% mỗi năm.

Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả trong bối cảnh y học hiện đại với tỉ lệ bệnh nhân được tiếp cận thuốc chống đông dự phòng, cứ 6 bệnh nhân rung nhĩ từng đột quỵ có thể có 1 người tái phát trong vòng 5 năm, đây là tỉ lệ đáng báo động.

Bên cạnh đó, nguy cơ xuất huyết nội sọ cũng là một rủi ro tiềm ẩn, với tỉ lệ chung là 0,58%/năm, và tăng lên 1,4%/năm ở nhóm đã dùng thuốc chống đông mà vẫn tái phát đột quỵ.

Làm gì để chống đột quỵ tái phát?

Những phát hiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chúng cho thấy cuộc chiến chống lại đột quỵ tái phát ở người bệnh rung nhĩ vẫn còn nhiều gian nan. Dù đã có những tiến bộ vượt bậc trong điều trị dự phòng, nguy cơ tiềm ẩn vẫn hiện hữu, đòi hỏi sự cảnh giác cao độ từ cả giới y khoa và cộng đồng.

Thực tế này đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc tìm hiểu sâu hơn về cơ chế bệnh sinh của đột quỵ tái phát, ngay cả khi đã dùng thuốc.

Đồng thời cần cá thể hóa hơn nữa trong việc phân tầng nguy cơ cho từng bệnh nhân, và quan trọng nhất là phát triển các phương pháp điều trị mới, hiệu quả hơn sau cơn đột quỵ đầu tiên liên quan đến rung nhĩ.

PGS.TS Mai Duy Tôn - giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai - khuyến cáo người bệnh từng bị đột quỵ do rung nhĩ cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị.

"Việc sử dụng thuốc chống đông theo đúng chỉ định của bác sĩ là yếu tố sống còn. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc, thay đổi liều lượng hay dùng theo đơn thuốc của người khác", bác sĩ Tôn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng khuyến cáo người bệnh cần tái khám định kỳ. Việc tái khám là cơ hội để bác sĩ theo dõi sát tình trạng sức khỏe, đánh giá lại nguy cơ, hiệu quả của thuốc và kịp thời điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần thiết.

Ngoài ra cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ đồng mắc như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân - béo phì là những 'đồng phạm' làm tăng nguy cơ đột quỵ. Việc kiểm soát tốt các bệnh lý này sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể rủi ro.

"Đặc biệt, hãy nói không với thuốc lá, hạn chế tối đa rượu bia. Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, giàu rau xanh, trái cây và tăng cường vận động thể lực phù hợp với tình trạng sức khỏe. Đây là nền tảng vững chắc cho một trái tim và bộ não khỏe mạnh", bác sĩ Tôn cho hay.

Dấu hiệu đột quỵ cần chú ý

Bác sĩ Tôn cũng khuyến cáo người bệnh và người thân cần ghi nhớ dấu hiệu đột quỵ (F.A.S.T) bao gồm: méo mặt (Face); yếu tay chân (Arm); rối loạn ngôn ngữ (Speech). Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào, cần hành động ngay (Time) - gọi cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất trong thời gian vàng.

"Nếu trong gia đình có người mắc bệnh rung nhĩ, đặc biệt từng đột quỵ, người thân cần quan tâm, nhắc nhở về việc tuân thủ điều trị và tái khám của người bệnh.

Đột quỵ tái phát là một gánh nặng lớn, nhưng hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ nếu có kiến thức đúng và hành động kịp thời", bác sĩ Tôn nói.

Nguy cơ tái phát đột quỵ do rung nhĩ ở mức đáng báo động, làm gì để phòng tránh? - Ảnh 2.Triệu chứng phổ biến báo hiệu đột quỵ nhưng dễ bị bỏ qua

Một nghiên cứu mới cho thấy ảnh hưởng của cơn đột quỵ nhẹ có thể kéo dài lâu hơn nhiều so với những gì mọi người thường nghĩ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên