21/05/2025 12:26 GMT+7

Nhận thân dưỡng già: Hiện tượng mới trong xã hội Trung Quốc

Hiện tượng "nhận thân dưỡng già" lan rộng trên mạng xã hội Trung Quốc khi người trẻ tìm cha mẹ nuôi còn người già tìm con nuôi, phản ánh nhu cầu tình cảm trong một xã hội đang già hóa nhanh chóng.

dưỡng già - Ảnh 1.

Hiện tượng nhận thân không kiểm soát tại Trung Quốc kéo theo nhiều vụ tranh chấp do thiếu ràng buộc pháp lý rõ ràng - Ảnh: THE PAPER

Thời gian gần đây, các mạng xã hội Trung Quốc như Weibo, Douyin hay RedNote chứng kiến sự lan rộng của một hiện tượng đặc biệt: hàng loạt người trẻ đăng bài tìm kiếm cha mẹ nuôi trong khi không ít người lớn tuổi chủ động "tuyển" con không cùng huyết thống.

Những lời kêu gọi như "9X muốn nhận mẹ nuôi, có thể cùng trò chuyện, đi dạo và phụng dưỡng tuổi già", hay "58 tuổi, độc thân, có nhà và lương hưu, muốn tìm con gái nuôi" xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội nước này.

Khát khao kết nối tình cảm

Theo báo cáo trên trang Sina ngày 15-5, "nhận thân" phát sinh từ sự mất cân bằng cung - cầu cảm xúc trong bối cảnh dân số Trung Quốc già hóa nhanh chóng. Người già độc thân, không con cái hoặc thuộc nhóm "gấp đôi thu nhập, không con cái" (DINK) đang đối mặt với tình trạng bị cô lập kéo dài.

Trong khi đó nhiều người trẻ ở đô thị chịu áp lực vật chất và tinh thần lại khao khát một chỗ dựa cảm xúc. Cả hai nhóm tìm đến nhau trong mối quan hệ mô phỏng huyết thống, thường dưới dạng hợp đồng ngầm, nơi cảm xúc và lợi ích đan xen.

Một bạn trẻ tên là Trần Lâm (27 tuổi) ở Bắc Kinh sau khi đăng bài tìm cha mẹ nuôi trên mạng đã kết nối được với một số người lớn tuổi, từ đó hình thành những mối quan hệ hỗ trợ và đồng hành. Một cựu giáo viên họ Vương sống một mình ở Đại Liên thậm chí đã cho thuê phòng với giá thấp để đổi lấy sự hiện diện của người trẻ, giảm bớt cảm giác cô quạnh.

Báo cáo của Sina nhận định trong xã hội bị phân rã bởi đô thị hóa và sự thu hẹp của gia đình truyền thống, các quan hệ mô phỏng người thân có thể tạo nên kết nối cảm xúc mới. Tuy nhiên hiện tượng này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Vùng xám pháp lý

Sina dẫn báo cáo của Tòa án quận Tùng Giang (Thượng Hải) cho biết từng có trường hợp một nam streamer lợi dụng danh nghĩa nhận mẹ nuôi để lừa hơn 500.000 nhân dân tệ (gần 1,8 tỉ đồng). Theo một văn phòng luật tại Bắc Kinh, số vụ tranh chấp liên quan "nhận thân" gia tăng mỗi năm, chủ yếu xoay quanh việc tặng cho tài sản, nhà đất, hoặc vay mượn tiền không hợp đồng.

Báo cáo ngày 16-5 của Nam Phương Đô Thị chỉ rõ đây là quan hệ hỗn hợp, vừa là tình cảm vừa là giao dịch kinh tế. Tuy nhiên theo Luật nhận nuôi năm 1991 của Trung Quốc, các mối quan hệ cha mẹ - con cái không đích danh không được pháp luật công nhận là quan hệ nuôi con hợp pháp, cũng không thỏa mãn điều kiện để xác lập quan hệ lao động theo Luật lao động. Điều này tạo ra vùng xám pháp lý khiến cả hai bên dễ trở thành nạn nhân khi tranh chấp xảy ra.

Không chỉ là vấn đề tài sản, các hệ lụy tâm lý - đạo đức cũng được báo Sina và Nam Phương Đô Thị chỉ ra. Nhiều người trẻ cho biết họ rơi vào trạng thái "lao động cảm xúc bán thời gian", phải duy trì quan hệ 8 tiếng mỗi tuần để nhận được hỗ trợ tài chính hoặc chỗ ở. 

Ngược lại, một số người già phàn nàn con nuôi đòi hỏi vật chất hoặc cắt đứt liên lạc khi đạt được mục đích. Điều này cho thấy ranh giới mong manh giữa chăm sóc và lợi dụng tình cảm trong các quan hệ không ràng buộc.

Hiện tượng "nhận thân dưỡng già" cũng phản ánh sự suy yếu của thiết chế gia đình truyền thống và hạn chế của hệ thống an sinh xã hội. Bộ Dân chính Trung Quốc thống kê tỉ lệ người già "không có con cái chăm sóc" tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu đã vượt 70%. Trong khi đó, viện dưỡng lão bị phê phán là thiếu cá nhân hóa, nhân lực chăm sóc chuyên biệt còn hạn chế.

Bối cảnh này khiến nhiều người cao tuổi chủ động tìm đến mô hình sống chung với người trẻ như một cách thoát khỏi sự cô đơn và nỗi bất an về tuổi già. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc khuyến khích mô hình "nhận thân" cần được đặt trong khuôn khổ pháp lý và đạo đức rõ ràng.

Nam Phương Đô Thị đề xuất áp dụng các mô hình đã có tổ chức như nhà ở cộng đồng liên thế hệ của Bỉ, hay mô hình ngân hàng thời gian tại Trung Quốc - nơi người trẻ tích lũy giờ công hỗ trợ cộng đồng để đổi lấy dịch vụ chăm sóc khi về già. 

Mô hình này đã được một số địa phương Trung Quốc triển khai, vừa đảm bảo quyền lợi đôi bên, vừa hỗ trợ hệ thống an sinh bền vững nhờ cơ chế giám sát xã hội.

Thực trạng già hóa dân số ở Trung Quốc

Theo cổng thông tin tỉnh Hồ Nam, tính đến cuối năm 2024, Trung Quốc có 310 triệu người từ 60 tuổi trở lên (chiếm 22% dân số), trong đó 220 triệu người trên 65 tuổi (15,6%). Đáng chú ý, hơn một nửa số người cao tuổi sống đơn thân.

Đây là một thách thức lớn khi hệ thống chăm sóc người già truyền thống dựa vào gia đình đang dần không đáp ứng được nhu cầu thực tế, thúc đẩy sự xuất hiện của các mô hình kết nối xã hội mới như "nhận thân dưỡng già".

Nhận thân dưỡng già: hiện tượng mới trong xã hội Trung Quốc - Ảnh 2.'Viện dưỡng lão cho người trẻ' nở rộ ở Trung Quốc

Sau nhiều năm bị cuốn vào guồng quay công việc tại các thành phố lớn, nhiều người trẻ Trung Quốc chọn về quê “nghỉ hưu sớm" để tìm lại sự cân bằng và ý nghĩa cuộc sống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên