Nhiều video ‘Iran di dời cơ sở hạt nhân trước khi Mỹ tấn công’ là giả

Nhiều video đang được lan truyền trên mạng xã hội cho rằng Iran đã di dời các cơ sở hạt nhân trước khi bị Mỹ không kích hôm 22-6. Tuy nhiên theo xác minh của Hãng tin AFP, các video này là giả, được tạo bằng trí tuệ nhân tạo (AI).

Đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy kho vũ khí hạt nhân ngầm của Iran đã được di dời trước khi Mỹ tấn công - Nguồn: Facebook

Cộng đồng mạng Facebook ở Ethiopia đang lan truyền nhiều video được cho là ghi lại cảnh Iran di dời cơ sở hạt nhân trước cuộc không kích của Mỹ vừa qua.

Ngày 23-6, một người dùng Facebook chia sẻ đoạn video 8 giây kèm dòng chữ bằng tiếng Amharic: “Vũ khí hạt nhân mà Mỹ tuyên bố đã phá hủy thực chất được tìm thấy ở một cơ sở ngầm khác. Iran khẳng định mọi thứ vẫn an toàn”.

Video cho thấy có hàng chục đầu đạn hạt nhân mang cờ Iran xuất hiện trong một cơ sở ngầm.

Một video khác được chia sẻ rầm rộ cho rằng Iran đã kịp thời chuyển các cơ sở làm giàu uranium đi nơi khác chỉ 24 giờ trước khi Mỹ không kích.

Một đoạn video khác cho thấy cảnh người dân chứng kiến cảnh vận chuyển vật liệu hạt nhân ở Iran - Nguồn: Facebook

Trong đoạn clip này, một xe tải chở những thùng lớn di chuyển trên đường với nhiều người đứng hai bên theo dõi. Thậm chí đoạn video còn có một giọng nam nói bằng tiếng Ả Rập: “Iran Hồi giáo có thể tiêu diệt Israel chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày”.

Tuy nhiên qua kiểm chứng thông tin, Hãng tin AFP phát hiện các video này là giả, đặc biệt là có nhiều lỗi điển hình của công cụ AI.

Ở video đầu tiên, AFP chỉ ra các chi tiết của tên lửa đều bị lỗi: có cái không đầu, cái không đuôi, một số thậm chí còn lơ lửng bất thường. Ngoài ra, kết cấu tường bê tông còn thay đổi khi camera di chuyển.

Còn ở trong video thứ hai, chuyển động của bánh xe không nhất quán khi có lúc bánh xe có vẻ đang đứng yên trong khi xe tải vẫn tiếp tục di chuyển.

Chuyển động tay của những người đứng xem bên lề đường cũng trông có vẻ cứng nhắc và không thực tế một cách bất thường.

Qua sử dụng công cụ truy vết hình ảnh InVID-WeVerify, AFP xác định đoạn video đầu tiên thực chất đã được đăng lên YouTube trước đó vào ngày 19-6, với dòng logo “Veo” - công cụ video AI của Google.

Nhiều video ‘Iran di dời cơ sở hạt nhân trước khi Mỹ tấn công’ là giả - Ảnh 1.

Logo "Veo" được phát hiện ở video gốc trên YouTube - Ảnh: AFP

Video thứ hai được phát hiện bắt nguồn từ trang Facebook Ayoub Ennachat vào ngày 4-6 với logo “InVideo AI”, tức cũng là sản phẩm của AI.

Trong các bài đăng được chia sẻ gần đây, những dòng chữ logo này đã được cố ý che đi bằng cờ Iran nhằm lan truyền thông tin sai lệch.

cơ sở hạt nhân - Ảnh 2.

Bài đăng gốc trên Facebook được đính kèm dòng chữ "Invideo AI" - Ảnh: AFP

Cuộc tấn công của Mỹ nhắm vào ba cơ sở hạt nhân Iran ngày 22-6 đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận suốt những ngày qua.

Nhiều người đặt câu hỏi liệu Iran có kịp di dời các cơ sở hạt nhân này hay không, khiến các video giả mạo như thế này xuất hiện và được lan truyền rộng rãi.

Các chuyên gia khuyến cáo người dùng mạng xã hội cẩn trọng với các thông tin trên mạng vì nguy cơ đó là thông tin giả do AI tạo ra, trong bối cảnh những mâu thuẫn ở Trung Đông luôn có nguy cơ bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Nhiều video ‘Iran di dời cơ sở hạt nhân trước khi Mỹ tấn công’ là giả - Ảnh 4.Video ‘tàu chở dầu Iran bị tấn công hôm 22-6’ là bịa đặt

Một video được lan truyền trên mạng xã hội, được cho là quay lại cảnh một tàu chở dầu Iran bị không kích hôm 22-6. Tuy nhiên qua xác minh, đây chỉ là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo AI, không phải sự kiện có thật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên