Nhìn từ Hội nghị Biển Đông lần thứ 15

DANH ĐỨC 20/07/2025 11:13 GMT+7

TTCT - Hội nghị Biển Đông lần thứ 15 (hội nghị), do CSIS và AMTI tổ chức hôm 17-6, một lần nữa phân tích sự an nguy của vùng biển này trong bối cảnh Nhà Trắng đang thay đổi chưa từng thấy, và Bắc Kinh cũng có vẻ như đang "ngọa hổ tàng long".

a - Ảnh 1.

Các công trình quy mô mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập. Ảnh: scmp.com

Trong loạt bài tường thuật hội nghị trên trang web Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia (INSS) của Israel, nhà nghiên cứu John Cruise nêu lại câu hỏi cũ: Biển Đông có đang tiến tới giai đoạn bất ổn chiến lược mới, hay tình hình hiện tại phản ánh sự tiếp diễn những căng thẳng kéo dài trong những điều kiện đang thay đổi?

Hiện tình

Một số diễn giả đánh giá tình hình Biển Đông vẫn phức tạp nhưng nói chung là ổn định, được đánh dấu bằng sự thay đổi các trọng tâm và hình thức gây sức ép đang phát triển. 

Trung Quốc đã chuyển hướng phần lớn hoạt động hàng hải quyết đoán từ bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), hiện tương đối yên tĩnh do có thỏa thuận giảm leo thang với Philippines, sang bãi Scarborough, nơi các cuộc tuần tra của hải cảnh Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong năm 2025: trung bình mỗi tháng tàu Trung Quốc tuần tra 95 ngày, tức 3 tàu hải cảnh mỗi ngày. Có thể mở ngoặc đơn: với tần suất này, va chạm với Philippines gần như khó tránh!

Các vụ đụng chạm qua lại giữa Trung Quốc và Philippines hiện diễn ra cách Scarborough tới 70 hải lý về phía đông, vì tàu Philippines gặp lực lượng Trung Quốc từ tận gần Luzon. Những vụ việc này đa số là trong tầm gần, gồm lần đầu tiên diễn ra sự cố không đối không với máy bay của Philippines được báo cáo công khai.

Ở thời điểm 5 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, tất nhiên cũng có những tò mò về chính sách của Hoa Kỳ. 

Theo Cruise, chính sách của Hoa Kỳ dưới thời cả chính quyền Biden và Trump cho thấy sự liên tục trong việc củng cố cam kết an ninh với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là thông qua việc nhiều lần khẳng định lại Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) với Philippines.

Các cuộc tập trận quân sự chung vẫn diễn ra thường xuyên, với sự tham gia liên tục của các đồng minh khu vực khác như Nhật Bản và Úc. 

Tuy nhiên, trước kia đối thoại ngoại giao với Trung Quốc là đặc điểm nổi bật của chính quyền Biden thì đến nay chính quyền Trump đã giảm ưu tiên cho hoạt động ngoại giao ở Biển Đông để chuyển sang các vấn đề thương mại. Các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) cũng chậm lại, không có hoạt động nào được tiến hành trong năm 2025 cho đến nay.

Trong bối cảnh đó, các hoạt động của Trung Quốc để lại hậu quả ngày càng lớn trong chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh. Các hoạt động này nhằm làm suy yếu luật pháp quốc tế, bằng cách đề quyết rằng Hoa Kỳ và Philippines là những tác nhân gây bất ổn, đồng thời nhấn mạnh sự phụ thuộc kinh tế của Đông Nam Á vào Trung Quốc.

Malaysia, một nước Đông Nam Á khác có tuyên xưng chủ quyền ở Biển Đông, trong khi tránh đối đầu công khai với Trung Quốc, đã liên tục nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự, bao gồm các căn cứ mới ở Sarawak và Sabah, đồng thời tham gia hợp tác quốc phòng khu vực và quốc tế. 

Công ty dầu khí quốc gia Petronas đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách biển của Malaysia, xét đến các lợi ích chiến lược và kinh tế của nước này trong các vùng năng lượng ngoài khơi.

Theo Cruise, so với Malaysia hay Việt Nam thì Trung Quốc coi căng thẳng với Philippines là tương tác "ủy nhiệm" nhắm vào Hoa Kỳ, nên họ phải tỏ ra quyết đoán hơn. Tác giả ghi nhận các ý kiến trao đổi đã đồng thuận rằng Biển Đông vẫn sẽ là nơi tranh chấp, nhưng trong tương lai gần cơ bản sẽ ổn định. 

Trung Quốc sẽ tiếp tục khẳng định quyền kiểm soát qua sự hiện diện và áp lực thay vì leo thang, trong khi các bên khác ở Đông Nam Á ngày càng có khả năng tự bảo vệ lợi ích của mình tốt hơn. Dự kiến tương lai sẽ là một nguyên trạng mong manh được định hình, và khó có giải pháp dứt dạt trong tương lai gần.

Đấu tranh pháp lý

Một nội dung khác của hội nghị là đấu tranh pháp lý. Gần đây nhất, vào tháng 11-2024, Philippines đã thực hiện một bước đi pháp lý quan trọng khi thông qua Đạo luật các vùng biển và Đạo luật các tuyến đường biển (xuyên) quần đảo (Philippines), đồng thời đưa phán quyết trọng tài năm 2016 vào luật quốc gia và xác định rõ các quyền hàng hải của họ theo UNCLOS. 

Để đáp trả, Trung Quốc công bố các đường cơ sở mới xung quanh bãi cạn Scarborough, bao quanh toàn bộ đầm phá và chính thức gọi đây là vùng biển nội địa của Trung Quốc.

Trong khi đó, Philippines đã đệ trình các khiếu nại về thềm lục địa mở rộng mới, đồng thời thúc đẩy các cuộc trao đổi ngoại giao mới. 

Các nước lớn như Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Đức đã công bố các công hàm ngoại giao kiên quyết bác bỏ các yêu sách về hàng hải thái quá của Trung Quốc và nhắc lại rằng UNCLOS cấm việc vẽ các đường cơ sở thẳng xung quanh các quần đảo ngoài khơi và phủ nhận tính hợp lệ của các lập luận về "quyền lịch sử".

Song song, Trung Quốc còn tung ra chiêu bài phát triển chung. Song, cơ bản bất kỳ sự hợp tác nào như vậy phải căn cứ trên các khiếu nại hợp pháp phù hợp với UNCLOS. Tức không có chuyện bên bị khiếu nại lại có thể đòi phát triển chung điều mình không làm chủ. Nhìn chung, tình hình hứa hẹn một cuộc đấu tranh pháp lý và chiến lược phức tạp.

Các quốc gia trong khu vực ưu tiên neo chặt các hành động của mình vào luật pháp quốc tế để duy trì tính hợp pháp và tăng cường phản ứng tập thể, trong khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng quyền kiểm soát thực tế thông qua các biện pháp không sát thương. 

Căng thẳng gia tăng cho thấy cả tính cấp thiết và giới hạn của các giải pháp pháp lý, ngoại giao và hợp tác trong việc quản lý các tranh chấp và duy trì sự ổn định của khu vực.

Một hội nghị (khoa học) về Biển Đông chỉ là một diễn đàn để các học giả trao đổi ý tưởng, song ít nhất nó cũng phản ánh đôi chút xu hướng suy nghĩ và giải pháp hiện nay. Và là một điểm hẹn tiếp xúc, trao đổi với nhau.■

Phát triển mạng lưới liên minh

Một nội dung quan trọng khác trong chương trình hội nghị là "Vai trò của các bên ở ngoài", tỉ như liệu châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ và Canada có thể tăng cường sự ổn định khu vực và duy trì luật pháp quốc tế bằng cách mở rộng vai trò của họ ở Biển Đông không?

Trên thực tế, Nhật Bản đã chuyển đổi mối quan hệ với Philippines từ tập trung vào xây dựng năng lực sang quan hệ đối tác an ninh bình đẳng. Sự thay đổi này bao gồm các cuộc họp 2+2 mới (bộ ngoại giao, bộ quốc phòng), tập trận quân sự chung và thỏa thuận tiếp cận đối ứng tạo điều kiện cho các chuyến thăm quân sự lẫn nhau. Nhật Bản cũng cung cấp hệ thống radar phòng không cho Philippines theo chương trình Hỗ trợ an ninh chính thức - đánh dấu một cột mốc quan trọng khác.

Úc thì chuyển từ học thuyết phòng thủ, hướng nội sang chiến lược quốc phòng quốc gia tập trung nhiều hơn vào bên ngoài. Các văn bản chính sách của nước này ngày càng xác định rõ sự cưỡng ép của Trung Quốc và các thách thức về an ninh khu vực, bao gồm các mối đe dọa ở Biển Đông và các đảo Thái Bình Dương.

Úc đã nâng cấp quan hệ với ASEAN lên đối tác chiến lược toàn diện, tăng cường quan hệ song phương với các quốc gia Đông Nam Á quan trọng và thu hút các đối tác bên ngoài mới như EU và Canada. Các khuôn khổ đa phương như AUKUS và Quad đã trở thành trọng tâm trong lập trường an ninh của Úc. Tuy nhiên, hạn chế về nguồn lực và sự không chắc chắn về cam kết dài hạn của Hoa Kỳ là những thách thức lớn. Úc phải cân bằng các nghĩa vụ khu vực ngày càng tăng của mình với nhu cầu quốc phòng trong nước và lợi ích kinh tế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận