19/07/2025 15:26 GMT+7

Nông dân trắng tay vì dịch tả heo châu Phi bùng phát

Hàng ngàn hộ chăn nuôi heo ở Nghệ An bị thiệt hại nặng nề, khi đàn heo mắc dịch tả heo châu Phi phải tiêu hủy.

dịch tả heo châu Phi - Ảnh 1.

Đàn heo mắc dịch tả heo châu Phi ở xã Nghĩa Mai, Nghệ An. Cán bộ thú y phải chích điện để đưa heo đi tiêu hủy - Ảnh: DOÃN HÒA

Dịch tả heo châu Phi đang tái bùng phát trên diện rộng tại Nghệ An. Trong khi đó người dân vẫn lén lút vứt heo chết ra môi trường, kênh nước gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Xót xa tiêu hủy heo sắp xuất chuồng

Nửa tháng trước, đàn heo thịt hàng trăm con của gia đình ông Phạm Văn Hiến - ngụ xóm Hoa Quân, Nghệ An - vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường. Những tưởng đàn heo được đầu tư chăn nuôi mấy tháng trời sắp đến ngày xuất chuồng thì chưa đầy một tuần qua, gia đình ông Hiến phải tiêu hủy 80 con vì mắc dịch tả heo châu Phi.

30 con khác có dấu hiệu nhiễm dịch, chờ đem đi tiêu hủy. Chuồng trại vắng bóng heo, thay vào đó là mùi vôi bột xộc lên nồng nặc, dấu tích của đợt tiêu hủy vừa qua.

"Chúng tôi tuân thủ quy trình chăn nuôi khép kín chuồng trại, kiểm soát nguồn thức ăn chăn nuôi đầu vào, tiêm phòng đầy đủ nhưng không hiểu sao dịch vẫn lan tới. Với tổng đàn ban đầu hơn 280 con cùng 15 con heo nái, thiệt hại của gia đình chúng tôi là rất lớn", ông Hiến buồn bã nói.

Nông dân trắng tay vì dịch tả heo châu Phi bùng phát - Ảnh 2.

Dịch tả heo châu Phi bùng phát trên diện rộng ở Nghệ An, khiến bà con nông dân chăn nuôi thiệt hại nặng nề - Ảnh: DOÃN HÒA

Gần trưa trung tuần tháng 7, cán bộ thú y địa phương chuẩn bị dụng cụ khử trùng, xe để tới trang trại ông Trần Văn Nam - ngụ xóm Phong Sơn, xã Nam Đàn, Nghệ An - tiêu hủy 25 con heo mắc dịch tả.

Chăn nuôi heo hơn 20 năm qua, ông Nam nói đợt dịch này mới thấy mức độ lây lan rất nhanh. Chỉ trong một tuần, cả hai trại chăn nuôi heo thịt của gia đình ông phải tiêu hủy tổng cộng 48 con, ước tính tổng thiệt hại hơn 600 triệu đồng.

"Sau một đêm, gia đình tôi gần như trắng tay. Heo sắp xuất chuồng, bao nhiêu công sức nuôi, tiền thức ăn, thuốc men... bây giờ phải tiêu hủy hết. Tiếc lắm, nhưng cán bộ đến tiêu hủy, tôi cũng chấp hành ngay; cũng chỉ mong Nhà nước có hỗ trợ phần nào đó để chúng tôi vượt qua khó khăn", ông Nam nói.

Vứt heo dịch chết ra môi trường

dịch tả heo châu Phi - Ảnh 3.

Người dân xã Đại Đồng, tỉnh Nghệ An báo chính quyền địa phương hỗ trợ đưa heo mắc dịch tả heo châu Phi đi tiêu hủy - Ảnh: DOÃN HÒA

Ông Lê Văn Tý - phó chủ tịch UBND xã Hoa Quân, Nghệ An - cho biết dịch tả heo châu Phi tái bùng phát mạnh từ đầu tháng 7 đến nay, lan rộng đến 22/28 xóm trong xã. Xã đã tiêu hủy hơn 60 tấn heo bệnh, ước tính thiệt hại khoảng 4 tỉ đồng.

"Xã tăng cường tuyên truyền về đặc điểm, tác hại, tính chất nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm để nhân dân hiểu và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống, khai báo khi dịch bệnh xảy ra. Thường xuyên tuần tra, kiên quyết không để vứt heo chết ra môi trường, ao hồ, kênh mương, sông suối. Hỗ trợ tiêu hủy heo chết để đảm bảo vệ sinh môi trường", ông Tý thông tin.

Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Nghệ An với hàng chục ổ dịch nhưng tình trạng vứt xác heo bừa bãi vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Nông dân trắng tay vì dịch tả heo châu Phi bùng phát - Ảnh 4.

Heo chết bỏ trong bao tải trôi trên kênh gây ô nhiễm môi trường ở xã Minh Châu, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA

Tại xã Minh Châu, những ngày qua người dân không khỏi lo lắng khi chứng kiến xác heo chết trôi nổi trên kênh N2 - tuyến kênh dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hộ dân. Một số con heo phân hủy đã bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

"Heo chết bị vứt xuống kênh, nước thì bẩn, ruộng đồng cũng bị ảnh hưởng. Cứ như thế này thì không ai dám dùng nước để sản xuất nữa", bà Yến - người dân xã Minh Châu - bức xúc. 

Ông Lê Thế Hiếu - phó chủ tịch UBND xã Minh Châu - cho biết tuần qua, địa phương đã thu gom và tiêu hủy ba đợt xác heo trôi nổi, mỗi đợt từ 1-2 con. 

Chính quyền đang khẩn trương lắp lưới chắn dọc tuyến kênh để ngăn chặn tình trạng heo chết tiếp tục trôi qua.

"Những con heo đều đã phân hủy nặng, không thể truy tìm nguồn gốc. Chúng tôi rắc vôi và hóa chất để tiêu độc, tránh phát tán mầm bệnh", ông Hiếu cho hay.

dịch tả heo châu Phi - Ảnh 5.

Người dân buồn bã khi những con heo lớn mắc dịch tả heo châu Phi phải đem đi tiêu hủy - Ảnh: TÂM PHẠM

Nông dân trắng tay vì dịch tả heo châu Phi bùng phát - Ảnh 6.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, tính đến giữa tháng 7-2025 toàn tỉnh ghi nhận 25 ổ dịch tả heo châu Phi tại 25 xã - Ảnh: DOÃN HÒA

dịch tả heo châu Phi - Ảnh 7.

Heo mắc dịch tả heo châu Phi được chôn hố sâu, rắc vôi tránh nguy cơ bùng phát dịch - Ảnh: DOÃN HÒA

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, tính đến giữa tháng 7-2025 toàn tỉnh đã ghi nhận 25 ổ dịch tả heo châu Phi tại 25 xã.

Nguyên nhân dịch tả heo châu Phi ở Nghệ An đang diễn biến phức tạp, kéo dài do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, một số địa phương chưa quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; ý thức người chăn nuôi chưa cao (còn hiện tượng giấu dịch, vứt xác vật nuôi mắc bệnh ra môi trường làm phát tán dịch bệnh); thời tiết phức tạp, mưa nắng thất thường làm giảm sức đề kháng của vật nuôi; kết quả tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm vụ xuân 2025 đạt tỉ lệ thấp.

Trong công điện mới nhất, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh nếu để dịch phát sinh, lây lan hậu quả nghiêm trọng.

Nông dân trắng tay vì dịch tả heo châu Phi bùng phát - Ảnh 8.Xác heo chết vứt trôi trên kênh Phú Ninh giữa lúc Đà Nẵng có dịch tả heo châu Phi

Giữa lúc dịch tả heo châu Phi xảy ra ở một số xã, phường tại TP Đà Nẵng thì có tình trạng xác heo chết vứt trên kênh chính Phú Ninh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên