
Chuyến công du tới đây của Tổng thống Trump được kỳ vọng sẽ mang lại những thỏa thuận lớn cho các nước Trung Đông - Ảnh: AFP
Chuyến công du Trung Đông đầu tiên trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Trump đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa Washington và ba nước giàu tài nguyên vùng Vịnh: Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Qatar.
Với lịch trình trải dài từ ngày 13 đến 16-5, chuyến đi không chỉ khẳng định lại vai trò trung tâm của Mỹ tại khu vực, mà còn là cơ hội "ngàn vàng" để các quốc gia này tranh thủ ảnh hưởng cá nhân của ông Trump nhằm đổi lấy những cam kết cụ thể.
Sau bốn năm bị "phớt lờ" dưới thời cựu tổng thống Joe Biden, giới lãnh đạo vùng Vịnh đang đặt kỳ vọng lớn vào vị tổng thống thứ 47 của nước Mỹ - người có xu hướng đặt lợi ích lên hàng đầu. Sau tất cả những gì đã "cho đi", giờ đây họ kỳ vọng được "nhận lại" bằng các thỏa thuận quan trọng với Washington, theo Đài CNN.
Saudi Arabia: An ninh là ưu tiên tuyệt đối
Với Riyadh, ưu tiên hàng đầu là một hiệp định an ninh chính thức với Mỹ, điều mà họ đã tìm kiếm từ lâu. Saudi Arabia mong muốn sự cam kết rõ ràng từ Washington đối với ổn định khu vực, đồng thời tìm kiếm hợp tác để phát triển chương trình hạt nhân dân sự - bao gồm cả quyền làm giàu uranium trong nước, điều từng gây lo ngại ở Mỹ và Israel.
Một thỏa thuận quốc phòng và thương mại từng được hai bên đàm phán vào năm ngoái, nhưng đã bị đình trệ do yêu cầu của Mỹ về tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel - điều mà các chuyên gia hiện cho là "đã chết yểu".
Chính quyền Riyadh đang thúc đẩy quan hệ với Mỹ theo hướng đôi bên cùng có lợi.
Ông Trump tuyên bố sẽ đến Saudi Arabia nếu nước này đầu tư 1.000 tỉ USD vào Mỹ. Riyadh chưa xác nhận con số đó, nhưng đã công bố kế hoạch tăng đầu tư và thương mại với Mỹ thêm 600 tỉ USD trong bốn năm tới.
Tuy nhiên, vẫn còn một trở ngại lớn mà hai quốc gia cần phải đối mặt, khi Washington muốn giá dầu thấp để hỗ trợ tiêu dùng trong nước, còn Riyadh cần bán với giá cao để tài trợ cho các kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế sau dầu mỏ.
UAE: Tham vọng bá chủ trí tuệ nhân tạo

Ông Trump trò chuyện với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản năm 2019 - Ảnh: REUTERS
Trong ba quốc gia vùng Vịnh, UAE có chiến lược rõ ràng nhất: đầu tư để trở thành trung tâm công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Được biết đến là "thủ đô của vốn đầu tư", Abu Dhabi đã cam kết rót 1.400 tỉ USD vào Mỹ trong 10 năm tới, tập trung vào AI, chip bán dẫn, năng lượng và sản xuất.
Mục tiêu của UAE là trở thành cường quốc AI toàn cầu vào năm 2031, điều gần như không thể nếu thiếu chip tiên tiến từ Mỹ. Trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ gỡ bỏ một phần lệnh hạn chế do chính quyền ông Biden trước đó áp đặt - bước mở đường để UAE tiếp cận công nghệ Mỹ và hiện thực hóa tham vọng chuyển đổi nền kinh tế.
Theo cố vấn ngoại giao UAE Anwar Gargash, khoản đầu tư khổng lồ trên không chỉ đơn thuần chỉ để mang lại lợi nhuận, mà còn là phương tiện để UAE khẳng định vị thế đối tác chiến lược lâu dài của Mỹ trong thế kỷ 21.
Qatar: Trung gian không thể thay thế

Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan trò chuyện với ông Trump trong một sự kiện vào năm 2024 - Ảnh: AFP
Khác với Saudi Arabia và UAE, Qatar không cần chứng minh nhiều về quan hệ an ninh với Mỹ. Căn cứ quân sự Al-Udeid - cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông và được coi là "không thể thay thế", được đặt ở Qatar.
Không dừng lại ở đó, Qatar còn nổi bật với vai trò trung gian đàm phán trong các cuộc khủng hoảng - từ trao đổi tù nhân giữa Afghanistan và Iran đến xung đột ở Dải Gaza.
Theo các nhà phân tích, việc giữ vai trò hòa giải giúp Doha duy trì vị thế "đối tác không thể thiếu" trong mắt Washington, bất kể dù cho ai làm tổng thống.
Một trong những ưu tiên của Qatar khi đón tiếp Tổng thống Trump lần này là thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria theo Đạo luật Caesar. Qatar hiện có mối quan hệ gần gũi với tân Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa, nhưng còn dè dặt trong việc hỗ trợ tài chính cho Damascus nếu không có "cái gật đầu" từ Washington.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận