19/07/2025 19:00 GMT+7

Phụ huynh tìm cho con ngành học 'không lỗi thời', tránh bị AI thay thế

HÀ QUÂN
và 1 tác giả khác

Trong Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025 ngày 19-7, nhiều phụ huynh và thí sinh mong muốn tìm ngành học "chắc chân", không bị ảnh hưởng bởi AI, cơ hội việc làm rộng mở.

ngành học - Ảnh 1.

Các bạn trẻ được cán bộ Trường đại học Điện lực tư vấn, giải đáp thắc mắc tại Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025 - Ảnh: HÀ QUÂN

Tại khu vực tư vấn tuyển sinh của Trường đại học Điện lực, nhiều phụ huynh, thí sinh dành thời gian tìm hiểu về các ngành như điện, điện tử, quản lý năng lượng mới, kế toán, kiểm toán, logistics…

Học quản trị tài chính bằng ứng dụng

"Ngoài kiến thức tài chính, em còn được học cách quản trị các ứng dụng (app) chi tiêu" - Nguyễn Yến Chi, học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định (Hà Nội), hào hứng nói sau khi tìm hiểu ngành Công nghệ tài chính.

Chi chia sẻ bản thân rất thích ngành tài chính - ngân hàng. Khi nghe thầy tư vấn ngành công nghệ tài chính, em thấy thú vị hơn vì kết hợp cả kiến thức tài chính lẫn công nghệ quản lý tài chính cá nhân.

Không chỉ học sinh, anh Đỗ Văn Tuân - phụ huynh em Đỗ Minh Duy, học sinh Trường THPT Ngọc Tảo (xã Phúc Thọ, Hà Nội) - chia sẻ rằng đã tìm hiểu kỹ về ngành Kỹ thuật hạt nhân.

"Tôi đọc báo, xem fanpage, trang web của Trường đại học Điện lực và thấy ngành này tiềm năng, con tôi có cơ hội du học, việc làm rộng mở sau này. Ngành công nghệ kỹ thuật điện tử, vi mạch bán dẫn cũng rất triển vọng. Tôi mong con học các ngành không bị lỗi thời, bị ảnh hưởng bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo (AI) và có việc sau khi tốt nghiệp" - anh Tuân nói.

Anh cũng đặc biệt quan tâm đến học bổng dựa trên năng lực, và ấn tượng vì "lần đầu đến trường nhưng thầy cô hỗ trợ, tư vấn rất nhiệt tình".

Còn chị Hằng (Hà Nội), sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, đã đi tìm hiểu ngành quản lý năng lượng. "Tôi thấy các tập đoàn lớn đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió. Trong bối cảnh công nghiệp phát triển, nguy cơ thiếu điện rất rõ ràng. Tôi muốn con học ngành điện hoặc kinh tế liên quan đến điện, năng lượng, không bị ảnh hưởng bởi AI", chị bày tỏ.

ngành học - Ảnh 2.

Một nữ sinh hứng thú với các ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, marketing, thương mại điện tử tại Trường đại học Điện lực - Ảnh: HÀ QUÂN

Đại học không chỉ là học kiến thức

TS Trịnh Văn Toàn - trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Điện lực cho biết - năm nay, tổng số tuyển sinh hơn 6.400 chỉ tiêu cho 32 ngành đào tạo như ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (650 chỉ tiêu), công nghệ thông tin (663 chỉ tiêu), công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (500 chỉ tiêu), khối ngành kinh tế là hơn 1.400 chỉ tiêu….

Trường cũng có nhiều ngành đào tạo mới như kỹ thuật robot, công nghệ vật liệu bán dẫn và vi mạch, công nghệ kỹ thuật ô tô, kỹ thuật máy tính, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính, marketing, luật kinh tế, ngôn ngữ anh, toán tin, khoa học dữ liệu, quản trị khách sạn.

Trường đại học Điện lực xét tuyển các phương thức như kết quả học tập THPT (học bạ), học bạ kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (A01, D01, D07), kết quả thi THPT (A00, A01, D01, D07) hoặc tuyển thẳng. 

Riêng 2 ngành luật kinh tế và ngôn ngữ anh sẽ có các tổ hợp xét tuyển D01, D09, D10, D84, D14, D66, X78, X25.

TS Đặng Quốc Hương - cán bộ tuyển sinh Trường đại học Điện lực - cho biết trong Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025, các thầy cô không chỉ tư vấn chọn ngành, mà còn giúp phụ huynh và học sinh hiểu được nghề nghiệp và cơ hội việc làm sau này.

Ví dụ, ngành tài chính - ngân hàng không chỉ làm ngân hàng, mà còn có thể làm quản lý tài chính cá nhân, doanh nghiệp hoặc làm việc tại công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư…

ngành học - Ảnh 3.

TS Đặng Quốc Hương - cán bộ tuyển sinh Trường đại học Điện lực - tư vấn cơ hội việc làm của các ngành học được các bạn trẻ quan tâm - Ảnh: HÀ QUÂN

Trong khi đó, ngành Công nghệ tài chính, theo TS Hương, là ngành mới hướng đến đào tạo dựa vào nền tảng công nghệ 4.0 như AI, học máy, dữ liệu lớn, chuỗi khối (blockchain) giúp sinh viên hiểu cả tư duy kinh tế lẫn công nghệ.

"Học ngành này, sinh viên được tiếp cận kỹ năng quản lý tiền cá nhân, doanh nghiệp - điều ngày càng cần thiết trong xã hội hiện đại" - ông Hương nói.

Bên cạnh các ngành vi mạch bán dẫn, kỹ thuật hạt nhân, các ngành kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ thông tin, quản lý năng lượng mới - những ngành truyền thống, "mũi nhọn" của trường - vẫn được phụ huynh, học sinh quan tâm.

Cũng theo TS Đặng Quốc Hương, các bạn trẻ không nên lo lắng khi quy chế thay đổi, mà hãy tin vào bản thân, lựa chọn đúng theo tư vấn của các thầy cô. 

Khi nhập học, tất cả sinh viên đều được Trường đại học Điện lực đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp của các sinh viên, do vậy các bạn trẻ yên tâm theo học.

"Học đại học không chỉ là học kiến thức mà còn phát triển kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, làm việc nhóm, phản biện, nghiên cứu, thuyết trình, xây dựng quan hệ xã hội. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các cuộc thi, hội thảo, CLB học thuật để sinh viên hình thành bản lĩnh" - TS Hương cho biết.

Thí sinh - phụ huynh tìm ngành học 'không lỗi thời', tránh bị AI thay thế - Ảnh 4.Học AI tại Trường đại học Điện lực: ‘Chìa khóa’ bắt nhịp xu hướng

Năm học 2025 - 2026 là năm đầu tiên Trường Đại học Điện lực đào tạo ngành trí tuệ nhân tạo (AI), vậy các bạn trẻ phải chuẩn bị ra sao để bước vào ngành công nghệ triệu đô này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên