02/07/2025 09:47 GMT+7

Prada bị tố đạo nhái thiết kế dép truyền thống Ấn Độ, tùy tiện chiếm dụng văn hóa

Thương hiệu thời trang xa xỉ Prada đang đối mặt với làn sóng chỉ trích vì bị cáo buộc chiếm dụng văn hóa, sau khi cho người mẫu trình diễn những đôi dép da hở mũi giống hệt Kolhapuri - một loại dép truyền thống nổi tiếng của Ấn Độ.

Prada - Ảnh 1.

Khách hàng mua sắm dép Kolhapuri - một loại giày dép truyền thống của Ấn Độ - tại một cửa hàng ở New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: REUTERS

Theo Al Jazeera, ngày 22-5, khi các người mẫu sải bước tại Tuần lễ thời trang nam Milan xuân hè 2026, Harish Kurade - một nghệ nhân sống ở miền nam bang Maharashtra, Ấn Độ - đã xem show diễn qua màn hình điện thoại và ngỡ ngàng trước những đôi dép da mà Prada giới thiệu là mẫu mới nhất trong bộ sưu tập.

Lấy cảm hứng hay chiếm dụng văn hóa?

Cụ thể, Prada trình làng một mẫu dép da quai chữ T mang phong cách cổ điển có thiết kế giống hệt dép Kolhapuri truyền thống, vốn rất phổ biến tại Ấn Độ và thường được mang trong các dịp trọng đại như lễ cưới hoặc lễ hội.

Mẫu dép Prada hiện được định giá khoảng 1.400 USD một đôi, trong khi dép Kolhapuri chính gốc có thể dễ dàng tìm thấy ở các khu chợ Ấn Độ với giá chỉ khoảng 12 USD.

Prada - Ảnh 2.

Những người mẫu trình diễn các đôi dép da hở mũi mang thiết kế giống hệt Kolhapuri - Ảnh: PRADA

Tại Ấn Độ, điều này lập tức dấy lên phản ứng dữ dội từ cộng đồng nghệ nhân và giới chính trị gia, khi nhà mốt nước Ý không hề nhắc đến xuất xứ văn hóa từ Kolhapur - thành phố nơi loại dép thủ công này ra đời từ hàng thế kỷ trước. Họ đang chuẩn bị nộp đơn kiện Prada lên Tòa án tối cao Mumbai.

Sau khi Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp bang Maharashtra gửi thư đến ông Patrizio Bertelli - chủ tịch hội đồng quản trị Prada - để bày tỏ lo ngại của các nghệ nhân làm dép Kolhapuri, thương hiệu thời trang Ý phản hồi sau hai ngày.

Trong thư trả lời, Prada thừa nhận thiết kế mới của họ "lấy cảm hứng từ loại dép thủ công truyền thống Ấn Độ" và tuyên bố: "Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được tầm quan trọng văn hóa của nghề thủ công Ấn Độ. Hiện bộ sưu tập này vẫn đang trong giai đoạn phát triển ý tưởng ban đầu, chưa có mẫu nào được đưa vào sản xuất hay thương mại hóa".

Prada - Ảnh 3.

Dép Kolhapuri được trưng bày tại một cửa hàng ở New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, phản hồi này không xoa dịu hết làn sóng phẫn nộ. Srihita Vanguri - một nữ doanh nhân thời trang đến từ thành phố Hyderabad - nhận định hành động của Prada là "đáng thất vọng nhưng không bất ngờ".

"Các thương hiệu xa xỉ từ lâu thường xuyên vay mượn yếu tố thiết kế từ các nghề thủ công truyền thống mà không có sự ghi nhận công bằng cho đến khi bị dư luận phản đối. Nếu chỉ dừng ở mức lấy cảm hứng mà không có ghi nhận hay chia sẻ lợi ích, thì đó là chiếm dụng văn hóa.

Kolhapuri không đơn thuần là một kiểu dép, mà là biểu tượng của cả một di sản lâu đời được gìn giữ qua nhiều thế hệ nghệ nhân ở bang Maharashtra và Karnataka. Prada làm như vậy chẳng khác nào tước đi kế sinh nhai của người dân nơi đây" - cô nói.

Prada bị tố đạo nhái thiết kế dép truyền thống Ấn Độ, tùy  tiện chiếm dụng văn hóa - Ảnh 5.

Điều Prada cần làm là sẵn sàng hợp tác với các nghệ nhân thủ công, chứ không chỉ dừng lại ở việc tùy tiện lấy cảm hứng mà không ghi nguồn gốc xuất xứ - Ảnh: PRADA

Theo Srihita Vanguri, lời xin lỗi là chưa đủ. Sự tôn trọng thực sự là khi Prada cùng các nghệ nhân Kolhapuri thiết kế một bộ sưu tập riêng, ghi nhận công lao sáng tạo, chia sẻ lợi nhuận và mang lại cơ hội tiếp cận toàn cầu cho họ.

Các nghệ nhân Kolhapur nói gì về Prada?

Nằm ở phía tây nam bang Maharashtra, thành phố Kolhapur không chỉ nổi tiếng với các ngôi đền Hindu linh thiêng và nền ẩm thực đậm vị cay nồng, mà còn là nơi lưu giữ niềm tự hào thủ công lâu đời. 

Những đôi dép Kolhapuri xuất hiện từ thế kỷ 12 và đến nay vẫn có hơn 20.000 hộ gia đình địa phương sống nhờ vào nghề này.

Gia đình của Harish Kurade là nghệ nhân từng bày tỏ niềm vui khi thấy Prada trình diễn mẫu dép Kolhapuri. Tuy nhiên, anh cho biết nghề thủ công này đang ngày càng khó sống.

Prada - Ảnh 5.

Một cửa hàng dép Kolhapuri ở Ấn Độ - Ảnh: REUTERS

"Người Ấn Độ giờ không còn muốn đầu tư cho nghề này nữa. Nếu một thương hiệu quốc tế đến, sao chép và mang nó ra thế giới, có khi lại tốt cho chúng tôi" - Kurade chia sẻ.

Ở tuổi 40, anh thừa nhận những người thợ như gia đình mình "vẫn giậm chân tại chỗ", không thể phát triển vì thiếu sự hỗ trợ từ chính phủ. Thậm chí, anh cho rằng chính trị còn làm mọi thứ tệ hơn.

Từ năm 2014, khi chính phủ theo chủ nghĩa Ấn giáo do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo lên nắm quyền, việc bảo vệ bò trở thành đề tài căng thẳng, thậm chí gây bạo lực. Nhiều người Dalit và Hồi giáo - những cộng đồng chủ yếu vận chuyển gia súc đến các chợ buôn bán - bị tấn công bởi các nhóm cực đoan nhân danh "bảo vệ bò".

Prada - Ảnh 6.

Nhiều nghệ nhân, chính trị gia và nhà hoạt động lại lo ngại về nguy cơ chiếm dụng văn hóa và bóc lột tài chính từ phía Prada - Ảnh: PRADA

Điều đó đã khiến nguồn cung da bò và trâu - nguyên liệu chính để làm dép Kolhapuri - trở nên khan hiếm và đắt đỏ.

"Loại da tốt nhất hiện giờ bị cấm ở nhiều bang vì vấn đề chính trị xoay quanh con bò. Chúng tôi đang chịu thiệt hại nặng vì không còn đủ khả năng duy trì chất lượng như trước" - Kurade nói.

Prada bị tố đạo nhái thiết kế dép truyền thống Ấn Độ, tuỳ tiện chiếm dụng văn hóa - Ảnh 8.Ninh Bình xuất hiện đầy mê hoặc qua ống kính Harper’s Bazaar của Mỹ

Tạp chí thời trang quốc tế danh tiếng Harper’s Bazaar (Mỹ) vừa chọn Ninh Bình làm bối cảnh thực hiện bộ ảnh mang tên Spirited Away, nhằm tôn vinh vẻ đẹp thanh bình và hoang sơ hiếm thấy của thiên nhiên Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên