19/05/2025 10:52 GMT+7

25 năm 'nuôi giùm' con của người lạ

Dù không chung dòng máu, người phụ nữ ở tuổi 62 vẫn đang ngày ngày bán vé số để nuôi một đứa trẻ "xa lạ" mà bà coi như khúc ruột của mình.

nuôi con - Ảnh 1.

25 năm trôi qua, bà Liên sớm xem Nhứt Lãm như con ruột của mình - Ảnh: Quỳnh Quỳnh

Lúc trời tờ mờ sáng, bà Lưu Thị Kim Liên thường vệ sinh cá nhân cho cậu con trai Huỳnh Nhứt Lãm, 25 tuổi, trước khi bắt đầu đi bán vé số.

Không nỡ rời xa đứa con "đặc biệt"

"Ít ai biết Lãm nó đâu phải con ruột của tôi!", bà Liên nói. Nhìn chàng trai ở độ tuổi trưởng thành vẫn như đứa trẻ còn vô tư, bà Liên không tin Lãm đã ở bên cạnh mình được 25 năm, mặc cho trước đó cậu từng được mẹ ruột nói "sống không quá 10 tuổi".

Trong căn nhà hai tầng được bà Liên thuê với giá 6 triệu đồng/tháng nằm trên đường Miếu Gò Xoài (quận Bình Tân, TP.HCM), Nhứt Lãm ngồi ngay ngắn khi nghe mẹ báo có khách đến thăm nhà.

Bà Liên vừa lau mặt cho Lãm vừa chia sẻ: "Vợ chồng tôi sống sao cũng được, chủ yếu cho Lãm có không gian hít thở sẵn tiện vận động nhiều hơn, cho con đỡ bị teo cơ".

Nhớ lại ngày đầu gặp Lãm cách đây 25 năm, khi đó bà Liên nhận chăm trẻ cho người mẹ đơn thân tại hẻm 359, đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). 

"Lúc đó Lãm mới 3 tháng tuổi nhưng chân tay đã co quắp vì biến chứng từ lần ốm nặng trước đó. Người mẹ trẻ tên Phương của Lãm chỉ mới 16 tuổi. Để nuôi Lãm, cổ phải lăn lộn bên ngoài bán cà phê kiếm tiền", bà Liên nhớ lại.

Cảm thông cho Phương và với niềm thương cảm dành cho Nhứt Lãm, bà Liên quan tâm, chăm sóc cho hai mẹ con không khác gì con ruột. 

"Phương tội lắm, ở tuổi đó mà tự nuôi con, đi làm 3 tháng, mẹ nó chỉ trả tiền công tôi được 2 tháng. Thấy mẹ con nó vậy tôi cũng bấm bụng giữ giùm, chỉ mong sao Phương về thăm con thường xuyên là được", bà Liên nhớ lại. 

Thế nhưng sau một lần đi làm, Phương đã không quay về và mất liên lạc cho đến nay.

Ngoài Lãm, bà Liên còn có 2 người con đang tuổi ăn tuổi học. Nhưng do đã mến tay mến chân, bà cùng chồng vẫn quyết định cưu mang Lãm với hy vọng mẹ Lãm trở về tìm con.

Những ngày đầu, bà Liên lo cho Lãm bằng tiền tiết kiệm trước đó, nhưng số tiền ít ỏi không đủ để duy trì được lâu. Mắt bà Liên rưng rưng khi nhớ lại tình cảnh khó khăn của gia đình lúc ấy.

"Lúc đó tôi với chồng bị chậm lương. Nhà còn có mấy ngàn đồng đủ mua hai cái bánh lá dừa. Tôi với chồng uống nước qua bữa. Thằng Lợi (con bà Liên - người viết) lúc đó không còn ở nhà, con Nhung thì lớp 8. 

Lãm mới 3 tuổi nên cả nhà nhường hết hai cái bánh lá dừa cho con. Sau lần đó, tôi tự hứa dù có phải làm thuê làm mướn cả đời cũng không để các con phải khổ", bà Liên cho biết.

Bà trải lòng đã có lúc định đưa Lãm vào cô nhi viện vì hoàn cảnh quá khó khăn.

"Nhưng tôi quý nó như con, mỗi lần mình nói chuyện này hai tay nó nắm chặt, đầu quay ngoắt như ra hiệu chỉ muốn ở nhà", những lúc như vậy, bà Liên càng thương đứa con bệnh tật hơn.

Năm 2005, cả gia đình bà chuyển từ quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) lên sống tại quận Bình Tân (TP.HCM). Người con trai ruột mấy năm ròng không có tin tức bỗng quay về như một phép màu với gia đình bà Liên.

"Có lẽ ông trời thấu được lòng tôi nên cho gia đình tôi được sum họp. Chỉ cần gia đình đông đủ, Nhứt Lãm khỏe mạnh đã là niềm vui lớn đối với vợ chồng tôi rồi", bà Liên xúc động chia sẻ.

Mong con tìm được chỗ dựa vững chắc

Vợ chồng bà Liên vẫn đang mưu sinh, phần vì không muốn phiền đến con cái, phần để có thêm tiền cho Nhứt Lãm đi vật lý trị liệu. Chồng bà Liên ở tuổi 72, cũng đang làm bảo vệ với tiền lương là 6 triệu đồng/tháng.

Hành trình mưu sinh của người mẹ đặc biệt bắt đầu lúc 5h, khi mặt trời còn chưa tỏ rạng, bà đã rong ruổi trên những cung đường quen bán vé số. Nhiều hôm ế, 9h tối, bà Liên mới về đến nhà. Khi nhìn Lãm năng động hơn sau các lần châm cứu trị liệu, bà Liên lại có thêm động lực.

Bà chỉ mong có một ngày nghe Lãm trò chuyện với bà thay vì những câu ú ớ khó khăn như hiện tại. Khó khăn trong giao tiếp là vậy, nhưng Lãm vẫn có cách riêng thể hiện tình yêu thương đối với người mẹ thứ hai của mình.

Trời sập tối, bà Liên chầm chậm đạp xe về nhà. Lãm ngồi ngoan bên cạnh những chú mèo, mắt chăm chăm nhìn ra ngoài tìm kiếm bóng dáng quen thuộc của bà Liên. 

Thấy mẹ về, Lãm tươi tỉnh hẳn lên, cậu mở cửa và giao tiếp với mẹ Liên bằng những thanh âm mà chỉ có bà Liên hiểu được.

"Lãm không nói nhưng tôi biết con đang chờ tôi. Tôi về đến là con kích động hẳn. Dù tôi mệt thế nào, con hiểu chuyện tôi cũng ấm lòng", bà Liên chia sẻ.

Từ một cậu bé được chính mẹ ruột khẳng định "không sống đến 10 tuổi", Lãm đã lớn lên khỏe mạnh trong tình yêu thương của bà Liên và gia đình. Song trong mắt người mẹ như bà Liên chưa bao giờ bà thôi trăn trở về cậu con trai đặc biệt của mình.

"Tôi sợ sau này tôi mất đi, Lãm chỉ còn lại một mình thì con sẽ sống như thế nào. Phải chi mẹ nó quay về để nó có người chăm lo. Hoặc có ai đủ vững vàng lo cho Lãm khi tôi nhắm mắt xuôi tay, tôi mới có thể an tâm", bà Liên cho biết.

Mỗi đêm khi thỏ thẻ cùng con, bà vẫn nhắc Lãm: "Mẹ là mẹ nuôi, không phải mẹ ruột của con. Mẹ ruột con tên Phương".

25 năm 'nuôi giùm' con của người lạ - Ảnh 2.

Mỗi ngày bà Liên vẫn miệt mài đi bán vé số để có thêm thu nhập điều trị cho Nhứt Lãm - Ảnh: Quỳnh Quỳnh

Chị Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (43 tuổi), hàng xóm của bà Liên, ngạc nhiên khi Nhứt Lãm có thể tự ăn uống, tự chơi đùa mỗi khi bà Liên đi bán vé số.

"Tôi ở đây được 2 năm. Mỗi sáng cô Liên đi làm, Lãm đóng cửa rồi ở yên trong nhà. Lúc đầu tôi cũng lo lắng và hay ngó xem Lãm có ổn không.

Dù di chuyển khó khăn nhưng hầu như mọi sinh hoạt của Lãm cũng bình thường. Có hôm tôi sang chơi, Lãm còn tự xuống nhà lấy nước mời tôi", chị Hoàng cho biết.

25 năm 'nuôi giùm' con của người lạ - Ảnh 3.Mẹ mất, cha bỏ, 12 tuổi kiếm tiền nuôi bà nằm một chỗ, nay cô gái là tân sinh viên ĐH Nha Trang

Mẹ mất khi Quỳnh Châu mới lên 3 tuổi, cha cũng bỏ đi từ đó, trong căn nhà tình thương ở thôn Bình Thành (xã Ninh Bình, Ninh Hòa, Khánh Hòa), nữ sinh này đã có nhiều năm sống cùng người bà nằm một chỗ và người bác bệnh động kinh.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0