14/07/2025 15:48 GMT+7

An Giang xác định '6 nhiệm vụ' then chốt trong nhiệm kỳ 2025-2030

Hội thảo về định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang sau sáp nhập đã thu hút sự tham gia của hàng trăm chuyên gia và lãnh đạo. Có 6 nhiệm vụ trọng tâm được giới chuyên gia, nhà khoa học đề xuất với tỉnh.

An Giang xác định '6 nhiệm vụ' then chốt trong nhiệm kỳ 2025-2030 - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo khoa học "Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý Báo cáo chính trị Đảng bộ tỉnh An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Phát triển Tứ giác Long Xuyên và đặc khu Phú Quốc

Ngày 14-7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo khoa học "Định hướng phát triển kinh tế - xã hội" và "góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030". Trên 300 đại biểu là giới chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các tỉnh An Giang - Kiên Giang qua các thời kỳ.

Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Tiến Hải - bí thư Tỉnh ủy An Giang - nhấn mạnh tỉnh đang đứng trước thời cơ lịch sử để phát huy vai trò trung tâm kinh tế biển, trở thành vùng kinh tế năng động. Với diện tích hơn 9.888km2, có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, biên mậu, logistics, du lịch, đô thị thông minh, đặc biệt là du lịch biển chất lượng cao.

Với gần 5 triệu dân, An Giang sau sáp nhập dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thị trường nội địa lớn và thu hút đầu tư. Tỉnh có vị trí địa chiến lược quan trọng, vùng biển rộng hơn 63.000km2, bờ biển hơn 200km, biên giới giáp Campuchia gần 148km. Tỉnh có hệ thống đô thị phát triển, đặc khu Phú Quốc, cụm động lực Long Xuyên - Châu Đốc - Rạch Giá - Hà Tiên; 2 cảng hàng không quốc tế. Nơi đây có nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống với nhiều nét văn hóa đặc sắc.

Nhiệm kỳ trước, An Giang và Kiên Giang vượt 31/40 chỉ tiêu. An Giang tăng trưởng trên 8,1% trong 6 tháng đầu năm sau hợp nhất. Đô thị hóa mạnh tại Châu Đốc, Phú Quốc, Rạch Giá, Long Xuyên… Hạ tầng kết nối, một trong ba khâu đột phá, đạt kết quả tốt. Quy hoạch tạo không gian phát triển. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, đặc biệt là tinh gọn bộ máy.

Tuy nhiên cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu bền vững, chất lượng chưa cao (nông lâm thủy sản chiếm 35%). Động lực tăng trưởng mới chưa phát huy tốt. Nông, lâm, thủy sản tăng trưởng chậm. Công nghiệp, du lịch phát triển chưa tương xứng.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang (2025-2030) đặt mục tiêu đến 2030: An Giang phát triển khá, là trung tâm kinh tế biển mạnh, Phú Quốc tầm quốc tế, Rạch Giá đa năng; vùng Tứ giác Long Xuyên là động lực công nghiệp, logistics, du lịch, trung tâm nông nghiệp, thủy sản; phát triển kinh tế biên mậu, hợp tác Campuchia.

Ông Hải đề nghị hội thảo tập trung làm rõ 10 vấn đề trọng tâm cho nhiệm kỳ mới: Định hướng phát triển tỉnh và các đột phá chiến lược; Phát triển kinh tế - xã hội An Giang đến 2030, tầm nhìn 2045; Quy hoạch phát triển nhanh, bền vững, đặc biệt Phú Quốc; Kinh tế biển, biên mậu, nội địa - động lực tăng trưởng mới; Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho An Giang; Mô hình tăng trưởng phù hợp; Cơ cấu kinh tế các ngành; An ninh sinh kế, văn hóa, môi trường bền vững; Cơ chế chính quyền 2 cấp hiệu quả, hiện đại; An ninh quốc phòng, đối ngoại, đại đoàn kết toàn dân tộc, vấn đề tôn giáo; Góp ý Báo cáo chính trị, kinh tế - xã hội Đại hội Đảng bộ tỉnh.

An Giang xác định '6 nhiệm vụ' then chốt trong nhiệm kỳ 2025-2030 - Ảnh 2.

Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Sáu nhiệm vụ trọng tâm cả nhiệm kỳ

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh sự hợp nhất An Giang - Kiên Giang tạo “An Giang mới”, mở rộng cơ hội. An Giang là đầu nguồn, cuối sông, có đất ngập nước, đa dạng sinh thái.

An Giang là vùng đất hội tụ rừng tràm, đất phèn, đồng lúa, núi thiêng, sông lớn, kênh Vĩnh Tế, Biển Tây, biên giới Campuchia; đồng tôm - lúa luân canh, nuôi trồng thủy sản ven rừng, biển, đảo, lễ hội đa dạng, du lịch hấp dẫn, làng chài, nghề nông truyền thống.

Kênh Vĩnh Tế kết nối công nghiệp hóa, logistics đường thủy, các cụm liên kết công - nông nghiệp: lúa gạo, thủy sản, trái cây - chế biến, trục kinh tế xanh: nông sản, thủy sản - du lịch - logistics; trung tâm cá tra, tôm công nghệ cao, chợ nổi, du lịch sông nước, lễ hội.

Hình thành không gian kinh tế nông nghiệp kết nối “đồng bằng - biên giới - Biển Tây”: đồng bằng là Tứ giác Long Xuyên cho nông nghiệp thông minh; biên giới tận dụng kinh tế biên mậu, kết nối xuất khẩu Campuchia; Biển Tây kết hợp điện gió, nuôi biển công nghệ cao, chế biến sâu, chuỗi giá trị thủy sản bền vững.

An Giang xác định '6 nhiệm vụ' then chốt trong nhiệm kỳ 2025-2030 - Ảnh 3.

Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh An Giang và cựu lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ

Theo ông Hoan, hướng đến APEC 2027, An Giang triển khai 21 dự án hạ tầng trọng điểm. Ngành nông nghiệp có thể đề xuất dự án thứ 22 - “Ấn tượng Nông nghiệp An Giang”. Các sản phẩm tại APEC 2027 thể hiện chất lượng, giá trị kinh tế nông nghiệp và thương hiệu nông sản. Đó là cơm từ gạo phát thải thấp, sản phẩm thủy sản chọn lọc kỹ lưỡng, sản phẩm rơm rạ tái chế thân thiện và hình ảnh người nông dân, ngư dân chăm chỉ.

“Chúng ta cùng nhau phác thảo và hành động cho An Giang trong 5 năm, 10 năm tới và xa hơn. An Giang sẽ đổi mới bằng dòng chảy tự nhiên, linh hoạt, sáng tạo, với tinh thần đổi mới, năng động như “dòng kênh Vĩnh Tế thời đại số”. Tiếp nối bậc tiền nhân đào kênh, chúng ta sẽ phát triển bằng trí tuệ, niềm tin và tình yêu quê hương”, ông Hoan nói.

Ông Hồ Văn Mừng - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết qua 5 giờ làm việc có 12 ý kiến, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất nhiều ý tưởng cho tỉnh An Giang định hướng phát triển kinh tế biển. Đặc biệt là các văn kiện Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang năm 2025-2030 về xây dựng Đảng.

"Hội thảo thống nhất 6 nội dung dễ thực hiện: Một phương châm nhất thể, hai trục kết nối, ba đột phá, bốn trụ cột, năm vùng kinh tế trọng điểm và sáu danh mục đề án, dự án trọng điểm, trọng tâm ưu tiên. Tổ biên tập tiếp thu để hoàn thiện báo cáo từ ý kiến đề xuất của các chuyên gia đã đóng góp các giải pháp cấp bách và lâu dài", ông Mừng nói.

An Giang cần làm '6 nhiệm vụ' then chốt trong nhiệm kỳ 2025-2030 - Ảnh 6.2.228 cán bộ về Rạch Giá có nhu cầu nhà ở sau hợp nhất tỉnh An Giang

Thường trực UBND tỉnh An Giang và Kiên Giang đã họp bàn bạc việc bố trí trụ sở làm việc, nhà ở và việc đi lại cho hàng ngàn cán bộ về Rạch Giá làm việc sau hợp nhất tỉnh An Giang từ ngày 1-7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0