18/07/2025 10:42 GMT+7

Bàn tay cô gái làm da mộc kể chuyện đời

Ở Huế có cô gái trẻ đam mê chạm khắc trên da mộc và biến chúng thành những món đồ tinh tế như chiếc túi, ví, dây đồng hồ bắt mắt từ đôi tay những người thợ lành nghề khéo léo.

da mộc - Ảnh 1.

Ngô Phương Dung chạm khắc trên da mộc - Ảnh: LINH CHI

Cô bạn ấy là Ngô Phương Dung (34 tuổi), chủ tiệm đồ da nép mình khiêm tốn giữa lòng khu phố Tây nhộn nhịp ở TP Huế.

Lưu giữ ký ức từ hình khắc trên món đồ da

Mở cánh cửa gỗ của tiệm, mùi da thuộc, mùi sơn, mùi gỗ như quyện vào nhau. Dung cúi sát bàn làm việc. Trên tấm da mộc màu nâu nhạt dưới ánh đèn, từng nhát dao mảnh cứ thế lướt đi, chậm rãi mà dứt khoát. Không gian như ngừng lại, chỉ còn tiếng dao từ đôi tay cô gái chạm nhẹ trên mặt da.

"Mỗi sản phẩm là một câu chuyện", Dung nói và mắt không rời khỏi đường chạm khắc. Đó có khi là chân dung người vợ quá cố được khắc lên ví da mà người chồng muốn mang theo bên mình mỗi ngày. Đó có lúc là hình bóng người mẹ đã rời xa, cũng có khi là ngôi nhà cũ từng nhiều năm gắn bó hay chỉ là một điểm đến đã ghi dấu quá nhiều ký ức với chủ nhân.

Ông Clarence William Roberson (du khách Mỹ) hào hứng kể ông chỉ định tìm chiếc bao đựng sáo nhưng lại mang về cả một kỷ vật. "Cô ấy làm bao đựng cây sáo cho tôi chỉ trong một giờ. Kết quả thật tuyệt vời khi những nét chạm khắc tinh xảo vừa vặn đến từng ly. Tôi nhận mà cảm động lắm", Clarence xúc động.

Tám năm làm nghề, cô gái 9X không nhớ nổi đã tạo ra bao nhiêu chiếc ví, túi xách hay dây đồng hồ. Nhưng với từng khách hàng, mỗi câu chuyện đằng sau đó đều in sâu trong trí nhớ.

"Có vị khách đưa tôi tấm ảnh người thân đã khuất, yêu cầu tôi khắc thật đẹp để mang theo bên mình. Lúc tôi trao lại chiếc ví đã làm xong, họ ôm vào ngực như muốn khóc khiến tôi cũng lặng người", Dung kể.

Với cô chủ ấy, từng nhát dao khắc xuống là như một lần cô đang bước vào thế giới của người khác, thật chậm rãi nhưng chân thành. Ở đó có nỗi nhớ nhung, những cử chỉ yêu thương, niềm hạnh phúc đong đầy hay chỉ là một nỗi tự hào giản dị. Cô thấu cảm những cảm xúc ấy để rồi từ đôi tay khéo léo cố gắng chuyển tải cảm xúc của từng câu chuyện thành các sản phẩm như mang hơi thở, giúp chủ nhân kể lại câu chuyện sinh động và gần gũi.

da mộc - Ảnh 2.

Chiếc túi do xưởng cô làm ra - Ảnh: LINH CHI

Mình yêu thích công việc với sự chậm rãi này. Nó giúp mình sống chậm lại, đủ thời gian như để lắng nghe nhịp rung cảm của khách hàng mà cũng là của chính mình.
NGÔ PHƯƠNG DUNG

Sống được với đam mê

Hồi học phổ thông ở Đắk Lắk, Phương Dung từng nghĩ bản thân vốn không có gì đặc biệt, cho đến khi tình cờ chạm vào cây cọ vẽ và bảng màu tại một lớp mỹ thuật. "Cảm giác lúc đó như bừng tỉnh", Dung bảo vậy và "thấy cuộc đời bỗng đẹp hẳn lên".

Sau khi tốt nghiệp đại học, Phương Dung quyết định ở lại Huế bởi yêu nét đẹp cổ kính, dịu dàng của thành phố này. Cô gái bắt đầu với một phòng tranh nhỏ và bán thêm đồ lưu niệm. Nhưng phải mãi ba năm sau, lần đầu Dung chạm vào chất liệu da mộc, cô gái nhớ như in "trái tim mới thật sự rung lên"!

Dung chọn dòng da Veg-tan (Vegetable tanned leather) nhập từ Ý, một loại da mộc có màu tự nhiên được thuộc từ thực vật, thân thiện với môi trường và có độ bền cao. "Da càng dùng lâu càng đẹp. Nó thấm mồ hôi ngày qua ngày trở nên bóng và mềm hơn, như kiểu thời gian làm con người ta chín chắn và trưởng thành vậy", Dung ví von.

Những bức tranh xinh xắn được Dung khắc sẵn lên những chiếc ví, giỏ xách. Khách biết đến rồi tìm tới đặt hàng ngày một đông. 

Họ là những người yêu đồ da đến từ nhiều nơi, có khi quay lại mỗi năm, cũng có người đặt hàng từ xa. Và những sản phẩm rời xưởng đã đi khắp nơi mang theo cả tâm hồn xứ Huế mà cô chủ nhỏ muốn gửi trong đó.

Là sản phẩm thủ công, da mộc vốn không dành cho những người vội vàng. Để tạo nên chiếc ví hay túi xách phải qua nhiều công đoạn. Từ chọn da, lên ý tưởng, phác thảo mẫu đến chạm khắc, xử lý, phối màu và bảo quản mà mỗi bước đều đòi hỏi sự kiên nhẫn vì chỉ cần một vết trượt tay cũng có thể làm hỏng cả quá trình.

Thế nên có sản phẩm hoàn thành trong vài giờ nhưng cũng có cái phải mất chục ngày, thậm chí nửa tháng mới xong. Nhưng thời gian không là vấn đề, mà chính là đặt tâm tình vào từng nét chạm sao cho sản phẩm thực sự có hồn. Vì cây dao khắc trong tay Dung như cây bút cần mẫn kể lại những mảnh ghép của đời người trên mặt da.

Phương Dung tâm niệm nghề chạm khắc trên da mộc không chỉ như công việc mưu sinh mà còn là hành trình sáng tạo chậm rãi, đầy kiên nhẫn và yêu thương. Công việc ấy có vẻ phù hợp giữa lòng xứ Huế mộng mơ khi cô gái vẫn đang từng ngày nâng niu từng đường dao, vệt màu, kiên trì kể những câu chuyện đời trên da mộc bằng đôi tay tài hoa và một trái tim thấu cảm.

"Xin đừng gọi tôi là nghệ nhân"

Tùy sản phẩm với độ khó, kích thước và yêu cầu chạm khắc khác nhau mà có giá từ mấy trăm nghìn đến vài triệu đồng. Ngoài đơn hàng theo yêu cầu cá nhân, Phương Dung sáng tạo thêm nhiều mẫu thiết kế theo phong cách riêng.

Dung yêu thích nhất là chủ đề về hoa sen, bởi với cô mỗi bức khắc sen mộc mạc, tinh tế dù trên ví hay túi xách đều tạo sự gần gũi, cảm giác nhẹ nhàng cho người dùng. Cô xin phép đừng gọi mình là nghệ nhân, mà chỉ là người kể chuyện bằng da mộc. Dẫu mỗi sản phẩm đều giúp người ta cảm nhận một tâm hồn tinh tế, sâu sắc mà rất đỗi chân thành.

Hiện xưởng nhỏ của cô gái 9X ấy đang tạo việc làm cho gần chục người là những bạn trẻ từng học mỹ thuật, hay đơn giản chỉ yêu thủ công tìm đến vừa làm vừa học nghề. Mỗi ngày nơi đây vẫn rộn ràng tiếng da chạm, tiếng búa, tiếng cọ và cả niềm vui của những người thợ vì mỗi sản phẩm ra đời đều là độc bản, mang dấu ấn riêng của người dùng.

Da mộc kể chuyện đời - Ảnh 3.Điểm tựa gia đình vực mình đứng lên

Sự nghiệp đang trên đà phát triển thuận lợi, đùng một cái Đàm Quang Phúc bị phát hiện mắc bệnh viêm não khiến anh bị liệt nửa người, nói năng khó khăn. Và sau đó không lâu người cha cũng qua đời…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0