
Dự báo vị trí và hướng di chuyển bão Wipha vào lúc 13h chiều 18-7 - Ảnh: NCHMF
Tại cuộc họp ứng phó với bão Wipha do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức vào chiều 18-7, ông Mai Văn Khiêm - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết khoảng sáng 19-7 bão Wipha sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 3 trong năm nay.
"Hiện nay các điều kiện về môi trường thuận lợi để cường độ bão tăng cấp trong 2-3 ngày tới như nhiệt độ mặt biển cao, thông lượng nhiệt đại dương cao, độ đứt gió trung bình tầng yếu, phân kỳ gió ở tầng cao" - ông Khiêm nói.
Gió cấp 10 - 11, giật cấp 14 - 15
Về hướng di chuyển bão, ông Khiêm cho biết các dự báo quốc tế chưa có độ thống nhất cao về điểm đổ bộ, các phương án dự báo còn lệch trên dưới 100km; nếu bão đi lên nhiều phía bắc thì tác động đến nước ta ít hơn, còn bão đi lệch xuống phía nam vào vịnh Bắc Bộ thì tác động, mưa gió tới đất liền nước ta sẽ nhiều hơn.
Về cường độ bão, ông Khiêm cho biết dự báo cường độ bão mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15, khi ở khu vực vùng biển phía đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). "Khoảng sáng 21-7, bão di chuyển vào vịnh Bắc Bộ.
Từ tối đến đêm 21-7 có khả năng bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền. Khi vào vịnh Bắc Bộ và tác động đến đất liền nước ta, gió bão khoảng cấp 10. Khả năng cao ảnh hưởng đất liền Việt Nam, nếu sớm thì ảnh hưởng từ tối và đêm ngày 21-7, còn dự tính trong ngày 22-7 vùng ảnh hưởng từ Quảng Ninh - Nghệ An.
Khả năng bão gây mưa lớn ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An; thời gian mưa từ ngày 21 đến 24-7, với tổng lượng mưa 200 - 350mm, có nơi trên 600mm.
Đường đi, tác động của bão Wipha có hình dáng của Yagi. Cần hết sức lưu ý, có phương án phòng chống với bão mạnh khi đổ bộ ở cấp 10 - 11, giật cấp 14 - 15" - ông Khiêm lưu ý.
Ông Khiêm cũng cho biết đây mới chỉ là dự báo ban đầu, độ tin cậy chưa cao, sau khi vào Biển Đông sẽ có những thay đổi, nên người dân cần chú ý các bản tin dự báo cập nhật để chủ động ứng phó.
Mưa diện rộng, nguy cơ sạt lở đất
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh theo dự báo đây là cơn bão đầu tiên đổ bộ dù gió khả năng không lớn, mưa khả năng cao, diện khá rộng, tác động tới 1.713 xã thuộc 18 tỉnh thành từ phía bắc Hà Tĩnh trở ra.
Do đó, ông Hiệp đề nghị Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai phối hợp các đơn vị của bộ cử cán bộ có mặt tại các xã có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do thiên tai để kiểm nghiệm lại vận hành, lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền hai cấp trong công tác phòng chống thiên tai để từ đó rút kinh nghiệm.
Với hoạt động trên biển, ông Hiệp đề nghị lực lượng biên phòng thông báo kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn. Cục Thủy sản và Kiểm ngư rà soát lại các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và tổ chức thu tỉa để tránh thiệt hại, không để xảy ra trường hợp như bão Yagi.
Với đất liền, các địa phương cần rà soát lại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất vì từ đầu năm đến nay liên tục xảy ra sạt lở và có phương án phòng chống ngập lụt đô thị. Cùng với đó rà soát các công trình giao thông, công trình nhà nước đang thi công ở miền Bắc để bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, đại diện Bộ Công Thương, cho biết đã có công điện chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra rà soát các công trình trọng điểm, xung yếu, sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão Wipha để bảo đảm an toàn về người và tài sản.
"Qua kiểm tra rà soát các hồ đập thủy điện về công tác ứng phó, đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. Hiện nay các hồ chứa thủy điện quan trọng như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang... đều dưới mực nước dâng bình thường. Đối với các thủy điện vừa và nhỏ cũng đang tăng cường phát điện để tránh xả thừa khi có mưa lũ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp chủtrì họp ứng phó bão Wipha - Ảnh: C.TUỆ
Kịp thời ứng phó, không để bị động bất ngờ
Ông Nguyễn Tiến Sơn, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết đã chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng ứng phó với bão.
Đồng thời bộ sẽ ban hành công điện để triển khai các phương án phòng chống thiên tai cho các hạ tầng thông tin liên lạc, chỉ đạo điều hành cũng như có phương án đảm bảo mạng lưới viễn thông trong và sau bão.
"Căn cứ vào diễn biến cơn bão, bộ sẽ quyết định việc yêu cầu các doanh nghiệp giảm tải, hạ độ cao các ăng ten để tránh rủi ro như bão Yagi năm trước. Đồng thời yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp điều động cán bộ ứng trực tại các vị trí xung yếu, sẵn sàng vật tư và máy nổ để duy trì hệ thống thông tin liên lạc" - ông Sơn nói.
Thượng tá Nguyễn Văn Khiêm, đại diện Bộ Công an, cho biết bộ đã có có công điện chỉ đạo với nhận định bão Wipha có thể tương tự như năm 2024 để các đơn vị bám vào chuẩn bị, triển khai ứng phó.
"Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương, các đơn vị nghiệp vụ chủ động nắm chắc tình hình diễn biến của bão, chủ động triển khai ngay các kế hoạch và phương án bảo đảm tốt công tác an ninh trật tự tại cơ sở để kịp thời ứng phó, không để bị động bất ngờ.
Chủ động hướng dẫn, phân luồng, cắm biển cảnh báo, phối hợp khắc phục sự cố đảm bảo an toàn giao thông thông suốt, đặc biệt không cho người và phương tiện qua các khu vực ngầm tràn, sông suối nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở để bảo đảm an toàn.
Bố trí lực lượng công an cơ sở cùng các phương tiện tại khu vực trọng điểm để tổ chức cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra" - thượng tá Nguyễn Văn Khiêm nói và cho biết bộ cũng chỉ đạo Cục An ninh mạng (A05) xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân đưa tin không chính xác làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống thiên tai.
Không quân sẵn sàng cứu hộ cứu nạn
Đại tá Lê Quang Hào (Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) cho biết Bộ Tổng tham mưu đã có công điện chỉ đạo các quân khu 1, 2, 3, 4 để chỉ đạo các bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương để phối hợp rà soát lại tất cả các phương án ứng phó với mưa bão, nhất là các khu vực vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt và khu vực dễ xảy ra sạt lở, và rà soát các nhà sung yếu, chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ.
Chỉ đạo cho bộ đội biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa thông báo tới các tàu thuyền biết diễn biến của bão và bắn pháo hiệu cảnh báo bão để các tàu thuyền hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn.
Chỉ đạo phòng không - không quân sẵn sàng lực lượng bay để sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi cần thiết. "Hiện nay lực lượng quân đội đang huy động hơn 53.000 cán bộ chiến sĩ, trong đó bộ đội hơn 10.000 người, còn lại là dân quân tự vệ, cùng với 949 phương tiện các loại đã sẵn sàng giúp đỡ nhân dân xử lý các tình huống có thể xảy ra" - đại tá Lê Quang Hào nói.
BÌNH LUẬN HAY