12/05/2025 06:32 GMT+7

Bí quyết giúp Việt Nam sản xuất thành công giống cá cam lần đầu tiên trên thế giới

Ngay trong lần đầu tiên nghiên cứu, cho sinh sản nhân tạo cá cam, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã sản xuất thành công giống cá này. Trong khi các nước như Nhật Bản, Trung Quốc đã và đang nghiên cứu song chưa thành công.

Bí quyết giúp Việt Nam sản xuất thành công giống cá cam lần đầu tiên trên thế giới - Ảnh 1.

Cá cam bố mẹ - Ảnh: ĐẶNG LỤA

Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vừa nghiên cứu, sản xuất thành công giống cá cam tại Việt Nam và là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công giống cá cam.

Khó sản xuất giống cá cam

Nói về quá trình nghiên cứu sản xuất giống cá cam tại hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức mới đây, PGS.TS Đặng Thị Lụa - viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I - cho biết thời gian qua, đơn vị đã gây dựng đàn cá cam bố mẹ từ tự nhiên với khối lượng trung bình 10kg/con, độ tuổi trung bình từ 5-6 tuổi.

Từ kết quả thu thập và gây dựng đàn cá cam bố mẹ, viện đã tiến hành thử nghiệm và cho cá cam sinh sản nhân tạo lần đầu vào tháng 4-2025 và kết quả đã thành công.

"Đây là đối tượng mới và xác định là khó trong lĩnh vực thủy sản nên chúng tôi tiến hành ấp nuôi và ương cá ở hai điều kiện môi trường khác nhau, đó là nuôi trong bể và nuôi trong ao" - bà Lụa chia sẻ.

Bà Lụa cho biết trong lần đầu tiên cho sinh sản nhân tạo cá cam thu được khoảng 3 triệu trứng, tỉ lệ trứng thụ tinh cao trên 90%, kết quả ban đầu cho thấy ấp nuôi trong ao thời gian trứng nở sớm hơn so với ấp nuôi trong bể từ 6-8 tiếng.

Tuy nhiên tỉ lệ nở trứng cả hai mô hình này còn hạn chế (đạt hơn 30%) và nguyên nhân tỉ lệ trứng nở thấp cần được tiếp tục nghiên cứu.

Kết quả ương cá cam từ cá bột lên cá giống (cá hương) từ trong hai mô hình nói trên cho thấy sự sai khác khá rõ rệt dù các điều kiện chăm sóc và cung cấp thức ăn là như nhau.

Bí quyết giúp Việt Nam sản xuất thành công giống cá cam lần đầu tiên trên thế giới - Ảnh 3.

Cá cam 20 ngày tuổi - Ảnh: ĐẶNG LỤA

Nhật Bản, Trung Quốc còn chưa thành công

"Hiện tại cá cam đã 23 ngày tuổi và kết quả cho thấy nuôi ương trong ao tỉ lệ sinh trưởng, sống tốt hơn. Nuôi trong bể thì không thành công trong việc chuyển đổi thức ăn, còn nuôi trong ao thành công trong việc sử dụng thức ăn công nghiệp.

Việc cá cam bắt đầu tiếp nhận và sử dụng thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tự nhiên từ ngày ương thứ 18 mở ra cơ hội lớn của việc thành công trong sản xuất giống cá cam, vì khâu chuyển tiếp thức ăn được cho là một khâu kỹ thuật then chốt.

Hiện tại đàn cá cam đã được 23 ngày tuổi, và như vậy có thể nói lần đầu tiên trên thế giới, tại Việt Nam đã sản xuất thành công giống cá cam. Hiện đàn cá cam được tiếp tục ương lên cá giống để tiến tới thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm" - bà Lụa nói.

Bà Lụa nhấn mạnh đây là kết quả sản xuất giống, một số nước nghiên cứu có thể sinh sản thành công (cá đẻ ra trứng) nhưng trứng không thụ tinh hoặc phôi không phát triển được thành con giống.

Bà Lụa cũng cho biết hiện nay do nguồn cá giống ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào con giống tự nhiên, Nhật Bản và Trung Quốc đã và đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất giống nhân tạo cá cam nhưng chưa thành công.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc sản xuất giống cá cam ở một số nước chưa thành công là do điều kiện khí hậu lạnh ảnh hưởng đến tỉ lệ trứng thụ tinh, sự phát triển của phôi, ấu trùng và do nguồn thức ăn cho giai đoạn ấu trùng cá không phù hợp dẫn tới tỉ lệ sống giai đoạn cá con quá thấp.

Cá cam có tốc độ sinh trưởng nhanh, phù hợp nuôi biển xa bờ

Theo bà Lụa, cá cam được xác định là loài nuôi biển cao cấp, có tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể đạt 3kg trong vòng 18 tháng nuôi.

Cá cam phân bố rộng trong tự nhiên ở nhiều vùng biển nước ấm trên thế giới, phù hợp với nuôi lồng xa bờ, điều này giảm áp lực cho nuôi biển ven bờ.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu là các thị trường ưa chuộng và nhập khẩu nhiều cá cam, thường sử dụng chế biến thành sashimi, sushi tại các nhà hàng sang trọng.

Viện trưởng tiết lộ bí quyết sản xuất thành công giống cá cam đắt giá - Ảnh 2.Việt Nam cam kết phát triển nghề cá bền vững

TTO - Ngày 28-11 tại Đà Nẵng, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) tổ chức khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 19, với sự có mặt của 550 đại biểu đến từ nhiều nước trong khu vực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0