
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế sáng 23-5 - Ảnh: C.DŨNG
Sáng 23-5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế.
Câu kết, móc nối với cơ quan chức năng
Trao đổi tại hội nghị, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an cho biết từ đầu năm đến nay, riêng về tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, cơ quan công an đã khởi tố 6 vụ án với hơn 104 bị can.
Từ những vụ khởi tố tội phạm sản xuất hàng giả, cơ quan chức năng xác định các nhóm thủ đoạn của những công ty sản xuất.
Thứ nhất là lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm, đăng ký tiêu chuẩn hàm lượng cao nhưng sản xuất không đúng tiêu chuẩn công bố.
Thứ hai là các sản phẩm thổi phồng tính năng công dụng, lừa dối người tiêu dùng nhằm mục đích trục lợi.
Thứ ba, các đối tượng thành lập nhiều doanh nghiệp, đăng ký tại nhiều địa điểm khác nhau, nhập nguyên liệu, nhà máy sản xuất, đăng ký sản phẩm, truyền thông, phân phối…, hoạt động khép kín để hợp thức, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Thứ tư là có sự câu kết, móc nối với cơ quan chức năng, đơn vị liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như cung cấp phiếu kiểm nghiệm khống để hợp thức hóa thủ tục xin công bố sản phẩm.
Vừa rồi Bộ Công an đã khởi tố 5 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã giảm số lỗi khi cấp phép giấy chứng nhận nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng theo tiêu chuẩn GMP, cấp hồ sơ công bố sản phẩm. Các đối tượng cũng lợi dụng những hạn chế trong công tác hậu kiểm. "Chúng tôi sẽ mở rộng điều tra tiếp" - vị này cho biết.
Ngoài ra cũng có một số tồn tại, vướng mắc, bất cập trong các văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm. Chậm trễ trong việc ban hành các quy định, hướng dẫn thi hành luật tạo lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng.
"Chúng tôi đã có kiến nghị báo cáo Quốc hội tăng mức phạt tù, nâng mức xử phạt tiền để đảm bảo răn đe. Chúng ta phải nhận thức rõ việc phòng chống hàng thuốc, thực phẩm giả không chỉ là trách nhiệm của Bộ Y tế mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương", đại diện C03 nhấn mạnh.

Loại kem chống nắng có chỉ số chống nắng cao nhưng khi kiểm nghiệm chỉ đạt chưa đầy 1/20 công bố trên nhãn hàng - Ảnh minh họa
Địa phương nói "hậu kiểm khó"
Liên quan đến các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng, ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay hiện nay có nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, hậu kiểm.
Qua công tác kiểm tra cho thấy những đối tượng cầm đầu đường dây không trực tiếp tham gia sản xuất, chỉ đạo nhân viên, thuê nơi sản xuất ở vị trí vắng vẻ, xa trung tâm. Nhiều đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng nhiều trường hợp vẫn tái phạm do lĩnh vực này đem lại lợi nhuận cao.
"Qua kiểm tra đột xuất thời gian vừa qua, thành phố nhận thấy nhiều cơ sở kinh doanh dược, thiết bị có sự chuẩn bị, đề phòng trước nên đã chuyển hàng hóa đi nơi khác cất giấu.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Facebook, Zalo diễn ra phức tạp. Các đối tượng tạo tài khoản giả, khó xác định nơi chứa hàng hóa vi phạm để kiểm tra xử lý, khó xác định chủ thể hành vi vi phạm, khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính…
Kiến nghị cần có hình phạt thích đáng với các sai phạm này, làm sao đủ sức răn đe", đại diện Sở Y tế TP.HCM kiến nghị.
Đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cũng cho hay việc hậu kiểm gặp nhiều khó khăn. Mặc dù từ đầu năm 2024 địa phương đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra nhưng rất khó để xác định được hàng giả.
"Theo quy định lấy mẫu, địa phương chỉ kiểm tra được chỉ số an toàn thực phẩm, chứ không kiểm tra được chất lượng.
Và khi thực hiện kiểm tra, đoàn chỉ kiểm tra hậu kiểm ở cơ sở sản xuất và chỉ có thể kiểm tra chất lượng khi người dân có ý kiến", đại diện tỉnh Hòa Bình cho biết.
Liên quan đến vụ sữa giả vừa rồi, đại diện tỉnh Hòa Bình cho biết công ty sản xuất sữa giả thực hiện công bố sữa ở tỉnh Hòa Bình nhưng lại không bán hàng trên địa bàn tỉnh, không bán ở siêu thị hay bất cứ bệnh viện nào trên địa bàn.
Do đó đại diện tỉnh Hòa Bình cho rằng cần sửa đổi nghị định 15 về an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp, khi có đầu ra cần phải chứng minh được sản phẩm đó đạt chất lượng hay không.
Không có vùng cấm với sản phẩm giả
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh quản lý thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị.
"Bộ Y tế luôn xác định rõ công tác quản lý các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế là nhiệm vụ then chốt trong phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế là kiên quyết, đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả trong lĩnh vực y tế. Các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, không có "vùng cấm", không có "ngoại lệ".
Đồng thời, Bộ Y tế sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có hành vi buông lỏng quản lý, tiếp tay hoặc bao che cho các hoạt động sai phạm", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Tại hội nghị, nhiều địa phương, ban ngành đề xuất nhanh chóng sửa đổi nghị định để ngăn hàng giả. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay về kiến nghị sửa nghị định 15, Bộ Y tế đã và đang tiến hành từ nhiều tháng nay.
Theo bà Lan, bộ đã có đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm (ban hành năm 2010), đến nay đã có nhiều thay đổi cần phải sửa đổi luật, trong đó có nghị định 15. Trong lần sửa đổi này sẽ tăng cường phòng chống hàng giả. Dự kiến sẽ trình Quốc hội cuối tháng 5, đầu tháng 6.
Về việc đoàn kiểm tra đột xuất, rầm rộ nhưng khó phát hiện, theo bộ trưởng đây là đợt cao điểm nên các địa phương tăng cường ra quân phòng chống hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên công việc này các địa phương cần phải tiến hành quanh năm, chứ không chỉ phát động 1 tháng và thực hiện trong tháng đó.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng nêu cao vai trò của người dân trong phát hiện, tố giác hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả đến cơ quan chức năng để có thể vào cuộc sớm, kịp thời.
BÌNH LUẬN HAY