24/01/2014 07:25 GMT+7

"Bộ lạc chuột" ở Bắc Kinh

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Cách sân vận động Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc) trị giá 600 triệu USD không xa, gia đình cô công nhân nhập cư Diệp Nghị Văn chui rúc trong một căn phòng chật hẹp dưới lòng đất, nơi che chắn cho vợ chồng cô và hai đứa bé khỏi cái lạnh cắt da của mùa đông miền bắc.

8GOnP3Di.jpgPhóng to
Căn nhà dưới giếng của ông Vương Tú Thanh - Ảnh: Reuters

Diệp là một trong số rất nhiều dân nhập cư buộc phải sống dưới lòng đất do không đủ tiền thuê một phòng trọ đúng nghĩa. Dưới các tầng hầm, giếng nước khô, họ sống thành từng khu mà người dân Bắc Kinh hay gọi là các “bộ lạc chuột”.

Sống dưới lòng đất

281.000 người sống chui rúc

Theo số liệu của nhà chức trách Trung Quốc, hiện có khoảng 281.000 người sống chui rúc dưới tầng hầm, các giếng nước bỏ hoang hoặc các nhà ở dưới lòng đất. Tuy nhiên, các báo cáo không chính thức cho biết con số trên có thể lên tới 1 triệu người.

Trong một căn phòng chật hẹp dưới tầng hầm, anh Quan Sinh, 25 tuổi, ngồi co ro trên giường. Quan chăm chú nhìn vào màn hình máy tính xách tay để đọc các quảng cáo tìm việc, mặc cho mùi hôi thối từ nhà vệ sinh công cộng xộc vào mũi. Quan cho biết anh chi khoảng 600 NDT/tháng (hơn 2 triệu đồng) để thuê căn hộ dưới tầng hầm này.

“Tiết kiệm tiền là quan tâm số một của tôi” - Quan vừa nói vừa đi dọc hành lang tối tăm dưới tầng hầm. Anh cho biết cũng nhờ sống dưới lòng đất, anh chỉ tốn rất ít tiền điện và nước. Nhưng giọng nói Quan lạc đi ngay sau đó khi nhắc tới việc sở hữu một căn hộ ở Bắc Kinh. “Đó là điều mà tôi chưa dám nghĩ đến ngay lúc này” - Quan tâm sự với AFP.

Dù vậy, “nhà” của Quan còn tốt hơn nhiều so với những đường cống hoặc giếng cũ hôi hám dưới chân những căn nhà chọc trời của thủ đô Bắc Kinh. Trong hơn 10 năm trời, những khách hàng giàu có của khách sạn Lido tại quận Triều Dương hiếm khi nào tưởng tượng nổi bên dưới chiếc nắp cống cạnh nơi mình ra vào là ngôi nhà của một người đàn ông trung niên nghèo khổ.

Báo Tân Kinh cho biết giữa năm 2013, ông Vương Tú Thanh, 52 tuổi, lao động nhập cư từ tỉnh Hà Bắc, bỗng dưng trở nên nổi tiếng khi truyền thông đưa tin về ngôi nhà dưới giếng.

Mặc dù sống dưới giếng với mối nguy hiểm luôn rình rập, ông Vương vẫn vui vẻ cho biết suốt 10 năm sống dưới giếng, ông tiết kiệm được 36.000 NDT (125 triệu đồng). Ông Vương bảo rằng số tiền trên ông dành dụm để trả tiền nợ vi phạm chính sách một con và nuôi ba cô con gái ăn học. Số tiền ông kiếm được thậm chí không đủ để thuê một căn hộ rẻ nhất tại Bắc Kinh.

Giá mỗi mét vuông ở chung cư gần nơi ông Vương sinh sống lên đến 40.000 NDT (gần 140 triệu đồng). Ngước nhìn tòa chung cư cao tầng, ông Vương thở dài: “Tôi không đủ tiền mua 1m2 căn hộ kia”.

fQEra7xF.jpgPhóng to
Chỗ ngủ dưới giếng của ông Vương Tú Thanh - Ảnh: Reuters

Ai cho tôi phẩm giá?

Hàng ngàn căn hầm tránh bom được Trung Quốc xây dựng sau khi nắm chính quyền vào năm 1949 đã trở thành “nhà” của hàng ngàn người dân nhập cư. Năm 2010, chính phủ ra lệnh cấm sử dụng các nơi trú ẩn này nhưng người dân di cư nghèo khổ vẫn xem đây là chốn nương thân.

Viện Nghiên cứu chỉ số Trung Quốc hồi tháng 12-2013 cho biết các căn hộ có giá trung bình lên đến 31.500 NDT/m2 (khoảng 110 triệu đồng). Mức giá này tăng 28,3% mỗi năm. Tháng 11-2013, Trung Quốc tuyên bố kế hoạch tạo điều kiện cho nông dân nhập khẩu thành phố. Tuy nhiên, khi giá nhà đất cao gấp 13,3 lần thu nhập bình quân của người dân, các nông dân nghèo di cư đến Bắc Kinh khó lòng kiếm được một chốn nương thân.

Việc hàng trăm triệu người dân nông thôn đổ xô đến các thành phố lớn trong vài thập kỷ qua trở thành cuộc di dân lớn nhất lịch sử. Nhưng những người thực hiện hành trình này không hẳn tìm được một cuộc sống khá giả tại đây.

Không chỉ bị cái nghèo đeo bám, nhiều lao động di cư còn phải khổ sở với món nợ “vỡ kế hoạch” và chế độ hộ khẩu nghiêm ngặt. Ông Vương Tú Thanh cho biết món tiền ông phải đóng phạt do vi phạm chính sách một con lên đến 60.000 NDT (209 triệu đồng). Nhiều lần ông cố tình thoái thác việc đóng phạt, nhưng khi ba cô con gái đến tuổi vào trung học, không đóng tiền phạt cũng đồng nghĩa với việc không hộ khẩu, không được tiếp tục đi học.

“Phẩm giá không phải là thứ dành cho tất cả mọi người. Đối với những người sống như ăn mày thì phẩm giá không là gì cả. Năm 2008, khi tôi đang rửa xe cho khách bên lề đường, một người quản lý đô thị bắt tôi đi. Anh ta thả con chó trong cũi sắt ra ngoài và bắt tôi chui vào trong đó. Tôi cũng muốn có phẩm giá. Nhưng kể từ giây phút đó, phẩm giá nào còn lại cho tôi?” - ông Vương kể lại trong một buổi phỏng vấn với báo Tân Kinh bằng giọng cam chịu.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0