
Trụ sở làm việc Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, UBND tỉnh nằm bên trục đường ven biển Trần Phú, TP Nha Trang - Ảnh: TRẦN HOÀI
Sở Tài chính Khánh Hòa vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về việc bố trí trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và phương tiện đi lại cho cán bộ khi sáp nhập hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.
Theo Sở Tài chính Khánh Hòa, với trụ sở làm việc các cơ quan khối Đảng, tổng số biên chế cán bộ công chức, viên chức dự kiến làm việc tại Khánh Hòa để bố trí là 412 người, trong đó Khánh Hòa 241 người, Ninh Thuận 171 người.
Dự kiến phương án bố trí tại 3 địa chỉ gồm số 6 Trần Hưng Đạo, số 42 Lê Thánh Tôn và số 15 Yersin (TP Nha Trang).
Ngoài ra, sau khi dự án trụ sở các cơ quan Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh tại số 1 Trần Phú (TP Nha Trang) hoàn thành đưa vào sử dụng, trụ sở làm việc các khối cơ quan Đảng sẽ được bố trí tại đây, dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2025.
Với trụ sở làm việc khối cơ quan chính quyền và các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, tổng số biên chế cán bộ công chức, viên chức dự kiến làm việc tại Khánh Hòa để bố trí là 3.150 người (Khánh Hòa 1.873 người, Ninh Thuận 1.277 người).
Dự kiến phương án bố trí tại 58 cơ sở nhà, đất trên địa bàn TP Nha Trang.
Với trụ sở làm việc khối Mặt trận và các đoàn thể, tổng số biên chế cán bộ công chức, viên chức dự kiến làm việc tại Khánh Hòa để bố trí là 308 người (Khánh Hòa 191 người, Ninh Thuận 117 người). Dự kiến phương án bố trí tại 19 cơ sở nhà, đất trên địa bàn TP Nha Trang.
Về phương án nhà ở công vụ và hỗ trợ thuê nhà cho cán bộ sau khi sáp nhập Khánh Hòa - Ninh Thuận, theo quy định, tổng nhu cầu nhà ở công vụ là 96 người, nhu cầu nhà ở không thuộc đối tượng công vụ 2.073 người.
Trong đó, 96 cán bộ, công chức đủ điều kiện sẽ được bố trí tại nhà khách Tỉnh ủy, nhà khách T78 và các quỹ nhà ở khác hiện còn trống trên địa bàn.
Với 2.073 cán bộ còn lại, Sở Tài chính căn cứ hướng dẫn của Trung ương và khả năng ngân sách của địa phương để tham mưu UBND tỉnh mức hỗ trợ tiền thuê nhà.
Cũng theo Sở Tài chính Khánh Hòa, với phương tiện đi lại, qua khảo sát, tổng nhu cầu phương tiện đi lại là 2.169 người.
Trong đó, có 11 cán bộ sử dụng xe công vụ do cơ quan tự bố trí hoặc thuê xe đưa đón, 1.699 người tự túc phương tiện cá nhân và được hỗ trợ chi phí đi lại, 459 người sử dụng xe buýt hoặc xe buýt điện theo lộ trình cố định.
BÌNH LUẬN HAY