
Bộ trưởng Lương Tam Quang - Ảnh: Quochoi.vn
Việc ban hành luật sẽ giúp đáp ứng yêu cầu về quyền con người, quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như hoạt động chuyển đổi số, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng cần phân biệt các loại dữ liệu cá nhân, gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Bởi dữ liệu nhạy cảm đòi hỏi các biện pháp bảo vệ chặt chẽ hơn.
Phân biệt rõ dữ liệu thông thường và dữ liệu nhạy cảm
Đặc biệt là những dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực sức khỏe, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, thông tin tín dụng phải áp dụng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Tuy nhiên trong dự thảo chỉ nên quy định chi tiết danh mục đối với loại dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Bởi theo kinh nghiệm của nhiều nước, dữ liệu cá nhân nhạy cảm là nội dung quan trọng, liên quan đến quyền của các cá nhân, nên các nước thường quy định một số dữ liệu cá nhân nhạy cảm ngay trong luật.
Ví dụ, theo luật của Nhật Bản, có những dữ liệu như trạng thái xã hội, hồ sơ bệnh án, hồ sơ phạm tội… luật của Trung Quốc liệt kê dữ liệu nhạy cảm bao gồm nhận dạng sinh trắc học, tín ngưỡng tôn giáo, dữ liệu y tế, chăm sóc sức khỏe, tài khoản tài chính, dữ liệu theo dõi vị trí...
Do đó đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định một số loại cơ bản ngay trong luật, còn những thông tin khác giao Chính phủ quy định, phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ...
Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) chỉ ra có những hành vi tạo ra thông tin dữ liệu sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, có khi xuyên tạc sai sự thật những thông tin, dữ liệu của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Hành vi này được đánh giá là rất nguy hiểm, tạo ra sự sai lệch, xuyên tạc so với thực tế, những thông tin sai lệch, xuyên tạc về lịch sử để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm hành vi này vào dự thảo luật cho rõ hơn.
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết sớm ban hành luật, nên Chính phủ đã đề xuất Quốc hội xem xét ban hành thông qua tại 1 kỳ họp. Hiện đã có khoảng 150 nước trên thế giới có quy định về Luật Dữ liệu cá nhân.
Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số sâu rộng, ảnh hưởng tới mỗi cá nhân trên không gian mạng, quyền nhân thân, quyền riêng tư và đối mặt nguy cơ xâm hại gia tăng sẽ đe dọa đến an ninh con người.
"Mục tiêu của luật phải điều chỉnh được các vấn đề xâm phạm dữ liệu cá nhân đang nhức nhối trong thực tiễn. Đồng thời cũng mang tính dự báo, bao quát các công nghệ mới để bảo vệ dữ liệu cá nhân toàn diện nhất", Bộ trưởng Quang nói và cho biết trong dự thảo đưa ra các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có mua bán dữ liệu cá nhân.
Không thể xem dữ liệu cá nhân là hàng hóa, mà là tài nguyên đặc biệt
Trên thực tế, ông đánh giá nhận thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhiều tổ chức, cá nhân còn hạn chế, tạo ra "vùng xám" trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền con người, quyền nhân thân riêng tư, nên không thể xem là hàng hóa, tài sản, mà là tài nguyên đặc biệt, yêu cầu khai thác phải đi đôi với bảo vệ ở mức cao nhất.
"Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người, quyền định đoạt thông tin của người khác", Bộ trưởng Quang nói và cho rằng đây là quan điểm phù hợp với thông lệ quốc tế, tức là xác định ranh giới giữa sử dụng và định đoạt.
Cũng theo bộ trưởng Bộ Công an, thực tế trong các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với quy mô lớn mà thời gian qua Bộ Công an đã đấu tranh và triệt phá, thì yếu tố lộ lọt mua bán dữ liệu cá nhân là nguyên nhân chính khiến các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Thực tế việc mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa diễn ra với số lượng dữ liệu rất lớn, bán nhiều lần cho nhiều đối tượng. Các đối tượng xây dựng kịch bản lừa đảo, tiếp cận nạn nhân chính xác dễ dàng.
Nhiều tổ chức thiếu quy định, chính sách quản lý chưa chặt chẽ, không phân quyền xử lý dữ liệu cá nhân khiến nhân viên lấy thông tin khách hàng với tính chính xác rất cao, cập nhật theo thời gian thực và bán cho các đối tượng lừa đảo.
Đây chính là thực trạng nhiều đại biểu đã nêu về lừa đảo trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, điện lực, bảo hiểm và vận chuyển (ship) hàng hóa.
"Chính phủ nhận thấy nếu không cấm buôn bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường và có chế tài xử lý nghiêm minh, sẽ phát sinh rất nhiều phương thức thủ đoạn để hình thành chợ đen về dữ liệu cá nhân gây hậu quả, thiệt hại rất lớn và nỗi bất an cho người dân", bộ trưởng Bộ Công an nêu.
BÌNH LUẬN HAY