
Hội thảo diễn ra chiều 17-5 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước - Ảnh: NLĐ
Ông Trịnh Đức Minh - chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột - nhận định như vậy tại hội thảo "Cà phê Việt Nam: Tăng lợi ích cho người trồng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu".
Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình "Tôn vinh cà phê - trà Việt" lần 3 năm 2025 do báo Người Lao Động tổ chức ngày 17 và 18-5 tại trung tâm thương mại Gigamall (TP Thủ Đức).
Việt Nam gặp khó vì sản xuất manh mún, thiếu ổn định
Theo ông Trịnh Đức Minh, Brazil sản xuất chủ đạo cà phê Arabica nhưng hàng Robusta vẫn có thể sớm vượt lên dẫn đầu nhờ tiến bộ kỹ thuật, chính sách phát triển bền vững. Các hợp tác xã của họ có diện tích rất lớn, hoạt động chuyên nghiệp, chuyên canh với năng suất bình quân đạt 7-8 tấn/ha.
Trong khi đó, tại Việt Nam, người dân liên tục chuyển đổi cây trồng theo hướng chạy theo lợi nhuận ngắn hạn như sầu riêng, bơ, tiêu... dẫn đến sản lượng cà phê biến động thất thường, năng suất chỉ khoảng 3-4 tấn/ha.
"Là quốc gia sản xuất cà phê Robusta với sản lượng hiện đứng đầu thế giới, nhưng nếu Việt Nam không kịp chuyển mình, nguy cơ mất vị thế trên thị trường cà phê toàn cầu là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong 2-3 năm nữa, sản lượng Robusta của Brazil có thể đạt hơn 30 triệu pound, vượt qua Việt Nam", ông Minh cảnh báo.
Góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Quang Bình cho rằng dù nhiều người tiếc nuối vì Việt Nam chưa thể đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị, nhưng cần nhìn nhận vào thực tế sản xuất.
Cụ thể, Việt Nam có khoảng 1,6 - 1,8 triệu tấn cà phê mỗi năm nhưng đến 90% sản lượng đến từ các hộ nhỏ lẻ, mỗi vườn chỉ sản xuất vài tấn. Rất hiếm trang trại đạt sản lượng 100 tấn trở lên. Điều này gây nhiều hạn chế trong việc đầu tư chế biến.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng yếu tố khoa học - công nghệ cũng là một điểm nghẽn lớn. Việt Nam nằm ở nền sản xuất nhỏ lẻ, vùng nguyên liệu chưa được tổ chức hiệu quả và thiếu quy mô.
"Muốn có sản lượng lớn, chất lượng ổn định không thể để người nông dân tự bơi. Cần xây dựng các hợp tác xã đủ mạnh, được hỗ trợ về chính sách, đất đai, nhân lực và cơ sở vật chất. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới có thể liên kết hiệu quả với vùng nguyên liệu, tạo thành chuỗi giá trị bền vững", một chuyên gia khẳng định.
Xây dựng thương hiệu không chỉ là câu chuyện sản phẩm

Khách hàng tham quan, mua sắm cà phê tại chương trình "Tôn vinh cà phê - trà Việt" lần 3 năm 2025 - Ảnh: H.T
Ở góc nhìn khác, ông Gruber Alexander Lukas - giám đốc Công ty CP Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn (Alambé Việt Nam) - cho rằng thay vì cạnh tranh với những nước sản xuất cà phê khác trên thế giới, Việt Nam nên tập trung vào những sản phẩm riêng có, là thế mạnh của mình như Robusta.
"Việt Nam cần giới thiệu cà phê không chỉ là một loại thức uống, mà còn là một phần văn hóa, là kết tinh của công sức, tâm huyết và đặc trưng vùng miền. Ngoài ra, cà phê "thật" không pha trộn, không biến tấu đang được ưa chuộng", ông nhận định.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Ngọc Quân - tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) - cho rằng cần thay đổi tư duy tiếp cận và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cà phê Việt tại EU.
Theo ông Quân, dù cà phê Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) nhiều năm qua nhưng phần lớn vẫn là cà phê thô, chưa qua chế biến sâu.
Sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng còn rất hạn chế, dẫn đến thương hiệu cà phê Việt chưa được nhận diện rộng rãi.
"Để khai thác hiệu quả thị trường EU, cần có chiến lược dài hạn và bền vững hơn. Đặc biệt, việc thiết lập các mối quan hệ làm ăn lâu dài và đáng tin cậy với đối tác tại châu Âu là điều kiện tiên quyết.
Xây dựng thương hiệu cà phê Việt không chỉ là câu chuyện sản phẩm, mà còn là hành trình lan tỏa giá trị văn hóa và vị thế nông sản Việt Nam trên trường quốc tế", ông Quân nhấn mạnh.
Theo ông Quân, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cà phê Việt Nam đẩy mạnh thâm nhập thị trường EU, thông qua các kênh kết nối với kiều bào, doanh nghiệp Việt kiều, nhà nhập khẩu.
Nhà báo Tô Đình Tuân - tổng biên tập báo Người Lao Động - cho rằng không chỉ tăng trưởng xuất khẩu cao, mục tiêu còn làm cho người trồng cà phê có cuộc sống tốt hơn khi là ngành hàng liên quan đến một triệu con người.
Sau hội thảo, báo sẽ tổng hợp các ý kiến để kiến nghị đến cơ quan chức năng, từ đó có thêm những giải pháp, thúc đẩy biến động mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm 2025 đạt 662.900 tấn với 3,78 tỉ USD, giảm 9,8% về khối lượng nhưng tăng 51,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
BÌNH LUẬN HAY