
Hình ảnh dòng dung nham hình chim phượng hoàng trên bầu trời đêm nước Ý thu hút nhiều sự chú ý và thích thú trên mạng xã hội - Ảnh: DAVIDE BASILE
Phượng hoàng vốn là loài chim thần thoại nổi tiếng với ý nghĩa trỗi dậy từ đống tro tàn sau khi bị lửa thiêu rụi. Vì hình ảnh quá đỗi đặc biệt, bức ảnh nhanh chóng được lan truyền trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Reddit, Threads, X, Facebook… từ năm 2019 cho đến tận hôm nay.
Dạo gần đây trên Instagram, một đoạn video ngắn có sử dụng hình ảnh này được đăng vào ngày 12-3 thậm chí đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem và 290.000 lượt thích, tính đến ngày 19-5.
Vì được chia sẻ tràn lan, nhiều người đã quên đi việc ghi nguồn tác giả, hay thậm chí gán nhầm cho những nhiếp ảnh gia khác - khiến một số người nghi ngờ tính chân thật của bức hình.
Tuy nhiên theo trang kiểm chứng tin tức Snopes, bức ảnh trên là hoàn toàn có thật, do nhiếp ảnh gia người Ý Davide Basile chụp lại vào tối 19-7-2019 từ thị trấn ven biển Riposto, phía đông núi Etna, Ý.
Ông Basile xác nhận hình ảnh trên được chụp từ cầu cảng Molo Costanzo, không qua chỉnh sửa đáng kể ngoài cân bằng màu sắc cơ bản.
Hình dáng phượng hoàng của dòng dung nham là đúng với thực tế mà ông nhìn thấy qua ống kính vào thời điểm chụp.
Theo chương trình Núi lửa toàn cầu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên quốc gia Smithsonian (Mỹ), núi Etna đã có đợt phun trào liên tục từ tháng 9-2013 đến tháng 9-2019.
Cùng với đó, dòng dung nham được ghi nhận đã xuất hiện ở sườn đông bắc của núi vào ngày 18-7-2019 và kéo dài trong vài ngày sau đó - trùng khớp với thời điểm ông Basile ghi lại bức ảnh.
Thông tin này càng chứng minh hình ảnh trên là hoàn toàn có thật.
Khi được hỏi về việc bức ảnh của mình được lan truyền khắp nơi nhưng lại không ghi nguồn, ông Basile tâm sự: “Ban đầu điều này làm tôi rất khó chịu và tôi đã tranh cãi với những người đó, nhưng rồi tôi hiểu rằng nếu ảnh được chia sẻ nhiều đến vậy thì nghĩa là mọi người yêu thích nó và tôi đã làm rất tốt”.
“Có lẽ chính bức ảnh cũng giống như phượng hoàng - không bao giờ chết”, ông nói.
BÌNH LUẬN HAY