
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh kem chống nắng giúp giảm nguy cơ mắc ung thư da - Ảnh: FREEPIK
Tin lan truyền trên mạng cũng nói rằng hai hóa chất có trong kem chống nắng là avobenzone và oxybenzone sẽ xâm nhập vào máu sau một ngày sử dụng, ngụ ý rằng dùng kem chống nắng là nguy hiểm.
Kem chống nắng không làm tăng nguy cơ ung thư da
"Đừng bôi thứ này lên người con bạn", một bài đăng trên Facebook cảnh báo. Một người dùng bình luận: "Cơ thể chúng ta vốn có khả năng tự bảo vệ. Hãy thải độc khỏi hóa chất và kim loại, và bạn sẽ không cần kem chống nắng".
Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, các chuyên gia da liễu và ung thư da cho biết dù đúng là một số hóa chất trong kem chống nắng có thể thấm vào máu, nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy điều đó gây hại. Đồng thời cũng không có bằng chứng xác thực rằng vitamin D từ ánh nắng mặt trời giúp phòng ung thư da.
Theo các chuyên gia, mối liên hệ giữa việc sử dụng rộng rãi kem chống nắng và sự gia tăng các ca u ác tính - loại ung thư da nguy hiểm nhất - chỉ là sự trùng hợp, không phải quan hệ nhân quả. Ngược lại, nhiều nghiên cứu đã khẳng định kem chống nắng giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Nhà hóa học Thụy Sĩ Franz Greiter là người phát triển và thương mại hóa kem chống nắng hiện đại đầu tiên vào năm 1946. Tuy nhiên, đến thập niên 1970 và 1980, sản phẩm này mới bắt đầu được sử dụng phổ biến.
Cũng trong thời kỳ đó, các chiến dịch y tế cộng đồng khuyến khích người dân kiểm tra da khi phát hiện các đốm bất thường hoặc thay đổi màu sắc. Theo nhà dịch tễ học Elizabeth Platz của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), điều này có thể góp phần làm tăng tỉ lệ phát hiện sớm ung thư da.
Vào giữa những năm 1970, Vương quốc Anh chỉ ghi nhận 4 ca u ác tính trên 100.000 dân, theo dữ liệu mới nhất của tổ chức Cancer Research UK. Tới năm 2021, con số này đã tăng lên 28,7 ca, tương đương mức tăng 600%.
Tại Mỹ, năm 1975 có 8,8 ca u ác tính trên 100.000 dân, con số này đã tăng lên 27,7 ca vào năm 2021, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ - tức tăng 224%.
Có nhiều bằng chứng cho thấy kem chống nắng giúp giảm nguy cơ ung thư da. Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2019 so sánh gần 1.700 người Úc tuổi từ 18-40 cho thấy những người dùng kem chống nắng thường xuyên từ nhỏ có nguy cơ mắc u ác tính thấp hơn 40% so với những người hiếm khi dùng.
Vitamin D không giúp phòng ngừa ung thư da
Vitamin D có vai trò điều hòa hệ miễn dịch, nhưng không có bằng chứng nào ủng hộ tuyên bố lan truyền trên mạng rằng vitamin D từ ánh nắng có thể làm giảm nguy cơ ung thư da, theo bà Platz.
Một nghiên cứu khác tại Úc công bố năm 2012 đã tìm kiếm mối liên hệ giữa vitamin D và khả năng phòng ung thư da, nhưng sau 11 năm theo dõi không ghi nhận bất kỳ tương quan nào giữa nồng độ vitamin D trong máu và nguy cơ mắc bệnh.
Trong khi đó, kem chống nắng không cản trở cơ thể tổng hợp vitamin D, theo bác sĩ Mary Sommerlad, chuyên gia tư vấn của Quỹ Da liễu Anh Quốc.
Một thí nghiệm cho thấy kem chống nắng SPF 15, khi được bôi với lượng đủ để ngăn ngừa cháy nắng trong kỳ nghỉ một tuần tại khu vực có tia cực tím mạnh, vẫn giúp tăng đáng kể mức vitamin D.
Một phân tích tổng hợp từ hơn 70 nghiên cứu trước đó cũng cho kết quả rất ít bằng chứng cho thấy kem chống nắng làm gián đoạn quá trình tạo vitamin D.
Tuyên bố về hóa chất trong kem chống nắng được cho là xuất phát từ một nghiên cứu năm 2020. Nghiên cứu này phát hiện các thành phần phổ biến như avobenzone và oxybenzone có thể thấm vào máu ở mức cao hơn giới hạn mà Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) quy định cho các thành phần "có hoạt tính" cần được kiểm tra độ an toàn.
Tuy nhiên, giáo sư Antony Young từ Viện Da liễu St John's, Đại học King's College London, cho biết không có bằng chứng nào cho thấy avobenzone và oxybenzone gây hại. Đây cũng là quan điểm mà các chuyên gia được Hãng tin Reuters tham vấn vào năm 2021 đồng tình.
FDA đã không phản hồi khi được yêu cầu bình luận vào tháng 7-2025. Trên một trang đăng tải vào tháng 8-2024, cơ quan này cho biết vẫn đang thu thập dữ liệu để đánh giá mức độ an toàn của các hóa chất nói trên.
Tại Anh và Liên minh châu Âu, hàm lượng oxybenzone cho phép trong kem chống nắng đã được giảm từ 10% xuống còn 6% vào năm 2022 do lo ngại chất này có thể đóng vai trò như một "chất gây rối loạn nội tiết". Ủy ban châu Âu hiện chưa đưa ra bình luận nào tại thời điểm công bố bài viết.
BÌNH LUẬN HAY