Các quốc gia châu Á nỗ lực ứng phó với bão Wipha

Tính đến ngày 22-7, bão Wipha đã di chuyển về phía nam với cảnh báo lũ quét tại các quốc gia Đông Nam Á, sau khi gây mưa lớn và thiệt hại đáng kể tại Hong Kong và Trung Quốc.

bão Wipha - Ảnh 1.

Nhân viên cứu hộ dọn dẹp cây đổ trên đường sau khi bão đổ bộ tại Quảng Đông ngày 20-7 - Ảnh: REUTERS

Ngày 21-7, bão Wipha đã trút mưa lớn xuống các khu vực phía nam của Trung Quốc đại lục, buộc chính quyền địa phương phải đưa ra cảnh báo về lũ quét và sạt lở đất.

Chỉ một ngày sau khi tấn công Hong Kong, bão Wipha đã gây mưa lớn tại các thành phố Dương Giang, Trạm Giang và Mậu Danh thuộc tỉnh Quảng Đông, theo Hãng tin Reuters.

Hiện bão Wipha đã suy yếu thành bão nhiệt đới sau khi đổ bộ vào Trung Quốc và đang hướng về phía nam.

Cơ quan khí tượng thủy văn Trung Quốc dự báo các khu vực ven biển ở Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam và Phúc Kiến sẽ có mưa lớn đến sáng 22-7, kèm theo cảnh báo về lũ quét, lở đất và gió mạnh.

bão Wipha - Ảnh 2.

Mây đen xuất hiện tại tỉnh Quảng Đông khi bão Wipha đổ bộ - Ảnh: REUTERS

Tại khu vực Đông Nam Á, Cơ quan khí tượng Lào đã phát cảnh báo về nguy cơ xuất hiện lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn và gió mạnh.

Cơn bão dự kiến suy yếu thành áp thấp nhiệt đới từ ngày 21-7 khi di chuyển về phía nam và ảnh hưởng tới khu vực bắc và trung Lào, theo Tân Hoa xã.

Cơ quan chức năng cảnh báo người dân sống tại các khu vực trũng thấp cần chuẩn bị ứng phó với thiệt hại về tính mạng và tài sản trong trường hợp xảy ra lũ quét.

Ngày 22-7, lũ lụt do mưa lớn đã làm tê liệt thủ đô Manila của Philippines, khiến ít nhất 2 người mất tích. Cơ quan chức năng đã yêu cầu đóng cửa trường học và các văn phòng chính phủ tại Manila và những khu vực lân cận.

Trước đó, Hội đồng quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia Philippines thông báo 3 người đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương do bão Wipha vào ngày 20-7.

Cơ quan này cho biết cơn bão Wipha đã ảnh hưởng đến 120.008 hộ gia đình, tương đương khoảng 370.289 người tại Philippines.

Trong khi đó, Cục Khí tượng Thái Lan đã thành lập nhóm theo dõi 24/24 để kịp thời đưa ra các cảnh báo ứng phó với cơn bão, theo Bangkok Post.

Giám đốc Cục Khí tượng Thái Lan Sukanyanee Yawincharn cho biết bão Wipha không đổ bộ trực tiếp vào xứ sở chùa vàng, nhưng vẫn có khả năng gây lũ quét và biển động.

bão Wipha - Ảnh 3.

Đường phố thủ đô Manila, Philippines ngập lụt do mưa lớn ngày 21-7 - Ảnh: AFP

bão Wipha - Ảnh 4.

Lực lượng cứu hộ giải cứu những người bị mắc kẹt do lũ lụt tại Manila ngày 21-7 - Ảnh: AFP

bão Wipha - Ảnh 5.

Người dân vội vã kéo tàu chở hàng vào bờ trước khi xuất hiện mưa lớn tại tỉnh Trat, Thái Lan ngày 21-7 - Ảnh: BANGKOK POST

Các quốc gia châu Á nỗ lực ứng phó với bão Wipha - Ảnh 7.Cả nhà lấy chăn, thảm trùm ô tô để chống bão Wipha

'Rút kinh nghiệm từ cơn bão Yagi năm 2024. Năm nay, nhà em bỏ hết chăn, thảm ra che xe phòng trường hợp mái ngói, tôn rơi tự do', tác giả tâm sự khi chia sẻ video.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0