04/08/2015 08:00 GMT+7

Cán bộ ngành thể thao “án ngữ” các liên đoàn

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Hoạt động kém hiệu quả nên không thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia, vì thế hầu hết bộ máy các liên đoàn thể thao quốc gia đều do cán bộ của ngành thể thao đảm nhiệm.

Bộ máy nhân sự ở các liên đoàn hầu hết là người từ Tổng cục TDTT kiêm nhiệm hoặc chuyển sang.

Còn tuổi làm lãnh đạo, về hưu làm chủ tịch liên đoàn

Chuyện này chẳng có gì lạ lẫm với thể thao VN mấy chục năm qua. Rất nhiều vị lãnh đạo Bộ VH-TT&DL (trước là Ủy ban TDTT) khi chưa nghỉ hưu là lãnh đạo ngành nhưng lúc sắp về hưu hoặc về hưu hẳn lại chuyển sang vị trí chủ tịch một liên đoàn, hiệp hội nào đó để “tiếp tục đóng góp” cho thể thao nước nhà. Trường hợp các vị vừa là lãnh đạo ngành vừa là lãnh đạo các liên đoàn “đếm không xuể”.

Ví dụ dễ thấy nhất là ở Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) khi hàng chục quan chức của VFF từ chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký từ xưa đến nay đều là quan chức của ngành thể thao cử sang. Thời điểm hiện nay, phó chủ tịch VFF là ông Trần Quốc Tuấn đang giữ hàm vụ trưởng tại Tổng cục TDTT. Trước đó ở nhiệm kỳ 5 (2005 - 2009), ông Nguyễn Trọng Hỷ, thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, là chủ tịch. Sang nhiệm kỳ 6 (2009 - 2013), ông Hỷ tiếp tục được cơ cấu làm chủ tịch VFF dù thời điểm ngày 1-4-2008 ông Hỷ đã có quyết định về nghỉ hưu. Ngoài ông Hỷ có thể kể đến ông Trần Chiến Thắng - nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - đang làm chủ tịch Liên đoàn Thể dục VN dù đã nghỉ hưu khá lâu.

Tuy nhiên, câu chuyện đáng chú ý nhất là trường hợp của ông Nguyễn Danh Thái - nguyên chủ nhiệm Ủy ban TDTT (sau khi sáp nhập bộ, ông Thái là thứ trưởng thường trực Bộ VH-TT&DL). Lúc sắp về hưu ông Thái “đáp” ngay xuống Liên đoàn Quần vợt VN (VTF) làm chủ tịch. Cụ thể, ngày 24-2-2010 ông Nguyễn Danh Thái được giới thiệu là ứng viên duy nhất ra tranh cử chủ tịch VTF nhiệm kỳ 5 giai đoạn 2010 - 2015.Ngay sau khi trúng cử, ông Thái tuyên bố với báo giới quần vợt “sẽ không xin một đồng tiền nhà nước kể từ nhiệm kỳ này”. Ông Thái nói để có kinh phí hoạt động và đầu tư cho VĐV, ông sẽ đẩy mạnh việc kiếm tiền cho quần vợt như bán bản quyền truyền hình các giải đấu, sản xuất hàng hóa thể thao, bán thương hiệu của VTF...

Thế nhưng "lời nói gió bay", chỉ 5 tháng sau khi trúng cử, ngày 1-7-2010 ông Thái nhận quyết định nghỉ hưu. Từ đó đến nay đã 5 năm trôi qua, quần vợt VN vẫn sống nhờ vào tiền nhà nước, tiền từ các CLB, các gia đình đầu tư cho VĐV. Thương hiệu của VTF thì chỉ “bán” được ở các bản tin trên báo về những xìcăngđan mâu thuẫn nội bộ đội tuyển quần vợt, VĐV không ai muốn thắng khi thi đấu... Dù là môn thể thao rất được ưa chuộng, nhiều người tập và xem nhưng với sự hoạt động èo uột của liên đoàn (gần như chỉ dựa vào ông phó chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ), quần vợt VN rất khó vươn lên tầm khu vực chứ chưa nói đến châu Á.

Năng lực hạn chế vẫn làm lãnh đạo vì... thiếu người

Nếu như lãnh đạo bộ, lãnh đạo tổng cục khi sang liên đoàn làm chủ tịch, phó chủ tịch thì lãnh đạo vụ, bộ môn của Tổng cục TDTT sang liên đoàn thường nắm giữ vị trí tổng thư ký. Thậm chí vì lý do không có người làm, một số cá nhân có năng lực hạn chế, góp phần đưa môn thể thao đó đi xuống trong nhiều năm liền vẫn được Tổng cục TDTT giới thiệu sang nắm giữ vị trí chủ chốt tại các liên đoàn.

Có thể kể đến một ví dụ tiêu biểu là ông Phạm Đức Thành - nguyên phó vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao trực thuộc Tổng cục TDTT, hiện đang là tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn VN (VTTF) nhiệm kỳ 5 (2012 - 2017). Điều đáng nói đây đã là nhiệm kỳ thứ ba ông Thành được bầu làm tổng thư ký (ông Thành sẽ có tổng cộng 15 năm làm vị trí này). Trong suốt thời gian ông Thành đảm nhiệm vị trí này, bóng bàn VN đã tuột dốc không phanh, VĐV trẻ không có, thành tích đi xuống, tiền thiếu khiến địa phương nào cũng “né” không muốn đăng cai các giải đấu do VTTF tổ chức.

Đáng nói hơn, trong những năm qua bóng bàn liên tiếp vướng xìcăngđan như: VĐV đi thi đấu giải vô địch thế giới tại Hà Lan bỏ cuộc vì không biết lịch thi đấu do không hiểu tiếng Anh, VĐV đi thi giải vô địch Đông Nam Á tại Lào đánh nhau phải nhập viện, kiện cáo liên tục trong việc tuyển chọn VĐV lên đội tuyển... Trong tất cả những lần này ông Thành đều là trưởng đoàn bóng bàn VN dự các giải đấu. Thế nhưng bỏ qua tất cả, ông Thành vẫn cứ được giới thiệu và trúng cử tổng thư ký khóa 5, và dù khóa 5 còn kéo dài đến năm 2017 nhưng năm 2014 ông Thành đã nghỉ hưu tại Tổng cục TDTT.

Ngoài ông Thành ra, ông Hoàng Mạnh Cường, phó vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục TDTT, cũng giữ vị trí tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh VN nhiều năm dù gần như không làm được gì cho môn thể thao này. 

[box]Tổng thư ký đều là người của Tổng cục TDTT

Các liên đoàn thể thao khác, tổng thư ký đều là người của Tổng cục TDTT như: tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền là ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, tổng thư ký Liên đoàn Thể dục là bà Nguyễn Kim Lan - vụ phó Vụ Thể thao thành tích cao, tổng thư ký Liên đoàn Đua thuyền là ông Nguyễn Hải Đường - phó vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng là ông Nguyễn Đức Uýnh - trưởng bộ môn bắn súng, tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước là ông Đinh Việt Hùng - trưởng bộ môn bơi...[/box]

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0