Câu chuyện cảm động chú chó cứu bé gái 3 tuổi trong trận lũ ở Texas hóa ra là giả

Mạng xã hội đang lan truyền câu chuyện về một chú chó đã cứu bé gái 3 tuổi khỏi trận lũ quét chết người ở bang Texas (Mỹ). Tuy nhiên đây chỉ là tin giả.

Texas - Ảnh 1.

Bức ảnh được trang Facebook My Dogs chia sẻ - Ảnh: MY DOGS/FACEBOOK

Vào tháng 7-2025, mạng xã hội đăng tải câu chuyện xúc động về một con chó được cho là đã cứu sống một bé gái 3 tuổi khỏi trận lũ quét thảm khốc ở bang Texas, khiến ít nhất 132 người thiệt mạng và 170 người mất tích.

Cụ thể, trang Facebook My Dogs đã chia sẻ câu chuyện này kèm hai bức ảnh ghi lại khoảnh khắc chú chó bảo vệ bé gái giữa khung cảnh lũ lụt.

“Mọi người đều nghĩ bé đã ra đi. Một bé gái 3 tuổi biến mất chỉ vài giờ trước khi cơn bão lịch sử đổ bộ Texas - nhưng cuối cùng khi đội cứu hộ tìm thấy em, em không hề cô đơn. Nằm cuộn tròn bên cạnh em, run rẩy và lấm lem bùn đất là một chú chó không ai biết đến.

Điều mà chú chó này đã làm trong vài giờ trước cơn bão được ca ngợi là phép màu của bản năng và lòng trung thành.

Đó là những bức ảnh khiến cộng đồng mạng rơi nước mắt. Nhưng điều bất ngờ là chú chó này không phải thú cưng của cô bé”, bài đăng viết.

Câu chuyện này đã thu hút hơn 205.000 lượt bày tỏ cảm xúc, 17.500 lượt bình luận và 31.000 lượt chia sẻ.

Sau đó, nhiều độc giả đã gửi email đến chuyên trang kiểm chứng thông tin Snopes để thắc mắc liệu câu chuyện của bé gái 3 tuổi trong bức ảnh có thật không.

Tuy nhiên khi Snopes tìm kiếm trên các công cụ như Bing, DuckDuckGo, Google và Yahoo, không có bất kỳ hãng tin chính thống nào đưa tin về vụ việc đội cứu hộ tìm thấy chú chó bên cạnh bé gái.

Nếu đây là vụ việc có thật, các hãng tin lớn ít nhiều đã đưa về câu chuyện đầy cảm xúc này.

Snopes cho rằng người viết đã bịa ra câu chuyện này, tương tự như hàng chục câu chuyện truyền cảm hứng về trận lũ lụt ở Texas.

Bằng chứng là các trang kiểm tra trí tuệ nhân tạo (AI) như Copyleaks.com, ZeroGPT.com và Phrasly.ai đều phát hiện nội dung bài viết có dấu hiệu được tạo ra bằng AI.

Không chỉ vậy, kết quả sau khi quét bức hình bé gái và chú chó bằng công cụ phát hiện AI Sightengine.com cho thấy hình ảnh này 99% do AI tạo ra.

Chuyên trang Snopes nhận định một số cá nhân hoặc đội nhóm đã cố dàn dựng câu chuyện trên nhằm mục đích trục lợi và kiếm tiền từ các link quảng cáo được gắn trong bài viết.

Hiện Snopes đã liên hệ với quản trị viên trang Facebook My Dogs để xác minh về nguồn gốc của câu chuyện và đang đợi phản hồi.

Câu chuyện chú chó cứu bé gái 3 tuổi trong trận lũ Texas là tin giả - Ảnh 2.Video giả ồ ạt xuất hiện sau trận lũ thảm khốc ở Texas

Chuyên gia cảnh báo các video gắn mác lũ lụt tại bang Texas nhưng thực chất là hình ảnh cũ được cắt ghép lại có thể dễ gây hiểu lầm về mức độ và bản chất của thảm họa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Chủ đề: Texas Lũ lụt Mỹ