
Hạ tầng sạc phát triển hỗ trợ quá trình điện khí hóa giao thông đô thị của Trung Quốc - Ảnh: Dialogue Earth
Tại Trung Quốc, tỉ lệ xe năng lượng mới (NEV) trong tổng số xe bán ra năm 2024 đạt 40,9% - con số vượt xa mong đợi và sớm hơn 5 năm so với kế hoạch ban đầu.
Thành công này không đến từ sự may mắn mà từ một chiến lược chính sách được thiết kế tỉ mỉ, triển khai theo từng giai đoạn cụ thể.
Chính sách ba giai đoạn
Để giải quyết đồng thời ba thách thức lớn - tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại các đô thị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, rủi ro an ninh năng lượng do phụ thuộc phần lớn vào dầu mỏ nhập khẩu, và gánh nặng tài chính trong duy trì hệ thống giao thông truyền thống vốn tiêu tốn năng lượng không bền vững - Trung Quốc xây dựng hệ thống chính sách toàn diện theo ba giai đoạn rõ ràng.
Giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ tài chính trực tiếp để khởi động thị trường. Từ năm 2009, chương trình trợ cấp quy mô lớn cho xe NEV được triển khai, bao gồm xe điện thuần, xe hybrid sạc ngoài và xe dùng pin nhiên liệu. Tổng mức hỗ trợ và miễn giảm thuế vượt 200 tỉ nhân dân tệ (khoảng 28 tỉ USD) trong giai đoạn 2009 - 2022, theo tuần báo Outlook Weekly tháng 6-2023.
Chính sách được thực hiện ở ba cấp: miễn thuế tiêu thụ cho doanh nghiệp sản xuất, miễn hoặc giảm thuế mua xe cho người tiêu dùng và hỗ trợ đầu tư hạ tầng trạm sạc.
Theo báo cáo trên cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc, năm 2024 Trung Quốc triển khai liên tiếp hai chính sách chính: "đổi xe cũ lấy xe điện" và miễn lệ phí mua xe hoàn toàn trong năm 2025.
Cụ thể, khi thay xe xăng cũ bằng xe NEV, người mua được trợ cấp lên tới 20.000 nhân dân tệ mỗi xe và được miễn toàn bộ thuế mua xe đến hết năm 2025 với mức tối đa 30.000 nhân dân tệ. Từ năm 2026 đến hết 2027, mức miễn giảm này sẽ được duy trì ở 50%.
Giai đoạn thứ hai chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng như trạm sạc, đồng thời ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để quy chuẩn hóa sản xuất.
Bắc Kinh đầu tư bài bản vào việc phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc công cộng lắp đặt rộng khắp tại những địa điểm thuận tiện cho người dân - bao gồm trung tâm thương mại, bãi đỗ xe tại khu chung cư, và các bến xe công cộng.
Theo dữ liệu của Hội đồng Giao thông vận tải sạch quốc tế (ICCT), tính đến cuối năm 2022, khoảng 93% khu vực trung tâm Bắc Kinh có thể tiếp cận một trạm sạc điện trong vòng 5 phút lái xe. Riêng tại các khu vực lõi đô thị, gần như toàn bộ cư dân đều có thể tìm thấy trạm sạc trong bán kính 20 phút di chuyển.
Giai đoạn thứ ba chuyển sang hướng điều chỉnh bằng cơ chế thị trường, giảm dần ưu đãi và áp dụng các biện pháp bắt buộc nhằm thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mô hình thành phố điển hình
Bắc Kinh và Thượng Hải đại diện cho hai mô hình thành công trong thúc đẩy chuyển đổi xe điện thông qua chính sách địa phương sáng tạo, bên cạnh chính sách cấp quốc gia.
Tại Bắc Kinh, từ năm 2010, cơ chế bốc thăm biển số được áp dụng cho xe xăng như một công cụ để điều tiết lượng xe cá nhân với tỉ lệ trúng biển thường dưới 1%/tháng, theo thông tin từ Ủy ban Giao thông Bắc Kinh (BMCT). Trong khi đó, xe điện đã được miễn bốc biển số từ năm 2013, tạo ra động lực rõ rệt cho người dân chuyển đổi.
Kể từ năm 2015, Bắc Kinh bắt đầu áp dụng hạn chế phương tiện lưu thông dựa trên biển số chẵn lẻ vào những ngày có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Tuy nhiên xe điện được miễn hoàn toàn khỏi quy định hạn chế này, góp phần định hướng hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng lựa chọn phương tiện không phát thải.
Trong kế hoạch cho năm 2025, chính quyền thành phố Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh chính sách khuyến khích sử dụng xe điện bằng cách ưu tiên cấp giấy phép đăng ký cho các hộ gia đình chưa sở hữu ô tô.
Theo thông báo từ BMCT, trong tổng số 100.000 chỉ tiêu đăng ký xe được phân bổ cho năm 2025, có tới 80.000 chỉ tiêu dành riêng cho xe NEV.
Thượng Hải áp dụng mô hình khác với hệ thống đấu giá biển số nghiêm ngặt. Người mua xe chạy xăng bắt buộc phải tham gia quy trình đấu giá biển số - một hình thức cạnh tranh gay gắt do số lượng biển số cấp mới mỗi tháng bị giới hạn, trong khi nhu cầu luôn ở mức cao.
Mức giá để giành được quyền sử dụng biển số thường xuyên vượt quá 90.000 nhân dân tệ (khoảng 13.000 USD), trong khi người mua xe NEV sẽ được cấp biển số miễn phí với điều kiện phải có hộ khẩu Thượng Hải, chỗ đỗ xe hợp lệ, và kế hoạch lắp trạm sạc tại nhà.
Chính sách này đã khiến lượng lớn người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn NEV để tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian sở hữu xe. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố còn áp dụng một loạt chính sách ưu đãi riêng cho người sử dụng xe điện.
Theo báo cáo do chính quyền Thượng Hải công bố vào tháng 4-2024, các khu vực nội đô đang được ưu tiên cấp phép đăng ký xe thuần điện nhằm giảm thiểu áp lực giao thông và ô nhiễm khí thải trong trung tâm thành phố.
Về hạ tầng, Thượng Hải là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển hệ thống trạm sạc nhanh cho xe điện. Đến cuối năm 2023, thành phố đã lắp đặt hơn 20.000 trạm sạc nhanh, tạo nên một mạng lưới phủ rộng trên toàn đô thị.
Các trạm sạc này được bố trí dày đặc tại nhiều địa điểm khác nhau - bao gồm trung tâm thương mại, khu nhà ở xã hội và đặc biệt là nơi có nhu cầu sạc điện cao và thường xuyên như các trung tâm logistic.
Theo số liệu từ ICCT, khoảng 42% khu vực nội thành Thượng Hải có thể tiếp cận trạm sạc trong vòng 5 phút lái xe. Đối với trung tâm thành phố, tỉ lệ tiếp cận gần như đạt 100% trong phạm vi 20 phút di chuyển.
Hiệu quả thực tế từ doanh nghiệp
Trước khi công cuộc thúc đẩy chuyển đổi xe điện của Trung Quốc đạt được kết quả, nhiều doanh nghiệp và người dân tỏ ra e ngại khi chuyển đổi từ xe nhiên liệu truyền thống sang xe điện, đặc biệt trong các lĩnh vực vận tải hàng hóa và giao hàng.

Chính sách hạn chế biển số xe xăng góp phần thúc đẩy người dân Bắc Kinh chuyển sang xe điện - Ảnh: Sixth Tone
Tuy nhiên sau khi triển khai thực tế, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận hiệu quả rõ rệt từ việc chuyển đổi. Theo báo cáo tại Hội thảo Thương mại hóa xe năng lượng mới năm 2020, Công ty Shenzhen DST (chuyên cung cấp giải pháp logistics bằng xe điện) cho biết chi phí vận hành đã giảm đáng kể nhờ giá điện thấp hơn nhiên liệu truyền thống, ngoài ra chi phí bảo trì cũng thấp hơn vì xe điện có cấu trúc đơn giản và ít linh kiện hao mòn.
Một số nền tảng lớn như Meituan, JD.com và đơn vị hậu cần của Alibaba Cainiao cũng đã tích cực thử nghiệm xe điện giao hàng chặng ngắn với mô hình đổi pin nhanh, giúp giải quyết vấn đề thời gian sạc và tăng số chuyến giao hàng mỗi ngày.
Dù chi phí đầu tư ban đầu cao hơn, các doanh nghiệp cho biết tổng chi phí vận hành tính theo km hoặc mỗi đơn hàng đã thấp hơn hẳn, đồng thời hỗ trợ họ đáp ứng tiêu chuẩn giảm phát thải và chính sách khuyến khích xanh hóa của chính quyền địa phương.
Một điểm quan trọng trong lộ trình chính sách phát triển xe điện tại Trung Quốc là sự chuyển dịch trọng tâm từ mục tiêu mở rộng thị phần sang mục tiêu thu hẹp chênh lệch về chi phí so với xe sử dụng nhiên liệu truyền thống.
Phó tổng thư ký Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) Trần Sĩ Hoa nhận định người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng chủ động chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện, không chỉ vì yếu tố môi trường mà còn bởi các chính sách đã được "thiết kế đúng thời điểm và đúng trọng tâm".
BÌNH LUẬN HAY