
Ông David Thái (phải), nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc Highlands Coffee và ông Mojtaba Akhbari, giám đốc vận hành toàn cầu của Highlands Coffee - Ảnh: HP
Mô hình không xa lạ ở Việt Nam
Bên cạnh mở rộng quy mô và đầu tư vào sản xuất, liệu có thể xem việc ra mắt mô hình mới lần này là bước chuẩn bị của Highlands Coffee nhằm nâng cao năng lực vận hành và tăng giá trị thương hiệu trước khi lên sàn?
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông David Thái, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc Highlands Coffee, cho biết còn quá sớm để nói cụ thể về kế hoạch IPO. Tuy nhiên, ông khẳng định cả mô hình mới này và nhà máy rang xay đều là một phần trong cam kết của Highlands trong việc mang những sản phẩm chất lượng tốt nhất cho khách hàng Việt Nam cũng như xuất ra thế giới.
Mô hình drive-thru không xa lạ, khi đã là thói quen tiêu dùng tại Việt Nam, nơi xe máy là phương tiện di chuyển chính và việc dừng lại mua cà phê mang đi đã trở thành một phần trong đời sống hằng ngày của người dân.
Vì vậy, việc Highlands triển khai cửa hàng theo mô hình này không đơn thuần chỉ là mở một loại hình kinh doanh mới và có thể được xem là bước tiếp nối trong quá trình đổi mới hình thức phục vụ. Đây là hướng đi mà thương hiệu này đã bắt đầu từ hơn một thập kỷ trước.
Vào năm 2013, Highlands thử nghiệm mô hình tự phục vụ tại một số cửa hàng. Khi đó, hình thức này còn khá xa lạ và ông David Thái gọi là "đáng sợ", vì người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với việc tự đặt món tại quầy và tự nhận đồ uống thay vì được phục vụ tại bàn.
Dù vậy, Highlands tin rằng họ là đơn vị tiên phong, tạo ra xu hướng. Thực tế đã cho thấy điều đó, khi từ một mô hình lạ lẫm, việc tự đến quầy đặt món và nhận nước dần trở thành thói quen phổ biến, đặc biệt tại các đô thị lớn, nơi nhiều chuỗi F&B cũng áp dụng hình thức tương tự nhằm tối ưu vận hành và giảm chi phí nhân sự.
Đi cùng với cửa hàng drive-thru là việc khánh thành nhà máy rang xay cà phê mới hồi tháng 4-2025.
Theo ông David Thái, tất cả việc này đều nằm trong cam kết "đưa những sản phẩm cà phê chất lượng cao nhất của Việt Nam ra thế giới và đưa những điều tốt nhất của thế giới đến với Việt Nam".
Cà phê gắn liền văn hóa
Cà phê là một sản phẩm phổ biến trên toàn cầu, được giao dịch nhiều thứ hai chỉ sau... dầu mỏ. Theo ông David Thái, điều làm nên sự khác biệt của cà phê không chỉ nằm ở giá trị hàng hóa, mà là văn hóa tiêu dùng gắn liền với từng quốc gia.
Mô hình drive-thru của Highlands được thiết kế để phục vụ đồng thời cả khách hàng ngồi lại và khách lái xe máy hoặc ô tô, với thời gian phục vụ khoảng 3 phút. Khách hàng có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc qua các phương thức trực tuyến, với mức giá tương đương các cửa hàng khác trong hệ thống.
Theo ông Mojtaba Akhbari - giám đốc vận hành toàn cầu của Highlands Coffee, đội ngũ đã có ý tưởng triển khai mô hình này từ lâu, nhằm "giữ lại những thói quen mà mọi người đã quen thuộc, nhưng đặt chúng trong một cấu trúc hiện đại hơn".
Highlands Coffee hiện là chuỗi cà phê có số lượng cửa hàng lớn nhất Việt Nam, với hơn 900 điểm bán trên cả nước và khoảng 53 cửa hàng tại Philippines. Doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng trong năm nay.
Theo báo cáo thường niên của Jollibee Foods Corporation, Highlands Coffee đạt lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) hơn 1.000 tỉ đồng trong năm 2024, với doanh thu toàn chuỗi ước đạt hơn 4.600 tỉ đồng. Ông David Thái từng cho biết Highlands chiếm hơn 30% thị phần trong phân khúc chuỗi cà phê tại Việt Nam và tiềm năng có thể mở rộng mạng lưới lên 9.000 - 10.000 cửa hàng trong tương lai.
Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ hai toàn cầu về sản lượng xuất khẩu cà phê, chỉ sau Brazil.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5,5 tỉ USD, tăng mạnh so với mức 2,7 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái. Bộ dự báo kim ngạch xuất khẩu cà phê cả năm có thể đạt 7,5 tỉ USD; tăng gần 37% so với năm 2024. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường quan trọng cho mảng cà phê chế biến sâu của Việt Nam, đặc biệt là cà phê hòa tan và cà phê đặc sản.
BÌNH LUẬN HAY