20/05/2025 07:44 GMT+7

Chuyển crypto về Việt Nam lưu trữ, giao dịch: Chưa phù hợp, khó khả thi

Việc yêu cầu nhà đầu tư tiền mã hóa (crypto) mở tài khoản và chuyển crypto về Việt Nam để lưu giữ, giao dịch tại các tổ chức được cấp phép... là đang "đánh đồng" crypto với chứng khoán.

Chuyển crypto về Việt Nam lưu trữ, giao dịch: Chưa phù hợp, khó khả thi - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều người trẻ quan tâm đến các loại tài sản mã hóa - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Như thế sẽ rất khó thực thi do tính ẩn danh và công nghệ của blockchain rất phức tạp.

Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về dự thảo sửa đổi các nghị định liên quan đến xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó có quy định mới về crypto, vừa được Bộ Tài chính công bố.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc áp dụng các chế tài, với mức phạt cao nhất lên tới... 2 tỉ đồng, khi chưa hoàn thiện khung pháp lý sẽ làm giảm tính khả thi và sức thuyết phục các quy định đề xuất.

Khó khả thi, gây hoang mang cho nhà đầu tư?

Lên tiếng trên diễn đàn về tiền số với gần 50.000 thành viên, admin của diễn đàn này bày tỏ "ngạc nhiên" khi cho rằng lần đầu tiên trong một dự thảo nghị định do Bộ Tài chính đề xuất, crypto được nhắc đến rõ ràng - nhưng không phải để công nhận hợp pháp, mà là để... xử phạt!

"Chưa có định nghĩa pháp lý, cơ chế thuế, bảo hiểm và khung xử lý tranh chấp nếu tài sản bị hack hoặc mất cắp. Vậy tại sao lại yêu cầu người dân chuyển giao quyền kiểm soát tài sản về các tổ chức tập trung - khi chưa có bảo đảm nào cho sự an toàn?", admin này đặt câu hỏi. Bài viết ngay sau đó nhận được rất nhiều lượt tương tác, đa số tỏ ra hoang mang.

Nhiều phản ứng trái chiều của nhà đầu tư về dự thảo của Bộ Tài chính. Chẳng hạn, với hành vi thao túng thị trường này, anh Lê Minh (TP.HCM) cho rằng cần định nghĩa thế nào là thao túng giá, vì các dự án crypto khi đưa lên sàn giao dịch phải làm MM (Market Maker) để tạo thanh khoản cho dự án trên thị trường.

"Hơn nữa, các dự án có nhà đầu tư tham gia làm marketing, thuê các KOL để tiếp thị đẩy giá, có bị gọi là thao túng giá không?", anh đặt câu hỏi và cho rằng việc chuyển crypto về các sàn đã cấp phép trong nước là đi ngược với tính phi tập trung của công nghệ blockchain.

Bên cạnh đó, không phải cứ tạo ra ví là có thể chứa crypto được mà nó đòi hỏi tính bảo mật rất cao. "Với ví thì có ví nóng (online) và ví lạnh (offline), là dữ liệu riêng của cá nhân nên không thể bắt nhà đầu tư chuyển về sàn trong nước được. Đây là tài sản riêng của nhà đầu tư thuộc sở hữu cá nhân", anh Minh nói.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng các quy định như trong dự thảo có thể dẫn đến tình trạng các công ty tại Việt Nam sẽ chuyển sang Singapore hay Dubai, Hong Kong... Do vậy, có thể tham khảo theo các mô hình quản lý crypto của Singapore hoặc Dubai...

"Nhiều quy định tại dự thảo có thể khiến thị trường crypto Việt Nam vốn "sinh sau đẻ muộn" kém linh hoạt và giảm cạnh tranh so với các nước khác", ông Đinh Lân, một nhà đầu tư crypto, nói.

Theo ông Lân, việc bắt buộc phải chuyển crypto về Việt Nam là không phù hợp với bản chất phi tập trung và xuyên biên giới của thị trường crypto, nhất là trong bối cảnh các giải pháp công nghệ, kỹ thuật hiện có của Việt Nam chưa đủ khả năng để kiểm soát vấn đề này.

"Đặc biệt, các mức xử phạt đề xuất lên tới hàng tỉ đồng đối với cá nhân là quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân", ông Lân nói.

Cần xây dựng sân chơi lành mạnh, cơ chế quản lý hiệu quả

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Phương Nam, phó khoa luật thương mại Đại học Luật TP.HCM, cho biết nhiều báo cáo từ các tổ chức quốc tế đều chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ sở hữu crypto cao nhất thế giới. Sức nóng từ thị trường này rất lớn và các quy định liên quan đến crypto có tác động đến một bộ phận không nhỏ người dân.

"Đáng lẽ nên ban hành đồng thời quy chế thử nghiệm giao dịch crypto và cơ chế xử phạt. Trong đó, phải giải thích rõ crypto bao gồm những cái gì, cách giao dịch được thực hiện ở nơi nào, quy chế ra sao, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư thế nào...", ông Nam nói và cho rằng việc áp dụng các chế tài khi chưa hoàn thiện khung pháp lý sẽ làm giảm tính khả thi và sức thuyết phục các quy định đề xuất.

Theo ông Nam, một khung quản lý hoàn thiện cho thị trường này là rất cần thiết. Tuy nhiên, Việt Nam mới đặt ra cơ chế thử nghiệm, tức là còn có những thay đổi. Do vậy, việc yêu cầu nhà đầu tư đưa về quản lý ở Việt Nam để kiểm soát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là tốt nhưng cần xem xét lại thời điểm, không nên vội vàng.

"Thay vì xử phạt, khi thử nghiệm giai đoạn đầu hoặc đưa vào chính thức, hãy để các sàn chứng minh năng lực, thể hiện hiệu quả, bảo mật cao, một môi trường pháp lý an toàn, nhà đầu tư sẽ tự chuyển về", ông Nam nói.

Ông Đặng Trần Phục, chủ tịch HĐQT Công ty CP AzFin Việt Nam, cũng cho rằng nếu không có cơ chế tối ưu để phát triển thị trường này, sẽ rất khó để hút lượng crypto rất lớn của người Việt đang sở hữu trở về.

"Cần có cơ chế hấp dẫn để kéo nhà đầu tư về Việt Nam bằng cách xây dựng sân chơi lành mạnh, cơ chế quản lý hiệu quả", ông Phục nói.

Theo ông Phục, những nhà đầu tư cầm giữ lượng crypto quy mô nhỏ có thể sẽ sớm chuyển về Việt Nam. Nhưng với người có quy mô tài sản lớn, việc chuyển về hay không sẽ cần thời gian để đánh giá, nghe ngóng xem các sàn trong nước có đảm bảo an toàn, bảo mật, sự thuận tiện trong giao dịch không.

"Thị trường crypto vốn vận hành trên nền tảng blockchain, có tính chất phi tập trung, không biên giới và không bị kiểm soát bởi bất kỳ tổ chức hay quốc gia nào. Do vậy, việc thu hút nguồn lực lớn này trở về đất nước, cần những cơ chế hết sức cạnh tranh, khó áp dụng một cách cứng nhắc", ông Phục nói.

Có thể bị phạt tới 2 tỉ đồng nếu vi phạm trên thị trường crypto

Dự thảo sửa đổi các nghị định liên quan đến xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán, vừa được công bố, Bộ Tài chính đưa ra nhiều quy định hoàn toàn mới liên quan đến crypto.

Theo đó, sẽ phạt tiền từ 1,5 - 2 tỉ đồng đối với hành vi sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch crypto hoặc thao túng thị trường crypto tại Việt Nam.

Nhà đầu tư còn có thể bị phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng đối với hành vi không mở tài khoản và chuyển crypto đang sở hữu về lưu giữ, giao dịch tại tổ chức cung cấp dịch vụ crypto do Bộ Tài chính cấp phép trong thời hạn quy định.

Đối với tổ chức cung cấp dịch vụ crypto, sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 tỉ đồng khi thực hiện hành vi đưa crypto vào giao dịch khi chưa báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Các tổ chức này có thể phải đối mặt với án phạt 1,5 - 2 tỉ đồng với hành vi tổ chức thị trường giao dịch crypto khi chưa được cấp phép. Ngoài ra, nếu không thực hiện xác minh danh tính nhà đầu tư mở tài khoản, các tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 300 - 500 triệu đồng.

Không thể quản lý crypto như với chứng khoán

Chuyển crypto về Việt Nam lưu trữ, giao dịch: Chưa phù hợp, khó khả thi - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo “Khảo sát toàn cầu về Crypto và Web3” năm 2024 của Công ty phần mềm lĩnh vực blockchain và web3 Consensys - Dữ liệu: ĐỨC THIỆN - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một sàn giao dịch crypto (đề nghị không nêu tên) cho rằng các nhà làm luật đang đánh đồng crypto với chứng khoán. Trên thực tế, crypto hoàn toàn khác biệt với chứng khoán.Do vậy, nếu quản lý crypto như chứng khoán, có khả năng gây triệt tiêu sự phát triển của ngành blockchain trong nước, làm kém linh hoạt và giảm cạnh tranh so với các nước khác.

Theo vị này, Nhà nước cần công nhận crypto là tài sản có giá trị (giống như vàng), để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư đang nắm giữ crypto, từ đó dẫn đến các nghĩa vụ mà nhà đầu tư cần phải làm khi tham gia. "Câu hỏi đặt ra là: Tổ chức cung cấp dịch vụ crypto do Bộ Tài chính cấp phép là tổ chức nào, hoạt động ra sao, có hiệu quả và an toàn không?", vị này đặt vấn đề.

Cũng theo vị này, Việt Nam đang ở mức chuẩn bị có các sàn giao dịch thử nghiệm, trong khi trên thế giới các sàn giao dịch đã vận hành từ rất lâu, có sàn giao dịch thậm chí đã trên 10 năm.

Hơn nữa, việc cung cấp dịch vụ trên môi trường số có nhiều rủi ro. Chẳng hạn, sau khi bị hack với số tiền lớn, sàn giao dịch Bybit đã mua lại toàn bộ tài sản đã bị hack để ổn định tâm lý người dùng, nhưng vẫn có rất nhiều người dùng đã rút tài sản về.

"Các nhà đầu tư crypto không phụ thuộc vào các sàn giao dịch mà có thể để tài sản trong ví lạnh, ví nóng, các ứng dụng defi... nên việc bắt buộc quy tài sản về một chỗ là khiên cưỡng và mang tính bảo hộ cho các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Do vậy, các tổ chức cung cấp dịch vụ crypto tại Việt Nam cần thời gian để vận hành, chứng minh sự ổn định và an toàn trên không gian số để khẳng định chất lượng và lòng tin với người dùng", vị này nói.

Việc đưa thị trường crypto vào quản lý là cần thiết

Chuyển crypto về Việt Nam lưu trữ, giao dịch: Chưa phù hợp, khó khả thi - Ảnh 3.

Ông Đặng Trần Phục

Ông Đặng Trần Phục cho rằng có thể khó trông chờ lượng crypto lớn chuyển về Việt Nam trong thời gian ngắn, nhưng khi khung pháp lý cho thị trường này chính thức được áp dụng, việc chuyển tiền ra ngoài biên giới để giao dịch là rất khó khăn.

Đề xuất đưa ra trong dự thảo gây lo lắng cho một bộ phận nhà đầu tư.

Dù vậy, đây đang là dự thảo cho một vấn đề rất mới, pháp lý chưa đầy đủ, trọn vẹn, bám sát thị trường ngay được mà còn những thay đổi, điều chỉnh. Do đó, nhà đầu tư không cần thiết phải quá lo lắng.

"Việc quản lý thị trường này là đúng đắn, để đảm bảo không thất thu thuế và tránh các hoạt động liên quan đến rửa tiền hay hoạt động phi pháp khác", ông Phục nhấn mạnh.

Cần khung pháp lý linh hoạt, bảo vệ nhà đầu tư

Chuyển crypto về Việt Nam lưu trữ, giao dịch: Chưa phù hợp, khó khả thi - Ảnh 4.

Bà Krist Phạm

Bà Krist Phạm, chuyên gia truyền thông và marketing công nghệ blockchain, cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đều tách biệt việc quản lý chứng khoán và crypto, do bản chất pháp lý khác nhau.

Cụ thể, chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng quyền...) là tài sản tài chính truyền thống, đại diện cho doanh nghiệp.

Việc phát hành và giao dịch được giám sát chặt chẽ theo Luật Chứng khoán, với hệ thống luật pháp đã tồn tại hàng chục năm.

Sàn chứng khoán truyền thống hoạt động theo giờ hành chính, có cơ chế đối tác tập trung. Trong khi đó, crypto (đặc biệt là token như BTC, ETH...) nhiều khi không đại diện cho quyền sở hữu doanh nghiệp, và có thể mang tính tiện ích, thanh toán, hay chỉ đơn thuần là tài sản đầu cơ, có yếu tố văn hóa cộng đồng người dùng đặc trưng.

Crypto có biến động mạnh, hoạt động 24/7, thường phi tập trung và có tính linh hoạt cao. "Mỗi lĩnh vực cần một khung pháp lý riêng biệt vì Luật Chứng khoán đã hoàn thiện và tương đối ổn định hàng chục năm, còn crypto là một lĩnh vực mới, cần khung pháp lý linh hoạt, mở rộng, theo kịp công nghệ, đồng thời đảm bảo bảo vệ người dùng", bà Krist Phạm nhận xét.

Chuyển crypto về Việt Nam lưu trữ, giao dịch: Chưa phù hợp, khó khả thi - Ảnh 3.Ngăn kẽ hở rửa tiền bằng crypto

TTCT - Chỉ trong một tháng qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố thành công CEO của hai sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới sau khi nhận ra kẽ hở chết người từ các sàn tiền mã hóa (crypto), khiến chúng có thể thành kênh rửa tiền.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0