Chuyên gia: Thái Lan - Campuchia từng cho thấy khả năng xuống thang trong quá khứ

Chuyên gia Ben Bland nhận định chính trị và dư luận trong nước là những yếu tố chính thúc đẩy cuộc xung đột Thái Lan - Campuchia, đồng thời nêu các kịch bản có thể xảy ra.

Campuchia - Ảnh 1.

Người dân Campuchia ở tỉnh Oddar Meanchey rời nhà đi sơ tán ở khu vực gần biên giới với Thái Lan ngày 24-7 - Ảnh: AFP

Ngày 25-7, Thái Lan và Campuchia tiếp tục đấu pháo hạng nặng trong ngày thứ hai liên tiếp, khi giao tranh tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ giữa hai nước leo thang và lan rộng sang các khu vực mới, bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn từ cộng đồng quốc tế.

Các nước kêu gọi kiềm chế

Tính đến nay, cuộc xung đột đã khiến ít nhất 32 người thiệt mạng và hàng chục ngàn người phải sơ tán từ cả hai phía.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết Mỹ, Trung Quốc và Malaysia (nước đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN) đã đề xuất hỗ trợ đối thoại nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột, song trước mắt chưa rõ Thái Lan và Campuchia sẽ đồng ý hay không.

Trong tuyên bố ngày 25-7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẵn sàng đóng vai trò xây dựng và giữ lập trường công bằng, không thiên vị trong việc giúp hạ nhiệt căng thẳng dọc biên giới Thái Lan - Campuchia. Ông đánh giá những cuộc đụng độ gây thương vong giữa hai nước là "vô cùng đau lòng và đáng lo ngại".

Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về việc khơi mào xung đột và đã gia tăng lời lẽ chỉ trích trong ngày 25-7. Thái Lan cáo buộc Campuchia cố tình nhắm vào dân thường, trong khi Campuchia tố Thái Lan sử dụng bom chùm - loại vũ khí gây tranh cãi.

Theo quân đội Thái Lan, các cuộc đụng độ được ghi nhận tại 12 địa điểm, tăng gấp đôi so với con số 6 địa điểm vào ngày trước đó. Quyền Thủ tướng Thái Lan, ông Phumtham Wechayachai, nói trước báo giới: "Tình hình đã leo thang và có thể bùng phát thành chiến tranh. Hiện tại, đây là một cuộc đối đầu với vũ khí hạng nặng".

Đài ABC của Úc bình luận đây là cuộc xung đột quân sự hiếm hoi giữa các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Cuộc xung đột hiện tại là chương mới nhất trong tranh chấp kéo dài lâu nay quanh khu vực "Tam giác ngọc lục bảo" - nơi tiếp giáp biên giới giữa Thái Lan, Campuchia và Lào. Đây là nơi có nhiều đền cổ và các yêu sách lãnh thổ chồng lấn. Mâu thuẫn âm ỉ suốt hàng chục năm đã bùng phát thành xung đột cách đây hơn 15 năm và gần đây hơn là hồi tháng 5, khi một binh sĩ Campuchia thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa quân đội hai nước.

Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, kêu gọi hai bên hết sức kiềm chế và giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Liên hợp quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Liên minh châu Âu (EU)... đều đã lên tiếng.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên kế hoạch họp khẩn vào sáng sớm 26-7 (giờ Việt Nam). Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Thái Lan và Campuchia "kiềm chế tối đa và giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại, trên tinh thần láng giềng hữu nghị, nhằm tìm ra một giải pháp lâu dài cho tranh chấp này".

Điểm nóng tại Đông Nam Á

Giám đốc chương trình khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc viện nghiên cứu Chatham House, ông Ben Bland, nhận định chính trị và dư luận trong nước là những yếu tố chính thúc đẩy cuộc xung đột này.

"Chúng ta biết rằng nhiều ngôi đền nằm ở khu vực biên giới thực sự quan trọng về mặt biểu tượng và văn hóa đối với người dân Campuchia. Thái Lan cũng là quốc gia có lòng tự tôn, và chính trị trong nước của họ đang hết sức rối ren. Vì vậy, tôi cho rằng ở một mức độ nhất định, cuộc xung đột này được thúc đẩy bởi yếu tố chính trị và một bộ phận mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở cả hai quốc gia", ông giải thích.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura tuyên bố chính phủ nước này "sẵn sàng tăng cường các biện pháp tự vệ nếu Campuchia tiếp tục gây hấn và xâm phạm chủ quyền Thái Lan".

Trong khi đó người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Maly Socheata cho biết nước này buộc phải triển khai lực lượng vũ trang vì "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ lãnh thổ trước các mối đe dọa từ Thái Lan". Vị này thông tin thêm các cuộc tấn công của Campuchia "tập trung vào các địa điểm quân sự, không nhằm vào bất kỳ nơi nào khác".

Ông Bland nhận định tình trạng bạo lực hiện nay "thực sự đáng lo ngại", song lưu ý Thái Lan và Campuchia đã từng cho thấy khả năng xuống thang căng thẳng trong quá khứ. Ông cho rằng cũng có nguy cơ xảy ra cuộc chiến ngoại giao và kinh tế kéo dài giữa hai nước, "gây ra những tác động lan tỏa về mặt kinh tế".

"Điều này chỉ tạo thêm một điểm nóng căng thẳng nữa cho Đông Nam Á, trong bối cảnh khu vực đã phải đối mặt với tác động từ thuế quan của ông Trump, căng thẳng Mỹ - Trung và cuộc nội chiến ở Myanmar", ông nói.

Chuyên gia này cho rằng cuộc xung đột giữa Thái Lan và Campuchia gây ra "một cơn đau đầu lớn" cho Đông Nam Á, song "vẫn còn quá sớm để nói trước điều gì".

32 người chết, 173.000 người sơ tán

Số liệu do Thái Lan công bố cho thấy hơn 138.000 người đã được sơ tán khỏi các khu vực biên giới của Thái Lan, và nước này cũng đã mở khoảng 300 trung tâm dành cho người sơ tán. Trong khi đó Bộ Quốc phòng Campuchia thông tin hơn 35.000 người buộc phải sơ tán ở Campuchia.

Tính đến trưa 26-7, giao tranh giữa hai nước đã khiến ít nhất 32 người chết, gồm 19 người ở Thái Lan (hầu hết là dân thường) và 13 người ở Campuchia (trong đó có 5 quân nhân và 8 dân thường). Cùng với đó là hàng chục người bị thương ở cả hai bên.

Xung đột Thái Lan - Campuchia lan rộng - Ảnh 2.Thái Lan sẽ xem xét lệnh ngừng bắn với Campuchia nhưng phải 'dựa trên điều kiện thực địa'

Thái Lan đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của Malaysia về lệnh ngừng bắn giữa lực lượng Thái Lan và Campuchia, nhưng cho hay phải dựa trên các điều kiện thực địa phù hợp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0