
Tổng thống Putin đã đưa ra đề xuất hòa bình ngày 11-5, đánh dấu khả năng đàm phán trực tiếp với Ukraine sớm nhất từ ngày 15-5 tại Istanbul - Ảnh: Reuters
Tổng thống Putin đã đưa ra đề xuất hòa bình vào ngày 11-5, đánh dấu khả năng đàm phán trực tiếp với Ukraine sớm nhất từ ngày 15-5 tại Istanbul - nơi các cuộc đàm phán đã từng diễn ra vào tháng 3-2022.
Tuyên bố này trùng thời điểm với đề xuất từ Ukraine và các đồng minh châu Âu - Pháp, Đức, Ba Lan và Anh - về "lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong ít nhất 30 ngày kể từ 12-5". Liệu đàm phán "Istanbul 2.0" có thể diễn ra khi hai bên vẫn còn những khác biệt về điều kiện tiên quyết?
Vì sao trở lại Istanbul?
Trong tuyên bố của mình, ông Putin không đề cập trực tiếp đến lệnh ngừng bắn 30 ngày. Phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng 9-5, ông cho biết sớm hay muộn Nga cũng sẽ tiến tới khôi phục quan hệ mang tính xây dựng với các nước châu Âu, dù hiện nay một số nước vẫn chưa từ bỏ lập trường và hành động chống Nga: "Họ vẫn đang cố gắng - chúng ta đang chứng kiến điều này ngay lúc này - nói chuyện với chúng tôi, về cơ bản là theo cách thô lỗ và với sự trợ giúp của tối hậu thư".
Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán nghiêm túc với Ukraine để loại bỏ tận gốc cuộc xung đột và thiết lập nền hòa bình lâu dài. Ông khẳng định Nga chưa bao giờ từ chối tham gia đối thoại với Kiev và rằng các cuộc đàm phán tại Istanbul vào tháng 3-2022 đã bị phía Ukraine làm gián đoạn.
Theo ông Putin, một dự thảo văn bản chung đã được chuẩn bị với chữ ký của người đứng đầu nhóm đàm phán Kiev, David Arakhamia - chủ tịch phái đoàn của đảng cầm quyền "Người phục vụ nhân dân" tại Quốc hội Ukraine - "nhưng theo yêu cầu của phương Tây, nó đã bị vứt vào thùng rác".
Ngay sau tuyên bố, ông Putin đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ông Erdogan ủng hộ ý tưởng này và bày tỏ sự sẵn sàng cung cấp địa điểm tại Istanbul. Ông cho biết "một cơ hội đang mở ra để đạt được hòa bình" và lưu ý rằng lệnh ngừng bắn sẽ tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xem đây là "một dấu hiệu tốt". Tuy nhiên ông vẫn nhấn mạnh "bước đầu tiên để thực sự chấm dứt bất kỳ cuộc xung đột nào là lệnh ngừng bắn", do đó Kiev mong đợi một lệnh ngừng bắn dài hạn từ phía Nga từ ngày 12-5, sau đó Ukraine sẽ đồng ý gặp mặt.
Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, cũng lặp lại quan điểm: "Đầu tiên là lệnh ngừng bắn trong 30 ngày, sau đó là mọi thứ khác".
Phản ứng từ phương Tây có sự khác biệt. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đề xuất của ông Putin là bước đi đầu tiên nhưng chưa đủ, khẳng định "đàm phán không thể đi trước một lệnh ngừng bắn vô điều kiện". Thủ tướng mới của Đức Friedrich Merz cũng cho rằng một thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ sẽ làm tăng triển vọng đàm phán thực sự.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump ban đầu nói về "một ngày có thể rất tuyệt vời" đối với Nga và Ukraine và hứa sẽ giữ liên lạc với cả hai bên. Tuy nhiên, đặc phái viên của ông Trump về Ukraine, Keith Kellogg, lại nhấn mạnh rằng Ukraine và Nga phải đồng ý ngừng bắn trong 30 ngày trước khi tiến hành đàm phán.
Sau đó, ông Trump lại lên tiếng "Gặp ngay!" - ông Trump nói và nhấn mạnh rằng Ukraine phải ngay lập tức đồng ý đàm phán trực tiếp với Nga.
Triển vọng đàm phán
Nikolai Silaev, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm các vấn đề Kavkaz thuộc MGIMO và là một trong những người tham gia đàm phán về thỏa thuận Minsk, tin rằng nếu phái đoàn Ukraine đến Istanbul và tham gia đàm phán, điều này có nghĩa là họ sẽ đồng ý với kịch bản của Nga về giải pháp.
Về nội dung đàm phán có thể diễn ra, ông tin rằng hai bên có thể bắt đầu từ dự thảo hiệp ước đã được nhất trí tại Istanbul nhưng với sự công nhận biên giới mới của Nga.
"Có lẽ cần phải làm rõ các thông số phi quân sự hóa, phi phát xít hóa và đảm bảo an ninh cho Nga và Ukraine. Ngoài ra, theo nghĩa mà nhà lãnh đạo Nga và các nhà ngoại giao Nga đã nói trong những tháng gần đây, cần phải thảo luận về việc ai sẽ thay mặt cho Ukraine ký các văn bản ràng buộc về mặt pháp lý và tính hợp pháp của người này cũng như bản thân các văn bản sẽ được đảm bảo như thế nào", ông Silaev nói. Từ lâu Kremlin đã gọi ông Zelensky là "tổng thống quá hạn".
Ông Dmitry Suslov, phó giám đốc tại Trường Kinh tế cao cấp thuộc Đại học Nghiên cứu quốc gia, cho rằng cơ hội đàm phán vào ngày 15-5 vẫn chưa rõ ràng. Theo ông, cả lập trường của Nga và phản ứng tích cực của ông Trump trước phát biểu của ông Putin đều ủng hộ việc bắt đầu tiến trình đối thoại trực tiếp.
Trong khi đó, ông Zelensky và các đồng minh châu Âu vẫn tiếp tục nhấn mạnh lệnh ngừng bắn sơ bộ trước khi tiến tới các cuộc đàm phán toàn diện. Theo ông Suslov, lập trường của Washington có tầm quan trọng quyết định. Ông tin rằng nếu cuộc họp diễn ra, nó sẽ ở cấp độ các nhà đàm phán được chỉ định đặc biệt, giống như vào mùa xuân năm 2022.
Đàm phán Istanbul 1.0 nói gì?
Đàm phán Istanbul đầu tiên diễn ra tại cung điện Dolmabahce ngày 29-3-2022. Phái đoàn Nga do ông Vladimir Medinsky dẫn đầu. Phái đoàn Ukraine do David Arakhamia, lãnh đạo nhóm "Người phục vụ nhân dân" trong Quốc hội Ukraine, dẫn đầu.
Sau cuộc họp, ông Medinsky cho biết Nga đã nhận được các đề xuất bằng văn bản từ Ukraine xác nhận mong muốn của nước này về một vị thế trung lập và phi hạt nhân.
Kiev hứa sẽ từ chối tham gia các liên minh quân sự, không sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, không triển khai các căn cứ quân sự nước ngoài và không tiến hành các cuộc tập trận trên lãnh thổ của mình mà không có sự đồng ý của các quốc gia bảo lãnh, bao gồm cả Liên bang Nga.
Ukraine cũng đã từ bỏ mong muốn lấy lại Crimea và Donbass bằng biện pháp quân sự và các đảm bảo an ninh nhận được sẽ không áp dụng cho các vùng lãnh thổ này.
Sau các cuộc đàm phán, Nga rút quân theo hướng Kiev và Chernigov. Tuy nhiên đầu tháng 4-2022, đàm phán đã bị đóng băng theo sáng kiến của phía Ukraine; và vào tháng 10-2022, ông Zelensky đã cấm đàm phán với ông Putin.
Ông Arakhamia sau này tiết lộ rằng chính thủ tướng Anh lúc đó, Boris Johnson, đã khuyên ông nên từ bỏ các cuộc đàm phán với lời nói "Chúng ta hãy chiến thôi".
Tháng 6-2023, tại cuộc họp với phái đoàn các nước châu Phi, ông Putin đã trình bày chi tiết thỏa thuận Istanbul. Tài liệu gồm 18 chương và phần phụ lục cam kết duy trì vị thế trung lập và không liên kết của Ukraine, từ chối triển khai lực lượng quân sự và vũ khí nước ngoài bao gồm cả vũ khí hạt nhân.
Anh, Trung Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Belarus được đề xuất đóng vai trò là bên bảo đảm an ninh cho Ukraine. Dự thảo này đã được các nhà lãnh đạo của nhóm đàm phán từ Kiev ký kết.
BÌNH LUẬN HAY